LEONARDO DA VINCI: NGƯỜI NGHỆ SĨ, NHÀ TƯ TƯỞNG VÀ NHÀ CÁCH MẠNG

Đã 500 năm kể từ ngày ra đi của Leonardo da Vinci, một con người phi thường thực sự trong lịch sử của tư tưởng và văn hóa nhân loại. Qua bài viết này Alan Woods muốn vinh danh ông, người nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà triết gia vĩ đại, con người mà cuộc đời và ý tưởng của ông đã mang tính cách mạng trong rất nhiều lĩnh vực.


“ Những chướng ngại không thể đè bẹp tôi. Mỗi chướng ngại lại mang tới quyết tâm không gì lay chuyển. Kẻ đã cố định ngôi sao thì tâm trí chẳng đổi thay.” (Leonardo da Vinci, 1452-1519)

Thời đại phục hưng

Có những giai đoạn trong lịch sử của nhân loại đại diện cho những bước ngoặt cơ bản. Những thời kỳ như vậy được đặc trưng bởi những biến đổi xã hội, chính trị và văn hóa to lớn. Những quan niệm, tập quán và truyền thống vốn đã được chấp nhận không chút hoài nghi trong hàng thế kỷ hoặc có khi là hàng thiên niên kỷ đột nhiên bị thách thức. Xã hội tự thấy nó trong một trạng thái lên men, một sự lên men mà tác động của nó đến với tâm trí của mọi đàn ông cũng như phụ nữ. Một lối sống đã trở nên cũ kỹ và suy đồi bắt đầu lung lay. Mặc cho mọi người không thể hiểu nổi những gì đang xảy ra, tất cả đều cảm thấy rằng một thay đổi cơ bản đang đến gần. Một thời kỳ biến động xã hội như vậy nhất thiết phải được phản ánh trong những thay đổi sâu sắc nơi tôn giáo, triết học và nghệ thuật.

Thế kỷ XVI chứng kiến ​​đỉnh cao sự mở rộng quyền lực của giai cấp tư sản, một trong những thời kỳ đáng chú ý nhất trong lịch sử loài người. Nó được biết đến ở Đức với tên gọi Kháng cách, ở Ý là Rinascimento (Phục hưng) và ở Pháp là Renaissance (Cũng là Phục hưng), nó đã tạo ra một sự nở rộ phi thường của văn hóa, nghệ thuật và khoa học. Chưa bao giờ trước đây hay kể từ đó về sau mà thế giới được chứng kiến ​​một phòng trưng bày đầy những anh hùng và thiên tài như vậy. Cho tới ngày nay, các tác phẩm nghệ thuật của thời kỳ độc đáo này trong lịch sử vẫn chẳng có gì sánh bằng. Nó đã đặt ra một tiêu chuẩn theo đó mà các thành tựu nghệ thuật của tất cả những thời kỳ lịch sử tiếp theo lấy làm đo lường.

Engels đã mô tả về thời Phục hưng như sau:

Đó là một cuộc cách mạng tiến bộ vĩ đại nhất mà loài người từng trải qua, thời kỳ gọi dậy những người phi thường và sinh ra những phi thường - những người phi thường trong sức mạnh về tư tưởng, đam mê và phong cách, trong sự bao quát và hiểu biết. Những con người đã đặt cơ sở cho sự thống trị hiện đại của giai cấp tư sản có mọi thứ ngoại trừ những hạn chế của giai cấp tư sản. Ở mặt kia, tính phiêu lưu của thời đại đã truyền cảm hứng cho họ dù ít hay nhiều. Hầu như không có người quan trọng nào sống hồi ấy mà không đi du lịch nhiều, mà không nói được bốn hoặc năm thứ tiếng, hay không tỏa sáng trong một số lĩnh vực. Leonardo da Vinci không chỉ là một họa sĩ vĩ đại mà còn là một nhà toán học, nhà cơ khí và nhà kỹ sư vĩ đại, người mà các ngành vật lý đa dạng nhất mắc nợ bởi những khám phá quan trọng của ông. Albrecht Durer là họa sĩ, thợ khắc, nhà điêu khắc và kiến ​​trúc sư, không những thế, còn là người đã phát minh ra một hệ thống công sự mà trong đó nhiều ý tưởng sau này một lần nữa được đưa trở lại bởi Montalembert và ngành khoa học công sự hiện đại của Đức. Machiavelli là chính khách, nhà sử học, nhà thơ, đồng thời là học giả về quân sự đáng chú ý đầu tiên của thời hiện đại. Luther không chỉ dọn sạch những rác rưởi trong Giáo hội mà còn cả tiếng Đức; ông đã tạo ra văn xuôi Đức hiện đại và sáng tác ra lời và giai điệu cho bài thánh ca khải hoàn với sự thấm nhuần niềm tin vào chiến thắng thứ đã trở thành bài ca Marseille của thế kỷ XVI. (Engels, Phép biện chứng của tự nhiên, Moscow, 1974, trang 20-2.)

Gốc rễ của thời kỳ phi thường này được tìm thấy vào nửa cuối thế kỷ XV, khi sự suy tàn kéo dài của chế độ phong kiến ​​ở Tây u dẫn tới các chế độ quân chủ tuyệt đối, điềm báo cho những quốc gia dân tộc châu Âu hiện đại. Bằng cách dựa vào tầng lớp tư sản trong các thị trấn, các chế độ quân chủ tuyệt đối đã thành công trong việc phá vỡ quyền lực của giới quý tộc phong kiến ​​cũ. Còn giai cấp tư sản sử dụng đòn bẩy này của mình để ép buộc những nhượng bộ từ trung ương dưới hình thức của điều lệ và đặc quyền hoàng gia. Ở đây, qua nét đại cương, chúng ta thấy được tham vọng đầy mạnh mẽ và sự trỗi dậy sức mạnh của giai cấp tư sản, điều cuối cùng đã dẫn đến sự lật đổ của các chế độ quân chủ ở Anh và Pháp.

Nghệ thuật và sự trỗi dậy của giai cấp tư sản

Giai cấp tư sản non trẻ đã nhanh chóng gạt bỏ thứ giẻ rách hôi thối của chế độ phong kiến. Nó háo hức đón nhận những ý tưởng mới, những triết lý mới, khoa học mới và cả những hình thức nghệ thuật mới. Ngày nay, mối liên quan giữa sự trỗi dậy của giai cấp tư sản và cuộc đấu tranh chống lại ý thức hệ thống trị của Giáo hội Công giáo La Mã đã trở nên quá rõ ràng với tất cả mọi người. Cuộc đấu tranh giữa các giai cấp thù địch đã được phản ánh trong cuộc đấu tranh giữa các tôn giáo đối địch, thứ có thể thấy qua những gì mà chúng ta gọi là phong trào Kháng Cách, cuộc cách mạng ở Hà Lan và Anh, các cuộc chiến tranh tôn giáo hoành hành tại châu Âu trong suốt thế kỷ thứ XVII. Nhưng trước đó rất lâu, một cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa giai cấp tư sản và quần chúng chống lại Giáo hội đã bắt đầu.

Với sự suy tàn của chế độ phong kiến ​​và sự trỗi dậy của giai cấp tư sản, các hình thức nghệ thuật và văn học mới bắt đầu xuất hiện. Khởi đầu từ các thành bang Flemish giàu có cùng với tầng lớp thương nhân mới nổi của chúng. Các cách thức mới của sản xuất tư bản tìm thấy biểu hiện của chúng trong nghệ thuật. Jan van Eyck, một trong những nhân vật xuất sắc của trường phái này, đã vận hành các công xưởng với nhiều người học việc - giống như những nhà máy đầu tiên được cách mạng hóa quy trình sản xuất. Chúng, trong thực tế, là những nhà máy nghệ thuật. Bản thân Van Eyck không chỉ là một nghệ sĩ mà còn là một nhà giả kim, người được cho là đã phát minh ra tranh sơn dầu.

Ghent Altarpiece: Nhìn cận cảnh Adam. Tranh chân dung kể từ năm 1420 trở đi đã chân thực hơn nhiều. Những khuôn mặt là những cá nhân dễ nhận biết. Đây là một cuộc cách mạng đích thực trong nghệ thuật. Nghệ thuật mới nảy sinh đầu tiên ở Ý và Flanders - đặc biệt là ở Ghent và Bruges (được gọi là Flemish nguyên sơ). Trong thực tế, không có gì nguyên sơ với những bức tranh này. Chúng là những tác phẩm cực kỳ phức tạp và cầu kỳ, được lấy cảm hứng từ một tri giác nhạy bén và chủ nghĩa hiện thực sống động. Đặc biệt nổi bật là hiệu ứng của ánh sáng và bóng râm, tương phản mạnh mẽ với nhau.

Phong cách nghệ thuật mới liên quan đến những kỹ thuật cách mạng vô cùng tinh tế, cho phép người nghệ sĩ miêu tả những chi tiết chưa từng có thể trước đây - sợi vàng trong một chiếc váy, nếp gấp của một chiếc áo choàng, tia sáng mặt trời trên bộ giáp hay ánh phản chiếu trên một tấm gương. thứ gây ra khó khăn đặc biệt về mặt kỹ thuật. Họa sĩ hiện đại người Anh David Hockney tin rằng những nghệ sĩ này đã sử dụng các kỹ thuật phát triển nhờ những phát kiến khoa học tân thời về quang học: phòng tối và những thấu kính được sắp đặt để đạt được chất lượng gần như hình ảnh trong thực tế của chúng. Một trường hợp điển hình là bức chân dung đám cưới nổi tiếng của van Eyck, với gương và đèn chùm.

Chủ nghĩa tân hiện thực cũng được kết nối với một tinh thần sáng chế mới, nghiên cứu về tỷ lệ và giải phẫu, sáng tạo màu mới và trên hết là khám phá về phép phối cảnh. Phép phối cảnh chính xác theo kiểu Phục hưng chưa được biết đến ở thời Trung cổ. Trước thời Phục hưng, Đức Chúa Cha được thể hiện lớn hơn nhiều so với hình dáng người thường, nhằm nhấn mạnh mối tương quan đặc biệt giữa con người với Đấng toàn năng. Một lần nữa, đó là thời đại Phục hưng, buổi bình minh tuyệt diệu của tinh thần con người thứ đã phá vỡ khỏi khuôn mẫu.

Cho tới lúc này, ở khắp mọi nơi các thị trấn đã giành được một mức độ độc lập đáng kể, mặc dù chính thức thì họ vẫn nằm dưới sự thống trị của chế độ quân chủ tuyệt đối. Rất lâu trước khi giai cấp tư sản đòi hỏi “chính quyền giá rẻ”, họ đã yêu cầu tôn giáo giá rẻ. Cuộc xung đột giữa giai cấp tư sản non trẻ và Giáo hội Công giáo La Mã - cuộc xung đột trung tâm trong toàn bộ thời kỳ ra đời của chủ nghĩa tư bản - một phần đã được xác định bởi thực tế là Giáo hội là nơi cung cấp luân lý cốt yếu và sự ủng hộ về đức tin cho trật tự phong kiến ​​hiện tồn.

Đây là thời kỳ mà giai cấp tư sản đang đóng một vai trò tiến bộ, đấu tranh để tự giải phóng mình khỏi xiềng xích của chế độ phong kiến ​​đang cản trở sự phát triển của nó. Tư tưởng về tự do bắt đầu hình thành nơi tâm trí con người: ngay từ đầu, tự do khỏi bàn tay tử thần của tôn giáo và Giáo hội Công giáo La Mã, thứ cuối cùng đã dẫn tới Luther và Kháng cách.

Nước Ý

Đến đầu những năm 1400, tinh thần mới đã được khuấy động khắp châu Âu. Nhưng ngay cả trước đó, những gì là dự báo cho nó đã xuất hiện ở Ý, cái nôi thực sự của nền văn minh châu Âu. Sự giàu có của những thành phố như Florence, Genoa, Milan và Venice, được cai trị bởi những gia đình thương gia hùng mạnh, đã tạo ra những điều kiện khách quan cho sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật, điều chưa từng có kể từ thời cổ đại.

Chính trong đời sống trí tuệ sôi nổi này, các trường phái nghệ thuật mới thi nhau mọc lên, được gắn liền với những người đàn ông như Giotto di Bondone. Botticelli, Fra Filippo Lippi, Piero della Francesca, Bellinis, Giorgione, Della Robbia. Sau đó, xuất hiện một thiên hà của những người khổng lồ: Titian (Tiziano Vecellio), Michelangelo, Raphael và, cao chót vót trên tất cả bọn họ, là Leonardo da Vinci. Những phát triển này ở Ý đã song hành với những nơi khác ở Châu Âu: Dürer và Holbein ở Đức, Rubens và Bruegel ở Hà Lan.

Dante Alighieri/ Ảnh: Nguồn công cộng. Tinh thần mới xuất hiện, không chỉ trong nghệ thuật trực quan mà còn trong văn học. Bước đột phá được nhân cách hóa trong hình tượng khổng lồ của Dante Alighieri (1265-1321), người có thể được xem là nhà văn cuối cùng của thời Trung cổ và cũng là nhà văn đầu tiên của thời đại mới. Petrarch và Boccaccio, cùng với Dante là những tượng đài văn học vĩ đại nhất của thời kỳ này. Trong cuốn Mười ngày của Boccaccio chúng ta có thể thấy được những mầm mống của tiểu thuyết hiện đại.

Machiavelli (1469-1527) là một trong những trí tuệ vĩ đại nhất trong thời đại của những nhà tư tưởng vĩ đại này. Thanh danh tiếng hiện đại của ông ấy như một kẻ mưu mô bất lương hoàn toàn không tương xứng với tầm vóc của ông. Thực sự, ông là một học giả, một nhà tư tưởng vĩ đại của thời Phục hưng. Lịch sử Florentine của ông (mà Marx rất ngưỡng mộ) là một kiệt tác đầu tiên trong những tác phẩm lịch sử. Nó mô tả chính xác những cuộc đấu tranh giai cấp dữ dội đang nổ ra ở các thành bang Ý lúc bấy giờ. Machiavelli là nhà văn đầu tiên cung cấp một phân tích khoa học về nhà nước, tước đi mọi sự tô điểm về đạo đức và lý tưởng và từ đó tiết lộ bản chất thực sự của nó như là hình thể vũ trang của con người.

Nghệ thuật mới được kết nối mật thiết với sự trỗi dậy của giai cấp tư sản. Và với sự trỗi dậy của giai cấp tư sản, chúng ta thấy được sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân trong nghệ thuật. Đây là thời đại của chủ nghĩa cá nhân, sự khẳng định táo bạo về quyền con người. Và vì lý do này, nó cũng là thời đại của chân dung cá nhân. Ở thời trung cổ, không có chỗ cho một điều như vậy, nếu không nói là hết sức báng bổ. Cái nhìn của con người được cho là phải hướng lên trên, đến thiên đàng và cuộc sống bên ngoài những ngôi mộ, chứ không phải là sự phù phiếm của thế giới trần tục này.

Cho tới lúc đó chủ thể đích thực của nghệ thuật là Thiên Chúa, không phải Con Người. Nhưng cũng giống như Copernicus và Galileo làm cho thế giới xoay quanh mặt trời, thế giới quan của chủ nghĩa nhân văn Phục hưng đã khiến cho nghệ thuật xoay quanh con người đích thực. Một điều như vậy sẽ là không thể tưởng tượng được trong thời trung cổ. Lần đầu tiên chúng ta có khuôn mặt của những người đàn ông và phụ nữ thực sự, dễ nhận biết. Đây là một yếu tố mới và mang tính cách mạng: chủ nghĩa hiện thực và sự riêng biệt của con người. Tinh thần của một thời đại mới đã được sinh ra: thời đại của cá nhân.

Không phải ngẫu nhiên mà Ý đóng một vai trò nổi bật như vậy trong thời kỳ hình thành nên thời đại Phục hưng. Ý (cùng với Hà Lan) là nơi khai sinh ra chủ nghĩa tư bản. Ở các thành phố miền bắc và trung nước Ý, giai cấp tư sản non trẻ đã vươn lên để khẳng định mình, tiếng nói của nó ngày càng trở nên quyết đoán hơn. Các gia đình thương gia hùng mạnh đã thống trị mọi mặt đời sống của Florence, giống như những gì Machiavelli mô tả một cách sinh động trong Lịch sử Florentine của ông.

Là quốc gia nơi mà lần đầu tiên giai cấp tư sản đặt dấu ấn của mình lên xã hội, nền tảng cho một loại hình văn minh mới, Ý đã để lại cho nhân loại một thiên hà rực rỡ của những họa sĩ và nhà văn. Những sôi nổi đầu tiên của chủ nghĩa tư bản có thể được nhìn thấy ở Ý vào thế kỷ XIII và XIV, và đi cùng với đó là sự bùng nổ vô cùng mạnh mẽ của sáng tạo nghệ thuật. Sự trỗi dậy của giai cấp tư sản Ý thể hiện chính nó qua sự độc lập của hàng loạt các thành bang. Trong sự thiếu vắng của một chế độ quân chủ tập quyền mạnh mẽ, giới tư sản của Florence, Milan, Genoa và các thành thị thịnh vượng khác đã thành lập nên các thành bang, thông qua sự cân bằng ảnh hưởng giữa Hoàng đế và Giáo hoàng để duy trì quyền tự chủ của mình. Những thành thị này là những nước cộng hòa trên thực tế chỉ ngoại trừ trong cái tên, mặc dù về chính thức chúng vẫn dưới sự bảo trợ của các quốc vương.

Tuy nhiên, có một vấn đề sau chót đã kìm hãm sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Ý. Sự thiếu vắng của đoàn kết dân tộc và sự chia rẽ gay gắt giữa các thành bang, đã tạo điều kiện cho sự can thiệp liên tục của các ngoại cường. Ngay trong thời Trung cổ, chính trị Ý được đặc trưng bởi cuộc đấu tranh giữa hai phe đối lập, Guelphs và Ghibellines, một bên ủng hộ giáo hoàng còn bên kia ủng hộ các hoàng đế Đức (Holy Roman).

Điều này góp phần gây nên những xung đột kinh niên trong các thành phố miền bắc Ý suốt thế kỷ XIII và XIV. Như một hệ quả, trong nhiều thế kỷ, Ý đã thành một bãi chiến trường cho các đội quân của Pháp, Đức và Tây Ban Nha tranh đấu nhằm giành lấy quyền kiểm soát sự giàu có của đất nước. Kết quả của sự chia rẽ là khiến cho Ý không thể phát triển thành một quốc gia thống nhất. Và do đó, mọi tiềm năng cho sự phát triển tiền tư bản đã bị lãng phí bởi những xung đột quốc tế, chiến tranh và xung đột phe phái nội bộ.

Leonardo da Vinci

Leonardo là một con người vào hàng xuất sắc của thời đại Phục hưng. Hơn hết thảy, Leonardo là người chịu trách nhiệm cho việc kéo hội họa ra khỏi thời kỳ Trung cổ và mang tới một cuộc cách mạng nghệ thuật chân chính. Chúng ta đã có thể nhận ra phác thảo lờ mờ của cuộc cách mạng này trong những bức tranh của Giotto một trăm năm trước đó. Ở đây những khuôn mặt giống con người hơn. Giống như Leonardo, Giotto không tự trói buộc mình trong hội họa mà còn cả thiết kế công sự cho Florence thế kỷ thứ XIV. Nhưng tương lai chỉ hiện diện ở đây dưới dạng chưa phát triển - như một tiềm năng hay phôi thai. Với Leonardo, nó mới cho thấy sự phát triển đầy đủ nhất của nó.

Như chúng ta đã thấy trong đoạn trích dẫn trên, Engels đã dành một lời khen ngợi nồng nhiệt cho người đàn ông này người mà, hầu như, đã thể hiện tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ của thời đại mà anh ta sống. Và đó cũng có thể là Leonardo trong ý nghĩ của Engels khi ông viết những dòng sau:

“...Những anh hùng thời đó chưa chịu sự phân công của lao động, hay chịu giới hạn bởi nó, với việc sản xuất một chiều, chúng ta thường chú ý đến những người kế thừa họ. Nhưng điều đặc biệt ở họ là hầu hết đã đặt trọn vẹn cuộc sống và hoạt động của mình giữa những phong trào đương đại, trong cuộc đấu tranh thực tế; họ chọn phe và tham gia vào cuộc chiến, người thì bằng diễn thuyết và viết lách, người thì với thanh kiếm, nhiều người là cả hai. Do đó sự đầy đủ và lực lượng của nhân vật làm nên con người trọn vẹn. Những người đàn ông của nghiên cứu là ngoại lệ - hoặc là người hạng hai hoặc hạng ba hoặc những người theo chủ nghĩa thận trọng không muốn đốt cháy ngón tay của họ.” (Giới thiệu về phép biện chứng tự nhiên )

Tâm trí tò mò mãnh liệt của ông quay cuồng theo một hướng trong khi đang tìm kiếm cách để giải quyết vấn đề khác, và trong đó ông phản chiếu toàn bộ tinh thần của thời đại ông. Nhưng ngay lúc ông giải quyết được một vấn đề, ông dường như mất hứng thú với nó và tìm tới cái khác. Vì lý do này, ông thường bỏ dở các dự án và mất khá nhiều thời gian để kết thúc những dự án mà ông đã gần như là hoàn thiện. Ông đã phải mất bốn năm để hoàn thiện bức Mona Lisa. Trong những trường hợp khác, ông chỉ đơn giản là để lại bức tranh cho người học việc của mình để hoàn thiện. Như thể là thế giới không đủ rộng để ông chinh phục, và cuộc đời quá ngắn ngủi để ông sống trọn vẹn.

Ông là một kiến ​​trúc sư, một kỹ sư, người đã lên kế hoạch đào hầm xuyên núi và kết nối các con sông thông qua kênh đào. Ông đã tiên đoán trước lý thuyết của Copernicus về sự chuyển động của trái đất và của Lamarck về sự phân loại động vật thành động vật có xương sống và không xương sống. Ông đã khám phá ra các định luật quang học, trọng lực, nhiệt và ánh sáng. Ông bị ám ảnh bởi cách chim bay và dành nhiều thời gian cho nghiên cứu khả năng chế tạo máy bay.

Trong số rất nhiều bản vẽ của ông, chúng ta có tìm thấy một cái như là phác họa cho trực thăng. Ông cũng đã thiết kế một chiếc xe tăng và một chiếc dù, vài thế kỷ trước khi những thứ này đóng vai trò trung tâm trên chiến trường của Thế chiến thứ hai. Ông cũng đã phát triển một triết lý biện chứng, nơi sẽ hứa hẹn về cuộc sống đầy tiềm năng, và điều này tổng hợp trọn vẹn ý nghĩa bên trong cuộc sống của chính ông, nhiều hơn nhiều một cuộc sống bình thường có thể đạt được.

Tài năng chân chính của Leonardo chỉ thực sự bắt đầu được hiểu trong thời đại của chúng ta. Tuy vậy đáng ngạc nhiên là không có mấy thông tin về đời sống và tính cách của ông. Ông đã có một khởi đầu khó khăn. Sinh năm 1452 tại một thị trấn nhỏ tên là Vinci ở vùng Tuscan, thung lũng hạ lưu sông Arno, Leonardo là con trai ngoài giá thú của một luật sư. Ông không bao giờ biết rõ về mẹ mình, mặc dù bà đã nuôi dưỡng ông thuở thiếu thời.

Những năm đầu: ở Florence

Điều này hẳn có thể giải thích một phần cho lý do tại sao rất nhiều cảnh trong tranh của ông chứa đựng dáng hình người mẹ và cảnh tuổi thơ dịu dàng. Freud đã viết hẳn một cuốn sách để cố gắng lý giải nghệ thuật của Leonardo từ thực tế này. Nhưng từ sự kiện và tâm lý cá nhân người ta chỉ có thể giải thích được một phần khá nhỏ sức sáng tạo của Leonardo. Phần lớn hơn chỉ có thể được hiểu như một phần của bức tranh lịch sử vĩ đại mà trong đó nó đã phát triển. Leonardo đã bị buộc phải thích nghi dưới những điều kiện hỗn loạn của thời đại nơi mà anh được sinh ra. Điều này giải thích lý do tại sao mà ông đã dành rất nhiều thời gian và nỗ lực để thiết kế vũ khí và công cụ bao vây để bán cho các bè đảng giàu có đang kèn cựa với nhau để vươn lên nắm quyền tại các thành bang của Ý thời điểm này.

Đây là thời kỳ của những biến động to lớn trong xã hội - thời đại của những cuộc chiến và cách mạng. Trong thế kỷ XV Ý là một vùng đất đặc biệt bạo lực, và không nơi nào ở đây mà bạo lực lại ngày càng dữ dội hơn như ở Florence, nơi mà các gia tộc thương gia đối đầu với nhau trong cuộc đấu tranh cho quyền lực. Đây là một trong những thành phố lớn nhất ở châu Âu lúc đó, và nó ở ngay trái tim của thời đại Phục hưng - một thành phố ồn ào, hối hả với 40.000 dân, cuộc sống về đêm ở đây khá náo nhiệt và đôi khi là nguy hiểm.

Leonardo không được giáo dục chính thức. Ông chỉ biết chút ít tiếng Latin - điều kiện tiên quyết để có được một nền giáo dục tốt thời đó. Nhưng sự thiếu vắng kiến thức sách vở chính thống, thay vì là một trở ngại, lại là một yếu tố khuyến khích sự phát triển của những năng lực đã khiến ông trở nên vĩ đại. Ông hoàn toàn không chú tâm tới kiến thức sách vở, thay vào đó là kiến thức từ cuốn sách vĩ đại nhất trong tất cả - cuốn sách cuộc sống và thiên nhiên. Ông bắt đầu đời sống nghệ thuật của mình, như thường thấy vào thời điểm đó, là một người học việc khiêm tốn ở Florence, trong xưởng của nhà điêu khắc-họa sĩ Verrocchio, nơi ông đã làm việc cùng với Botticelli và Perugino.

Nghệ sĩ thời đó chiếm một vị trí khá thấp trong hệ thống phân cấp xã hội. Họ không phải là thành viên của một đẳng cấp đặc biệt mà chỉ là một nghệ nhân, ở cấp độ tương tự như thợ thủ công, thợ may hay thợ làm yên ngựa mà thôi. Là một người học việc trẻ tuổi, một người nghệ sĩ vô sản, Leonardo sản xuất những thứ thiết thực trong một công xưởng, thứ thực sự như một nhà máy. Trong một bức tranh, người thầy sẽ vẽ những nhân vật chính trong khi những người học việc khiêm tốn sẽ điền vào các chi tiết và các nhân vật phụ.

Những người học việc vẽ tranh bằng màu keo, một dạng màu nước mau khô hỗn hợp của chất màu trộn với các chất kết dính dễ hòa tan trong nước như lòng đỏ trứng. Nhưng Leonardo lại sử dụng kỹ thuật mới đã được phát triển ở các quốc gia vùng đất thấp - Sơn dầu. Điều này mang lại một phạm vi màu sắc lớn hơn nhiều. Sơn dầu về sau đã được sử dụng trên khắp miền nam u, nhưng ở thời điểm này nó vẫn còn là một sự mới lạ tuyệt vời.

Theo giai thoại nổi tiếng trong Đời sống của các nghệ sĩ vĩ đại của Vasari, khi Verrocchio nhìn thấy trang trí mà Leonardo vẽ trong bức tranh về Chúa Giêsu được rửa tội bởi John, ông đã thốt lên rằng ông sẽ không bao giờ vẽ lại. Giai thoại này có thật hay không thì vẫn chưa rõ, nhưng chắc chắn phần của bức tranh được thực hiện bởi Leonardo rất ấn tượng. Đó không phải là sáng tạo duy nhất của ông. Trong bức tranh như Sự tôn thờ của các thầy tế, có một loại sức mạnh và năng lượng thô mới và gây sốc.

Nhưng bất chấp tài năng rõ ràng của mình, hoặc cũng có thể tại nó mà ông đã sớm gặp rắc rối nghiêm trọng với chính quyền. Ông đã hai lần bị cáo buộc tội Kê gian (đồng tính luyến ái) vào năm 1476. Đây là một hành vi tội phạm nghiêm trọng, bị trừng phạt bằng cái chết trên giàn thiêu. Và vì đó mà ông thực sự đã bị cầm tù trong hai tháng. Một mình trong phòng giam của mình, dường như ông đã ở trong tâm trạng tuyệt vọng khi viết trên một tờ giấy rằng: “Tôi chẳng có ai để bầu bạn”, và ”nếu không có tình yêu thì còn lại gì?” Dù sao ông đã may mắn khi có được những người bạn quan trọng, những người đã giúp ông được thả ra.

Trong số rất nhiều điểm không chính xác khác trong bộ phim lố bịch Mật mã Da Vinci, nơi Leonardo được mô tả như là một "gã đồng tính lòe loẹt". Tuy nhiên, hoàn toàn không có cơ sở lịch sử cho nhận định này. Mặc dù Leonardo bị người đương thời đồn đại là đồng tính luyến ái nhưng thực tế là chúng ta không biết gì về đời sống tình dục của ông. Các cáo buộc chống lại ông (đã bị bác bỏ vì thiếu nhân chứng) có lẽ là bịa đặt. Đó là phong tục của người dân khi để lại những đơn tố cáo nặc danh trong Bocca della Verità (Miệng sự thật) khét tiếng, và Leonardo đã bị buộc tội theo cách này.

Ở Florence thế kỷ XV, việc buộc tội ai đó là Kê gian là một chiến thuật thường được sử dụng để gây rắc rối cho người khác, và có thể phỏng đoán rằng người tố cáo hẳn là một nghệ sĩ đố kỵ nào đó. Dù sự thật có thể là gì đi nữa, ông chắc chắn đã bị tổn thương sâu sắc bởi trải nghiệm này. Và kết luận đã sớm được ông rút ra rằng Florence là nơi quá nguy hiểm để sống.

Giai đoạn thứ hai: tại Milan

Sau những sự kiện này, Leonardo rời Florence năm 1481 và đến sống ở Milan. Đây là một thành phố thương mại thịnh vượng, thậm chí tư sản và thực dụng hơn đáng kể so với Florence. Nhưng cũng còn những lý do khác khiến cho ông tới Milan, đây là một thành phố thịnh vượng của Bắc Ý - một thành phố bùng nổ được điều hành bởi một triều đại của những kẻ giàu có thích khoe mẽ nghệ thuật và dư dả tiền bạc để tài trợ cho nhu cầu này. Leonardo lúc này còn trẻ và đầy tham vọng, và ông đã cố gắng thăng tiến bằng cách tham gia phục vụ cho Ludovico Sforza, Công tước của Milan.

Nhà Sforza hoàn toàn tiêu biểu cho các triều đại cầm quyền đã vươn lên top đầu ở Ý trong thời điểm này. Họ cầm đầu tất cả bằng một bàn tay sắt. Kẻ đứng đầu gia tộc Sforza cầm quyền, Ludovico Sforza là một tên nhà giàu mới phất với nỗi ám ảnh điển hình của lũ nhà giàu mới nổi (nouveaux riches) về địa vị xã hội và gia thế. Ông trả tiền cho các chuyên gia để họ vẽ lên một cây gia phả, thứ có thể truy ngược tổ tiên của ông tới, không phải một quý tộc mà là hẳn một vị thần. Rỗng tuếch mà tham vọng, nhưng nỗi ám ảnh của Ludovico với địa vị và gia phả có cơ sở vật chất của nó.

Việc nắm giữ quyền lực với những người đàn ông như vậy luôn có phần khó khăn. Người tiền nhiệm trước của Ludovico đã bị chính các cận thần của mình đâm 37 nhát dao cho tới chết. Bản thân ông cũng không an toàn trên ngai vàng của mình, gia đình ông được coi như chẳng hơn gì một lũ đi lên từ thợ đóng giày. Vì lý do này, Ludovico đã nỗ lực để nâng cao địa vị xã hội của mình, và một trong số những cách dễ nhất là bao quanh mình với các nghệ sĩ và những bậc trí thức có uy tín. Tất cả điều đó là về sức mạnh và thanh thế.

Leonardo đã cố gắng lấy lòng người bảo trợ mới của mình bằng những hứa hẹn về các kiểu công sự và máy móc quân sự mới. Thú vị khi ông đưa ra thỉnh cầu công việc, ông đã không đánh vào thị hiếu nghệ thuật của Công tước mà vào mối quan tâm thực tế hơn đối với nghệ thuật cơ khí - đặc biệt là những thứ liên quan đến thứ quan trọng nhất - nghệ thuật chiến tranh. Ông đã tìm hiểu về thành phần của chất nổ. Ông đã phát minh ra tất cả mọi thứ: từ cối xay nước đến động cơ chiến tranh bao gồm xe tăng, mái chèo cho tàu thuyền, súng thần công nạp đạn bằng khóa nòng và đạn súng trường hình nón.

Mặc dù không được hưởng một nền giáo dục chính thức từ khi còn trẻ, Leonardo đã cho thấy một sự hiểu biết sâu sắc về toán học. Ông đã sử dụng kiến ​​thức về quang học cho cả nghệ thuật và kỹ thuật. Ông đã thiết kế cống và cầu. Ông thậm chí còn xây dựng một phòng tắm cho Nữ công tước và đạo diễn cho các bữa tiệc, bóng và sự kiện tráng lệ của Công tước. Dường như ông say sưa với mọi loại kiến ​​thức. Ông đã nghiên cứu dùng hơi nước cung cấp lực cho đầu máy trên tàu bè, lực hút từ tính và sự lưu thông của máu. Ông thậm chí còn phát triển một nguyên mẫu cho một chiếc xe có động cơ. Tuy nhiên, ông đã được trả còn ít hơn so với một chú lùn mua vui.

Leonardo hiểu rằng mình cần phải có một người bảo trợ, nhưng ông bức bối với tình trạng phụ thuộc, và trong thâm tâm, ông đã chống lại điều đó. Một cách để khẳng định sự độc lập nghệ thuật của ông là chối sự gấp gáp. Ông đã lên kế hoạch cho một bức tượng khổng lồ cảnh Ludovico cưỡi ngựa. Đây được cho là bức tượng lớn nhất của một con ngựa từng được xây dựng. Theo cách này, anh ấy đã chơi đùa một cách ma mãnh với khao khát của Ludovico về tất cả những gì là hoành tráng. Bất chấp áp lực liên tục và không ngớt của sự phàn nàn, Leonardo vẫn buộc Công tước phải chờ đợi tới 17 năm mà thậm chí sau đó chỉ có thể tạo ra một mô hình đất nung của con ngựa.

Bức tượng đã được định sẵn số mệnh không bao giờ có thể hoàn thành. Năm 1498 thảm họa đã xảy ra. Ý đã thu hút sự chú ý từ các cường quốc nước ngoài. Các vị vua Pháp và triều Habsburg đã tham gia vào những mưu đồ đen tối với các Giáo hoàng để can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Ý. Giữa những cuộc chiến và mưu đồ, một đội quân Pháp dưới thời Louis XII đã tiến vào Milan. Khi quân đội Pháp tiến vào thành phố, họ đã sử dụng mô hình đất nung khổng lồ của bức tượng cưỡi ngựa của Leonardo để làm mục tiêu tập bắn, trong khi 60 tấn đồng được dùng để chế tạo bức tượng đã bị nung chảy để đúc đại bác. Một lần nữa Leonardo bị buộc phải chạy trốn, lần này là đến Mantua, rồi sau đó là Rome.

Giai đoạn thứ ba: tại Rome

Tại Rome, Leonardo làm việc cho một tên kẻ cướp giàu có khác, người mà danh tiếng tàn ác đã khiến ông trở thành nỗi kinh hoàng cho cả nước Ý - Cesare Borgia khét tiếng. Cesare đã trở thành chủ nhân của Rome thông qua sự kết hợp của quyết tâm sắt đá, sự táo bạo, tuyệt không dao động pha trộn thêm chút may mắn, thứ thường thấy ở các con bạc và những kẻ phiêu lưu. Là con trai yêu quý của Giáo hoàng Alexander, Cesare đã có một cuộc sống hoang phí tại Vatican trong tập đoàn của những con điếm, những kẻ nghiện rượu và đĩ hạng sang.

Mệt mỏi vì sự khắc nghiệt của đời tu hành, Cesare xin phép các hồng y và giáo hoàng từ bỏ chức tư tế. Như thể điều đó là "vì lợi ích cho linh hồn của ông ta." Những bước mà ông ta làm ngay sau đó có thể không làm được gì nhiều cho linh hồn của mình, nhưng đã làm nên điều kỳ diệu cho sự tiến bộ của trạng thái trần tục của anh ta. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình bằng cách giết chết anh trai và anh rể sau đó lên nắm quyền lực ở Rome. Là một tướng lĩnh thành công, phong cách quân sự của ông được đặc trưng bởi sự tàn nhẫn đến cực độ.

Phần thưởng cho sự hiếu chiến của ông là quyền sở hữu những vùng lãnh thổ rộng lớn mà ông đã giành được, và giáo hoàng đã phong cho ông làm công tước xứ Romagna. Nhưng ông vẫn bị đe dọa bởi hàng loạt âm mưu, chủ yếu được từ gia đình Orsini hùng mạnh. Bằng sự kết hợp của thủ đoạn ranh ma và tuyệt đối tàn nhẫn, ông đã duy trì được quyền lực. Nhưng, như Machiavelli đã chỉ ra, cuối cùng, thành công của ông vẫn phụ thuộc vào sự bảo trợ từ Giáo hoàng, và điều đó đã được chứng minh là một yếu điểm chết người. Khi giáo hoàng mất vào năm 1503, vận may đã từ bỏ ông. Vị giáo hoàng mới, Pius III, đã bắt giữ ông và sự lên ngôi của Julius II cuối cùng đã làm Borgias sụp đổ.


Khi Leonardo chuyển đến Rome, tất cả điều này vẫn còn nằm ở tương lai. Thời điểm này Cesare Borgia vẫn là một trong những nhà cai trị đáng gờm nhất trên toàn đất Ý. Cesare không phải là người dễ làm việc cùng. Lòng tham của ông là vô đáy và sự chống đối là không được phép. Bản thân ông là kẻ khinh khỉnh, ít nói và vô tình. Tuy nhiên, bằng cách nào đó mà Leonardo vẫn xoay sở được để giành lấy sự ưu ái từ ông. Ở Rome nghệ thuật của ông đã vươn đến một tầm cao mới. Kỹ năng nghệ thuật đã được ông đẩy đến giới hạn của nó.

Việc sử dụng ánh sáng và bóng tối của ông ấy rất độc đáo và cho ra những hiệu ứng tuyệt đẹp. Ở đây chúng ta có thể thấy một sự làm chủ hoàn hảo của phép biện chứng về sự thống nhất của các mặt đối lập như đã được thể hiện trong ánh sáng và bóng tối. Ông đã đem lại chiều sâu của sự đổ bóng cho những bức tranh trường phái Florentine, điều mà nó chưa từng sở hữu trước đây. Trong những bức tranh đáng chú ý này, các đối tượng và những người được miêu tả dường như hiện ra lờ mờ khỏi bóng tối. Chúng dường như không đứng độc lập mà là một phần không thể thiếu với môi trường xung quanh - một phần của tổng thể hữu cơ. Cảm giác trọn vẹn này là một cái nhìn rất biện chứng về thế giới và truyền đạt một cảm giác đặc biệt về sức mạnh và cảm xúc cho các bức tranh của ông.

Khúc dạo đầu của tranh biểu tượng hữu thể này đại diện cho một cuộc cách mạng thực sự trong nghệ thuật biểu tượng. Nó đã được đặt trong nền tảng tinh thần khoa học của thời đại. Với sự nghiêm khắc đặc trưng, ​​Leonardo Da Vinci xác định không chỉ một mà ba loại phối cảnh khác nhau. Bằng những kỹ thuật như vậy, Leonardo đã biến đổi nghệ thuật châu Âu mãi mãi. Leonardo đã vẽ các mô hình của mình từ đời thực - từ khu chợ và nhà thổ. Trong khi làm việc với bức bích họa The Last Supper khổng lồ của mình, anh đã đi khắp thành phố để phác họa những người dùng để làm người mẫu. Kết quả - khi cuối cùng nó được hoàn thành vào năm 1498 - được cho là đã làm Công tước ngạc nhiên.

Thiên tài của anh khiến cho anh có nhiều kẻ thù trong giới nghệ thuật, nơi mà cuộc cạnh tranh khốc liệt để tìm bảo trợ đã làm nảy sinh chiến tranh và những mưu đồ, gần giống với những gì đặc trưng cho đời sống chính trị của thời đại. Anh đụng độ với những nghệ sĩ trẻ đang lên như Raphael, và đặc biệt là Michelangelo, người ghét anh với tất cả niềm đam mê.

Leonardo ở mặt khác còn vướng vào một vấn đề nguy hiểm hơn nhiều, hiển hiện trước mắt. Rome, trụ sở của chế độ Giáo hoàng, là một thành phố nơi bị linh mục không chế và tư tưởng tự do của anh đã sớm khiến cho anh gặp rắc rối vô tận với những người bảo trợ và Giáo hoàng. Trong con người của Leonardo, nghệ thuật và khoa học gặp gỡ và kết hợp với nhau để tạo ra tác phẩm của thiên tài vĩ đại. Leonardo là một người quan sát bắt buộc các hiện tượng tự nhiên. Sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học này dường như là lãng mạn khi đứng trước nỗi ám ảnh hiện đại của chúng ta về sự phân công lao động. Nhưng trong thế giới thời Phục hưng thì điều đó khá bình thường. Nghệ thuật và khoa học thường xuyên song hành cùng nhau. Chúng đã thống nhất trong công nghệ và một số loại kỹ thuật. Leonardo là ví dụ hoàn hảo cho sự thống nhất này.

“Thiên nhiên sẽ là tình nhân của tôi”, ông được cho là đã thốt lên như vậy. Và đây là những gì thuộc về bản chất trong nghệ thuật của ông - nó bắt nguồn từ sự quan sát sắc bén và thực nghiệm không ngừng nghỉ. Nó hoàn toàn tự do khỏi bàn tay chết cứng của thói quen và sự phụng thờ truyền thống. Trong các tư liệu của Leonardo, chúng ta thấy kết quả của việc quan sát kỹ lưỡng về giải phẫu người. Các tác phẩm của ông được thấm nhuần tinh thần của chủ nghĩa duy vật triết học. Đối với ông, cuốn sách quan trọng nhất không phải là Kinh thánh hay Aristotle. Mà đó là cuốn sách tuyệt vời và đẹp đẽ của thiên nhiên, một cuốn sách mở ra cho tất cả những ai dám mở mắt nhìn thấy. Ông đã viết:

”Sự tinh tế của con người sẽ chẳng bao giờ nghĩ ra được một phát minh nào đẹp hơn, đơn giản hơn hay trực tiếp hơn tự nhiên bởi vì trong các phát minh của cô ấy không có gì là thiếu, cũng không có gì là thừa cả.”

Và một lần nữa:

”Những người đàn ông là những nhà sáng tạo và kẻ phiên dịch giữa Thiên nhiên và Con người, khi đem so với lũ khoe mẽ và những kẻ hay bình phẩm các tác phẩm của người khác, phải được coi như và không còn cách nào khác như đối tượng ở mặt trước một tấm gương, khi so sánh với hình ảnh của chính nó được nhìn thấy trong gương. Đối với người đầu tiên là một cái gì đó trong chính nó, và cái kia chỉ là hư vô. Mọi người ít mắc nợ Thiên nhiên, vì chỉ là tình cờ họ mặc hình dạng con người và không có nó, tôi khó có thể phân loại họ với những đàn thú dữ.”

Câu chuyện kể rằng anh ta đã vào một hang động sâu (được gọi là Miệng của quỷ) và phát hiện ra hóa thạch biển, mà anh ta nhận ra, phải hình thành trong một thời gian dài. Điều đó khiến anh đặt câu hỏi về phiên bản Kinh thánh về sự sáng tạo. Ông chắc chắn giữ quan điểm rất tiên tiến và lật đổ về tôn giáo nói chung và đứng gần với quan điểm duy vật. Ông tham gia mổ xẻ xác chết. Ông đã làm điều này một phần cho mục đích nghiên cứu giải phẫu con người vì lợi ích khoa học thuần túy, nhưng cũng để hoàn thiện kỹ thuật nghệ thuật của mình.

Ông trút sự khinh bỉ lên những người dùng đến quyền lực của Aristotle và các nhà triết học cũ hơn là dựa vào quan sát và thử nghiệm:

Nhiều người sẽ nghĩ rằng họ có thể đổ lỗi cho tôi một cách hợp lý bằng cách cáo buộc rằng bằng chứng của tôi trái ngược với thẩm quyền của một số người đàn ông được giữ trong sự tôn kính cao nhất bởi những đánh giá thiếu kinh nghiệm của họ; không xem xét rằng các tác phẩm của tôi là vấn đề của kinh nghiệm thuần túy và đơn giản, ai là tình nhân thực sự. Những quy tắc này đủ để cho phép bạn biết đúng từ sai - và điều này giúp đàn ông chỉ tìm kiếm những thứ có thể và với sự điều độ - và không bao bọc bản thân trong sự thiếu hiểu biết, một điều không thể có kết quả tốt, bởi vậy trong tuyệt vọng, bạn sẽ khiến bản thân trở nên u sầu.

Tất cả điều này gây ra sự rạn nứt ngày càng tăng với Vatican, họ đã cố gắng ép anh phục tùng. Nhưng khao khát kiến ​​thức khoa học không thể dập tắt của Leonardo đã không bị làm tiêu tan bởi bất cứ thứ gì tầm thường như tôn giáo. Anh ta tiếp tục đi trên một con đường nguy hiểm - con đường đưa Giordano đến giàn hỏa thiêu của Toà án dị giáo và buộc Galileo phải im lặng. Cuối cùng anh ta bị buộc phải lưu vong ở Pháp.

Nhiệm vụ của người họa sĩ không chỉ đơn thuần là phản ánh hiện thực theo một cách không suy xét mà còn là truyền đạt một ý nghĩa và cảm giác đặc biệt cho những gì đang được miêu tả: “Người họa sĩ mà vẽ chỉ bằng thói quen và bằng mắt, thì tuyệt chẳng có lý trí”, Leonardo viết, “giống như một tấm gương sao chép mọi thứ được đặt trước nó mà không ý thức được sự tồn tại của chúng.”