GÓP PHẦN PHÊ PHÁN KHOA KINH TẾ - CHÍNH TRỊ (1859) - Chương II - P2c.

Với chức năng của nó là phương tiện lưu thông, vàng nhận được một Fasson riêng của nó [ở đây ghi đúng theo bản tiếng Đức; tập 13 Toàn tập ghi là Facon, tức dùng từ façon trong bản tiếng Pháp, ghi chú nghĩa là hình thức; bản tiếng Anh dùng từ shape — B. T.], nó trở thành tiền đúc. Để cho sự lưu thông của nó không gián đoạn vì những khó khăn về kỹ thuật, nó được đúc thành tiền dựa theo bản vị tiền kế toán. Những mẩu vàng mà nét khác và hình dạng chỉ rõ chúng chứa đựng những trọng lượng vàng thể hiện trong những tên gọi của tiền kế toán như pao [pound — B. T.] xtéc-linh [sterling — B. T.], si-linh [shilling — B. T.], v. v. — đó là tiền đúc. Việc định giá cả tiền đúc, cũng như kỹ thuật đúc tiền là do nhà nước đảm nhiệm. Tiền với tính cách là tiền đúc, cũng như với tính cách là tiền kế toán có tính chất địa phương và tính chất chính trị; chúng nói bằng những ngôn ngữ khác nhau và mang những trang phục dân tộc khác nhau. Vì vậy, lĩnh vực trong đó tiền được lưu thông với tư cách là tiền đúc, là một lĩnh vực lưu thông hàng hóa nội địa bị hạn chế trong những biên giới của một quốc gia, nó tách biệt với lưu thông chung của thế giới hàng hoá.


[Source]

Tuy nhiên, sự khác nhau giữa vàng thoi và vàng đúc thành tiền không lớn hơn sự khác nhau giữa cái tên tiền đúc và cái tên trọng lượng của nó. Cái mà trong trường hợp thứ hai biểu hiện thành sự khác nhau về tên gọi, thì trong trường hợp thứ nhất chỉ biểu hiện thành sự khác nhau về hình thức bên ngoài. Đồng tiền vàng có thể được ném vào lò đúc và do đó lại chuyển hoá trở lại thành vàng sans phrase [ngay lập tức], cũng như, ngược lại, chỉ cần gửi thoi vàng đến Sở đúc tiền là có thể khiến vàng mang ngay hình thái tiền đúc. Việc chuyển hoá và chuyển hoá trở lại từ một hình thái này sang một hình thái khác chỉ là những hoạt động thuần túy kỹ thuật.

Cứ 100 pao hoặc 1200 ôn-xơ [ounce — B. T.] vàng 22 ca-ra [carat — B. T.], thì Sở đúc tiền Anh sẽ đưa lại cho người ta 4672 1/2 pao xtéc-linh hoặc đồng xu-vơ-ranh [sovereign — B. T.] vàng; nếu đặt những đồng xu-vơ-ranh đó lên một đĩa cân và ở đĩa cân bên kia đặt 100 pao vàng thoi, thì hai bên nặng ngang nhau; như vậy chứng tỏ rằng đồng xu-vơ-ranh chẳng qua chỉ là một trọng lượng vàng nhất định được chỉ bằng cái tên gọi đó trong giá cả tiền tệ Anh, dưới cái bộ mặt riêng của nó và cái dấu riêng của nó. 4672 1/2 đồng xu-vơ-ranh vàng đó được tung vào lưu thông từ nhiều điểm khác nhau và một khi đã bị cuốn vào vòng lưu thông, thì mỗi ngày chúng thực hiện một số vòng quay nhất định, có đồng quay nhiều vòng hơn, có đồng quay ít vòng hơn. Nếu số vòng quay trung bình hàng ngày của mỗi ôn-xơ là 10 thì 1200 ôn-xơ vàng sẽ thực hiện một tổng số giá cả hàng hoá là 12000 ôn-xơ hoặc 46725 xu-vơ-ranh. Một ôn-xơ vàng dù có quay lên lộn xuống thế nào đi nữa thì nó cũng không bao giờ nặng bằng 10 ôn-xơ vàng được. Nhưng ở đây, trong quá trình lưu thông, thì thực tế 1 ôn-xơ lại nặng bằng 10 ôn-xơ. Trong quá trình lưu thông, tiền đúc ngang với số lượng vàng mà nó chứa đựng nhân với số vòng mà nó đã quay. Như vậy là ngoài sự tồn tại thực tế của nó dưới hình thức một mẩu vàng có một trọng lượng nhất định, tiền đúc còn có một sự tồn tại trên ý niệm do chức năng của nó đẻ ra. Song, đồng xu-vơ-ranh dù quay một vòng hoặc mười vòng thì trong mỗi lần mua hoặc bán riêng biệt nó cũng chỉ phát huy tác dụng như một đồng xu-vơ-ranh thôi. Tình hình đó cũng giống như trong hôm tác chiến, do chỗ kịp thời xuất hiện tại mười địa điểm khác nhau, một viên tướng thay cho mười viên tướng, nhưng ở mỗi nơi thì cũng vẫn một viên tướng ấy mà thôi. Trong lưu thông tiền tệ các phương tiện lưu thông trở thành tiền trên ý niệm do chỗ tốc độ thay thế cho số lượng tiền tệ, việc đó chỉ liên quan đến sự tồn tại về mặt chức năng của tiền đúc trong quá trình lưu thông, chứ không dính dáng gì đến sự tồn tại của từng đồng tiền cá biệt.

Nhưng, lưu thông tiền tệ là một sự vận động bên ngoài, còn đồng xu-vơ-ranh, tuy bản thân nó non olet [không tỏa mùi], lại lui tới trong một xã hội khá phức tạp. Do cọ xát vào đủ mọi thứ tay, túi xách, túi áo, ví bao, hòm, rương, tiền đúc bị mòn dần đi, bỏ lại nơi này một nguyên tử vàng, nơi kia một nguyên tử vàng khác, và bị mài nhẵn trong quá trình luân lưu khắp nơi nên nó ngày càng mất nội dung của nó. Trong khi sử dụng, người ta làm nó mòn dần đi. Chúng ta hãy quan sát đồng xu-vơ-ranh vào lúc mà tính chất thuần khiết tự nhiên của nó chưa bị suy suyển mấy.

"Một chủ lò bánh mì hôm nay vừa nhận được ở ngân hàng một đồng xu-vơ-ranh mới toanh, ngày mai anh ta mang nó đến trả cho người xay bột, đồng xu-vơ-ranh đó không còn thật sự (veretable) như cũ nữa; đồng xu-vơ-ranh của anh ta nhẹ hơn so với khi anh ta mới nhận ở ngân hàng"1).

"Rõ ràng là tiền đúc, do chính ngay bản chất của sự vật, ắt sẽ mất giá hết đồng này đến đồng khác, dầu chỉ do sự hao mòn thường ngày và không sao tránh khỏi. Đứng về mặt vật chất mà nói, thì trong một lúc nào đó, dù chỉ là trong một ngày cũng không thể loại trừ những đồng tiền đã bị nhẹ đi ra khỏi lưu thông được"2).

Jacob cho rằng năm 1809, ở châu Âu có 380 triệu pao xtéc-linh, đến năm 1829, nghĩa là 20 năm sau, do bị hao mòn nên 19 triệu pao xtéc-linh đã hoàn toàn biến mất3). Như vậy, nếu hàng hoá, sau bước đầu tiên đi vào lưu thông, lại ra khỏi lưu thông ngay, thì tiền đúc sau khi đi vào lưu thông được vài bước, lại đại biểu cho một hàm lượng kim khí lớn hơn so với hàm lượng kim khí mà nó thực tế chứa đựng. Khi tốc độ lưu thông không thay đổi, nếu tiền đúc càng lưu thông được lâu, hoặc là cũng trong một thời gian như thế, nhưng tiền đúc lưu thông càng nhanh, thì sự tồn tại của nó với tư cách là tiền đúc lại càng tách rời khỏi phương thức tồn tại của nó về mặt là vàng hay bạc. Cái còn lại là magni nominis um-bra [bóng của một cái danh lớn (chú thích của Karl Marx) B. T.]. Thể xác của đồng tiền chỉ còn là một cái bóng. Nếu lúc đầu quá trình lưu thông làm cho đồng tiền nặng thêm, thì nay quá trình đó lại làm cho đồng tiền nhẹ đi, nhưng trong mỗi việc mua hay bán riêng lẻ, đồng tiền vẫn tiếp tục có giá trị theo số lượng vàng ban đầu. Tuy đã trở thành một đồng xu-vơ-ranh ma một đồng vàng ma, đồng xu-vơ-ranh vẫn tiếp tục làm chức năng tiền vàng hợp pháp. Trong lúc sự cọ xát với thế giới bên ngoài làm cho những chất khác mất tính chất lý tưởng của chúng đi, thì tiền đúc do hậu quả của thực tiễn lại được lý tưởng hoá; thể xác vàng hay bạc của tiền trở thành thuần tuý bề ngoài. Lần thứ hai này, việc tiền kim khí lại biến thành tiền trên ý niệm, do bản thân quá trình lưu thông gây ra, tức là việc hàm lượng danh nghĩa tách rời hàm lượng vật chất của tiền kim khí, một phần bị các chính phủ lợi dụng, và một phần bị các tư nhân quỷ quyệt lợi dụng làm tiền đúc giả mạo bằng đủ mọi cách. Toàn bộ lịch sử của tiền đúc, từ đầu thời trung cổ cho đến cuối thế kỷ XVIII, chung quy là lịch sử của những sự giả mạo tiền đúc có tính chất hai mặt và đối kháng đó, và tuyển tập tập hợp nhiều tác phẩm của các nhà kinh tế học Ý, do Custodi xuất bản, phần lớn xoay quanh vấn đề này.

Song, sự tồn tại giả tưởng của vàng trong phạm vi chức năng của nó lại xung đột với sự tồn tại thực tế của nó. Trong lưu thông, đồng tiền vàng này mất đi ít hàm lượng kim khí của nó hơn đồng tiền vàng kia, và vì vậy, đồng xu-vơ-ranh này, trên thực tế giờ đây lại có giá trị hơn đồng xu-vơ-ranh kia. Nhưng vì trong sự tồn tại chức năng của chúng, với tư cách là tiền đúc, chúng cùng có một giá trị như nhau và đồng xu-vơ-ranh thực tế có 1/4 ôn-xơ có giá trị không lớn hơn đồng xu-vơ-ranh chỉ có cái bề ngoài là 1/4 ôn-xơ, - cho nên những đồng tiền đúng cân lạng, nằm trong tay những kẻ sở hữu thiếu lương tâm, đã phải trải qua những thủ thuật mổ xẻ, và người ta bắt chúng phải chịu một cách nhân tạo cái số phận mà tác động tự nhiên của bản thân lưu thông đã bắt các đồng tiền khác có một trọng lượng kém hơn phải chịu. Người ta đẽo bớt và làm những đồng tiền vàng giả mạo, còn cái chỗ mỡ vàng thừa ra thì được đưa vào lò nấu chảy lại. Nếu đem đặt trên một đĩa cân, 46721/2 xu-vơ-ranh vàng chỉ cân nặng trung bình 800 ôn-xơ chứ không phải là 1200 ôn-xơ nữa, nên ở trên thị trường vàng, chúng chỉ còn mua được 800 ôn-xơ vàng thôi; nói cách khác, giá thị trường của vàng cao hơn giá tiền tệ của nó. Bất cứ đồng tiền nào, dù trọng lượng của nó còn nguyên vẹn chăng nữa, thì dưới hình thái tiền đúc của nó, cũng sẽ trị giá kém hơn so với dưới hình thái vàng thoi. Đối với những đồng xu-vơ-ranh mà trọng lượng còn nguyên vẹn thì người ta sẽ chuyển chúng trở lại dưới hình thái vàng thoi, vì dưới hình thái này, nhiều vàng thì giá trị nhiều hơn là ít vàng. Khi mà hàm lượng kim khí bị giảm xuống và tình rạng đó đã lan rộng đến một số đồng xu-vơ-ranh đủ để gây thành cái hiện tượng là giá thị trường của vàng, trong một thời gian lâu, cao hơn giá tiền tệ của nó, thì những tên dùng để tính toán của tiền đúc tuy vẫn là những tên gọi cũ, nhưng giờ đây chúng sẽ chỉ một số lượng vàng ít hơn. Nói cách khác, bản vị tiền tệ sẽ thay đổi và tiền vàng vẫn sẽ được đúc theo cái bản vị mới đó. Do chỗ vàng trở thành phương tiện lưu thông trên ý niệm, nên ngược lại vàng đã làm thay đổi những tỷ lệ do pháp luật quy định, tỷ lệ mà theo đó vàng đã được dùng làm bản vị của giá cả. Sau một thời gian nhất định, một cuộc cách mạng như thế sẽ lại tái diễn cho nên vàng, trong chức năng của nó là bản vị của giá cả cũng như trong chức năng của nó là phương tiện lưu thông, đều sẽ ở trong trạng thái biến động thường xuyên, hơn nữa, sự biến động ở một hình thái này sẽ dẫn đến sự biến động ở một hình thái khác và ngược lại. Điều đó giải thích cái hiện tượng đã nói trên, tức là trong lịch sử của tất cả các dân tộc hiện đại, người ta vẫn giữ cái tên tiền tệ cũ đối với một hàm lượng kim khí ngày càng giảm bớt. Mâu thuẫn giữa vàng với tư cách là tiền đúc và vàng với tư cách là bản vị của giá cả, cũng trở thành mâu thuẫn giữa vàng với tư cách là tiền đúc và vàng với tư cách là vật ngang giá chung, với tư cách là vật ngang giá chung này, vàng không những lưu thông trong nước mà còn lưu thông cả trên thị trường thế giới nữa. Với tư cách là thước đo giá trị, vàng bao giờ cũng giữ nguyên trọng lượng của nó vì nó chỉ được dùng với tư cách là vàng trên ý niệm. Trong hành vi riêng lẻ H – T, vàng với tư cách là vật ngang giá liền ra khỏi trạng thái động của nó để quay về trạng thái tĩnh; nhưng trong tiền đúc thì thực thể tự nhiên của nó luôn luôn xung đột với chức năng của nó. Hoàn toàn không thể tránh được sự chuyển hoá của đồng xu-vơ-ranh vàng thành vàng ma, nhưng pháp luật lại tìm cách ngăn cản không cho đồng xu-vơ-ranh đó giữ mãi cái chức năng của nó là tiền đúc, bằng cách rút nó khỏi lưu thông khi thực thể của nó đã giảm xuống một mức độ nào đó. Ví dụ, theo luật pháp Anh, một đồng xu-vơ-ranh mà trọng lượng đã mất đến quá 0,747 hạt vàng, thì không còn là đồng xu-vơ-ranh hợp pháp nữa. Ngân hàng Anh, riêng chỉ trong khoảng từ 1844 đến 1848, đã cân 48 triệu đồng xu-vơ-ranh vàng; trong khi cân vàng ngân hàng đó đã dùng một cái máy của ông Cotton, thứ máy này không những có thể phát hiện được sự chênh lệch tới 1/100 hạt vàng giữa hai đồng xu-vơ-ranh, mà còn — hệt như một đồng vật có tri giác — vứt ngay đồng xu-vơ-ranh không đủ trọng lượng xuống một tấm ván để rồi được chuyển sang một cái máy khác có nhiệm vụ cắt vụn đồng xu-vơ-ranh đó một cách tàn nhẫn theo kiểu phương Đông.

Trong điều kiện đó, tiền vàng nói chung sẽ không thể lưu thông được, nếu sự lưu thông của nó không bị hạn chế trong những phạm vi nhất định mà trong đó nó bị hao mòn chậm hơn. Vì một đồng tiền vàng được coi là có giá trị bằng 1/4 ôn-xơ vàng lưu thông, trong lúc đó nó chỉ nặng bằng 1/5 ôn-xơ thôi, nên trên thực tế nó trở thành một ký hiệu đơn thuần hoặc một sự tượng trưng đơn thuần của 1/20 ôn-xơ vàng; như vậy là do bản thân quá trình lưu thông, bất cứ đồng tiền vàng nào cũng biến thành một ký hiệu đơn thuần hoặc một sự tượng trưng đơn thuần của thực thể của nó. Nhưng không một vật nào có thể là vật tượng trưng của bản thân nó được. Quả nho vẽ không phải là tượng trưng của quả nho thật, mà là hình ảnh của quả nho. Và một đồng xu-vơ-ranh đã nhẹ đi rồi thì lại càng không thể tượng trưng cho một đồng xu-vơ-ranh với trọng lượng bình thường, cũng như một con ngựa gầy không thể tượng trưng cho một con ngựa béo được. Như vậy, vì vàng trở thành tượng trưng cho bản thân nó, nhưng nó lại không thể dùng làm tượng trưng cho bản thân nó, nên trong những phạm vi lưu thông trong đó nó hao mòn nhanh nhất, nghĩa là trong những phạm vi lưu thông trong đó việc mua và bán luôn luôn diễn đi diễn lại trên quy mô hết sức nhỏ, nó có một phương thức tồn tại tượng trưng dưới hình thái bạc hay đồng, khác với phương thức tồn tại của nó dưới hình thái vàng. Trong những phạm vi này, luôn luôn có một bộ phận nhất định trong toàn bộ khối lượng tiền vàng lưu thông với tư cách là tiền đúc, mặc dầu đó không phải bao giờ cũng là cùng những đồng tiền vàng ấy. Bộ phận vàng này được thay thế bằng những ký hiệu bằng bạc hoặc đồng. Như vậy là trong một nước, trong khi chỉ một hàng hoá đặc biệt có thể làm chức năng thước đo giá trị và do đó, làm chức năng tiền tệ, thì bên cạnh tiền tệ còn có nhiều hàng hoá khác có thể dùng làm tiền đúc. Những phương tiện lưu thông bổ trợ đó, như những ký hiệu bằng bạc hoặc bằng đồng chẳng hạn, đại biểu cho những bộ phận nhất định của tiền đúc bằng vàng ở trong lưu thông. Bởi vậy, hàm lượng bạc và hàm lượng đồng của bản thân những ký hiệu đó không phải do tỷ lệ giá trị giữa bạc với vàng và giữa đồng với vàng quyết định, mà là do pháp luật quy định một cách tuỳ tiện. Chúng chỉ có thể được phát hành với số lượng trong đó những bộ phận nhỏ của đồng tiền vàng mà chúng đại biểu sẽ lưu thông một cách liên tục để bảo đảm hoặc cho việc đổi chác những đồng tiền vàng lớn hơn, hoặc cho việc thực hiện giá cả của những hàng hoá ít tiền tương đương. Trong phạm vi lưu thông hàng hoá bán lẻ, những ký hiệu bạc hoặc đồng lại thuộc những phạm vi đặc biệt. Do bản chất của sự vật, tốc độ lưu thông của chúng tỷ lệ nghịch với giá cả mà chúng thực hiện được trong mỗi lần mua và mỗi lần bán riêng biệt, hay là tỷ lệ nghịch với lượng của bộ phận tiền đúc bằng vàng mà chúng đại biểu. Nếu xét phạm vi to lớn của ngành buôn bán lẻ hàng ngày trong một nước như nước Anh, thì sẽ thấy rằng tổng số lượng tiền tệ bổ trợ chiếm trong lưu thông tương đối không nhiều lắm, điều đó chứng tỏ trình độ lưu thông của tiền tệ bổ trợ là nhanh chóng và liên tục biết nhường nào. Thí dụ, trong một bản báo cáo của Nghị viện vừa mới công bố gần đây, chúng ta thấy rằng năm 1857, Sở đúc tiền Anh đã đúc được 4859000 p.xt. vàng, còn về bạc thì đã đúc được một số lượng mà giá trị danh nghĩa là 733000 p.xt., còn giá trị kim khí là 363000 pao xtéc-linh. Tổng số vàng đúc ra thành tiền trong mười năm, tính đến 31 tháng Chạp 1857, là 55239000 p.xt., và tổng số bạc đúc ra tiền chỉ có 2434000 pao xtéc-linh thôi. Tiền đồng năm 1857 chỉ chiếm một giá trị danh nghĩa là 6720 p.xt., còn giá trị về đồng là 3492 p.xt., trong đó có 3 136 p.xt. bằng đồng pen-ni [penny — B. T.], 2 464 p.xt. bằng đồng nửa pen-ni và 1120 bằng đồng phác-tinh. Tổng giá trị tiền đồng đúc ra trong mười năm gần đây là 141477 p.xt. theo giá trị danh nghĩa, còn giá trị kim khí là 73503 p.xt.. Nếu người ta ngăn cản không cho tiền vàng được giữ mãi cái chức năng tiền đúc của nó, bằng cách dùng pháp luật để quy định rằng lượng vàng hao hụt đến một mức nào đó thì đồng vàng sẽ mất tư cách tiền tệ của nó, thì trái lại, người ta lại ngăn cản không cho những ký hiệu bạc hay đồng chuyển từ lĩnh vực lưu thông của chúng sang lĩnh vực lưu thông của tiền vàng để rồi cố định ở đấy với tư cách là tiền tệ, bằng cách quy định mức giá cả mà chúng thực hiện theo pháp luật. Thí dụ ở Anh, người ta chỉ nhận thanh toán bằng tiền đồng với mức tối đa là 6 pen-ni và bạc với mức tối đa là 40 si-linh. Nếu những ký hiệu bạc và đồng đã được phát hành với một số lượng lớn hơn số lượng cần thiết cho nhu cầu trong lĩnh vực lưu thông của chúng, thì giá cả hàng hoá sẽ không vì thế mà tăng lên, nhưng những ký hiệu đó sẽ được tích lũy lại trong tay những người bán lẻ, và cuối cùng những người này sẽ buộc phải bán chúng đi, như kim loại. Chẳng hạn như năm 1798, tiền đồng ở Anh, do những tư nhân chỉ ra, bị tích lũy với 20350 p.xt. ở trong tay những chủ tiệm buôn nhỏ, những người này tìm cách đưa những đồng tiền đồng đó lại trở về lưu thông nhưng không được, nên cuối cùng họ đành phải đưa ra bán trên thị trường đồng như hàng hoá4).

Những ký hiệu bạc và đồng, đại biểu cho tiền vàng trong những lĩnh vực nhất định của lưu thông trong nước có một hàm lượng bạc và đồng do pháp luật quy định, nhưng một khi đã đi vào lưu thông, chúng cũng bị hao mòn như tiền vàng, và vì chúng lưu thông nhanh và liên tục, nên chúng trở thành những vật thể trên ý niệm, những vật thể mà còn nhanh hơn vàng nữa. Nhưng nếu ở đây người ta bắt đầu quy định một giới hạn về giảm hàm lượng kim khí mà quá giới hạn đó những ký hiệu bạc và đồng sẽ mất tính chất tiền tệ của chúng, thì trong một bộ phận nhất định của lĩnh vực lưu thông riêng của chúng, tất nhiên chúng lại phải được thay thế bằng một thứ tiền tượng trưng khác như sắt hay chì chẳng hạn, và việc một thứ tiền tượng trưng này được một thứ tiền tượng trưng khác đại diện sẽ là một quá trình vô tận. Bởi vậy, ở tất cả các nước có nền lưu thông phát triển, bản thân sự tất yếu của nền lưu thông tiền tệ bắt buộc phải làm cho tư cách tiền đúc của những ký hiệu bạc và đồng hoàn toàn không lệ thuộc vào mức độ hao mòn kim loại của chúng. Như vậy bộc lộ một điều chứa sẵn trong bản chất của sự vật, cụ thể là chúng tượng trưng cho tiền vàng không phải vì chúng được chế tạo bằng bạc hay đồng, cũng không phải vì chúng có một giá trị, mà vì chúng không có một giá trị nào cả.

Do đó, những vật tương đối không có giá trị, như giấy chẳng hạn, có thể làm chức năng tượng trưng của tiền vàng. Sở dĩ tiền bổ trợ thường là những ký hiệu bằng kim khí, bạc, đồng v. v., điều đó phần lớn là vì ở đa số nước, những kim loại ít giá trị đã được lưu thông với tư cách là tiền tệ, chẳng hạn như bạc ở Anh, đồng ở nước Cộng hoà La Mã cổ đại, ở Thụy Điển, ở Scotland, v. v., mãi cho đến khi quá trình lưu thông hạ chúng xuống thành tiền lẻ và thay thế chúng bằng một kim loại quý hơn. Vả lại do chính ngay bản chất sự vật, tượng trưng tiền tệ — trực tiếp do nền lưu thông bằng tiền kim khí đẻ ra — lúc đầu cũng là một thứ kim khí. Cũng như cái bộ phận vàng đáng lẽ phải thường xuyên lưu thông với tư cách là tiền lẻ, bây giờ lại được thay thế bằng những ký hiệu bằng kim khí, — thì cái bộ phận vàng xưa nay vẫn bị lĩnh vực lưu thông trong nước thu hút làm tiền đúc, và do đó nó phải lưu thông không ngừng, cũng vậy, bây giờ bộ phận này cũng có thể được thay thế bằng những ký hiệu không có giá trị. Ở mỗi nước, khối lượng tiền tệ lưu thông không bao giờ sụt xuống thấp hơn một mức nhất định, mức đó được xác định qua kinh nghiệm. Cho nên sự khác nhau giữa hàm lượng kim loại trên danh nghĩa của đồng tiền kim khí và hàm lượng kim loại thực tế của đồng tiền kim khí, lúc đầu vốn không thấy rõ, nhưng dần dần có thể đi đến chỗ tách hẳn chúng ra. Cái tên tiền tệ của đồng tiền tách khỏi thực thể của nó để tồn tại ở ngoài thực thể ấy, trên những tờ giấy bạc không có giá trị. Cũng như giá trị trao đổi của hàng hoá, do quá trình trao đổi của chúng mà kết tinh lại thành tiền vàng, thì tiền vàng cũng vậy, trong lưu thông nó cũng biến dần thành cái tượng trưng của bản thân nó, lúc đầu dưới hình thái đồng tiền đúc bằng vàng đã bị mòn, rồi sau dưới hình thái những đồng tiền kim khí bổ trợ, và cuối cùng, dưới hình thái những ký hiệu không có giá trị, tức là tiền giấy, đơn thuần là một thứ ký hiệu giá trị.

Nhưng tiền vàng sản sinh ra các đại biểu của nó, trước hết là tiền kim khí rồi đến tiền giấy, chỉ vì tiền vàng vẫn tiếp tục làm chức năng tiền đúc, mặc dù đã mất đi một phần kim khí. Tiền vàng lưu thông không phải vì nó đã mòn đi, mà nó đã mòn đi cho đến khi biến thành vật tượng trưng, vì nó đã lưu thông rất lâu. Trong quá trình lưu thông, chỉ vì bản thân tiền vàng trở thành ký hiệu đơn thuần của chính giá trị của nó, nên chúng mới có thể được thay bằng những ký hiệu giá trị đơn thuần.

Vì sự vận động H – T – H là thể thống nhất đang diễn biến dưới hình thái một quá trình, của giai đoạn H – T và T – H là những giai đoạn trực tiếp chuyển hoá cái nọ thành cái kia, hoặc vì hàng hóa trải qua quá trình chuyển hoá hình thái toàn bộ của nó, hàng hoá phát triển giá trị trao đổi của nó thành giá cả và tiền, để rồi lại vứt bỏ ngay cái hình thái đó, và chuyển hoá trở lại thành hàng hoá, hay nói cho đúng hơn, thành giá trị sử dụng. Thành thử hàng hoá chỉ đạt tới sự độc lập bề ngoài của giá trị trao đổi của nó mà thôi. Mặt khác, chúng ta đã thấy rằng vàng, trong chừng mực nó chỉ làm chức năng tiền đúc, hay thường xuyên nằm trong lưu thông, thì trên thực tế, nó chỉ là một khâu nối tiếp những sự chuyển hoá hình thái của các hàng hoá, và chỉ là hình thái tiền tệ ngắn ngủi của hàng hoá; vàng chỉ thực hiện giá cả của những hàng hoá này để sau đó thực hiện giá cả của những hàng hoá khác, nhưng không ở đâu vàng lại xuất hiện ra là hình thái đứng im của giá trị trao đổi hay thậm chí biểu hiện ra là một hàng hoá đứng im. Tính hiện thực mà giá trị trao đổi của hàng hoá nhận được trong quá trình đó và tính hiện thực mà vàng đại biểu trong quá trình lưu thông của vàng, chỉ là tính hiện thực của một tia lửa điện. Tuy đó đích thật là vàng, nhưng ở đây nó chỉ làm chức năng vàng giả tưởng, cho nên người ta có thể lấy những ký hiệu của vàng để thay thế cho vàng trong chức năng đó.

Ký hiệu giá trị — như tiền giấy, chẳng hạn — làm chức năng tiền đúc, là ký hiệu của số lượng vàng được biểu hiện bằng cái tên tiền tệ của nó, do đó là ký hiệu của vàng. Một lượng vàng nhất định tự nó không biểu hiện một tỷ lệ giá trị, cũng như ký hiệu thay thế vàng không biểu hiện một tỷ lệ giá trị. Vì một lượng vàng nhất định, với tư cách là thời gian lao động vật hóa, có một lượng giá trị nhất định, nên ký hiệu của vàng cũng đại biểu cho giá trị. Nhưng lượng giá trị mà ký hiệu đó đại biểu, trong tất cả mọi trường hợp, đều là do giá trị của số lượng vàng mà nó đại biểu quyết định. Đối với hàng hoá, thì ký hiệu giá trị đại biểu cho tính hiện thực của giá cả của chúng, nó là signum pretii [ký hiệu giá cả] và là ký hiệu giá trị của hàng hoá chỉ vì giá trị đó của chúng biểu hiện trong giá cả của chúng. Trong quá trình H – T – H, vì quá trình đó chỉ biểu hiện ra một thể thống nhất đang ở trong quá trình diễn biến hay sự chuyển biến trực tiếp từ sự chuyển hoá hình thái nọ sang sự chuyển hoá hình thái kia — trong lĩnh vực lưu thông trong đó ký hiệu giá trị đang hoạt động, nên quá trình H – T – H biểu hiện ra như vậy đó, — thì giá trị trao đổi của hàng hoá chỉ có được trong giá cả một sự tồn tại trên ý niệm thôi, còn trong tiền tệ thì nó chỉ có được một sự tồn tại có tính chất đại biểu, tượng trưng thôi. Như vậy, giá trị trao đổi chỉ biểu hiện ra là một giá trị tưởng tượng, hay là một giá trị được biểu hiện ra dưới hình thái một vật, nhưng nó không có một tính hiện thực nào cả, nếu có chăng là trong bản thân hàng hoá vì một lượng thời gian lao động nhất định đã được vật hóa trong hàng hoá đó. Bởi vậy, hình như ký hiệu giá trị trực tiếp đại biểu cho giá trị hàng hoá bằng cách biểu hiện ra không phải với tư cách là ký hiệu của vàng mà với tư cách là ký hiệu của giá trị trao đổi, giá trị này chỉ biểu hiện trong giá cả, nhưng chỉ tồn tại trong bản thân hàng hoá thôi. Nhưng cái biểu hiện bề ngoài đó là giả dối. Ký hiệu giá trị chỉ trực tiếp là ký hiệu của giá cả, do đó là ký hiệu của vàng; và chỉ qua một con đường vòng nó mới trở thành ký hiệu của giá trị của hàng hoá. Vàng không bán cái hình bóng của nó như Peter Schlemihl[1]; trái lại, vàng mua bằng cái hình bóng của nó. Như vậy, ký hiệu giá trị chỉ phát sinh tác dụng trong chừng mực mà trong quá trình lưu thông nó đại biểu cho giá cả của một hàng hoá đối với một hàng hoá khác hoặc chừng nào nó đại biểu cho vàng đối với mỗi người có hàng hoá. Một vật nào đó, tương đối không có giá trị, như một mẩu da, một mảnh giấy, v. v., chẳng hạn, trở thành ký hiệu của vật liệu tiền tệ, thì lúc đầu là do thói quen, như vật đó có thể mãi mãi đóng vai trò đó chỉ khi sự tồn tại có tính chất tượng trưng của nó được ý chí chung của những người có hàng hóa đảm bảo, nghĩa là khi nó có được một sự tồn tại do luật pháp quy định, và do đó, có thị giá cưỡng bức. Tiền giấy của nhà nước với thị giá cưỡng bức là hình thái hoàn thành của ký hiệu giá trị và là hình thái tiền giấy duy nhất trực tiếp nẩy sinh từ lưu thông của tiền kim khí, hay từ sự lưu thông hàng hoá giản đơn. Tiền tín dụng thuộc một lĩnh vực cao hơn của quá trình sản xuất xã hội và do những quy luật hoàn toàn khác chi phối. Về thực chất, tiền giấy tượng trưng không khác chút nào với tiền bổ trợ bằng kim khí; có khác chăng là ở chỗ tiền giấy có phạm vi lưu thông rộng hơn. Nếu sự phát triển thuần tuý về mặt kỹ thuật của bản vị giá cả hoặc của giá cả của tiền đúc, và tiếp đó là sự chuyển biến bên ngoài của vàng thoi thành tiền vàng đã dẫn đến sự can thiệp của nhà nước, và do đó, dẫn tới chỗ tách một cách rõ ràng sự lưu thông trong nước khỏi sự lưu thông hàng hoá chung, thì hiện tượng tách rời đó được hoàn thành nhờ sự phát triển của tiền đúc thành ký hiệu của giá trị. Với tư cách là phương tiện lưu thông đơn thuần, tiền tệ nói chung chỉ có thể có một sự tồn tại độc lập trong phạm vi lưu thông trong nước thôi.

Bản trình bày của chúng tôi đã cho thấy rằng sự tồn tại của vàng dưới dạng tiền đúc làm ký hiệu của giá trị, bị tách rời khỏi bản thân thực thể vàng, — sự tồn tại đó phát sinh từ bản thân quá trình lưu thông chứ không phải do một quy ước nào hoặc do sự can thiệp của nhà nước mà có. Nước Nga cho ta thấy một ví dụ nổi bật về sự phát sinh tự nhiên của ký hiệu giá trị. Trong thời kỳ mà ở Nga, da và da lông thú được dùng làm tiền tệ, thì do mâu thuẫn giữa những vật liệu không để được lâu và không tiện lợi đó với chức năng của chúng là phương tiện lưu thông, nên đẻ ra cái tập quán là người ta thay chúng bằng những miếng da thuộc nhỏ có đóng dấu, do đó những miếng da ấy trở thành những lệnh trả tiền có thể đổi lấy da và da lông thú được. Về sau, — dưới cái tên là đồng cô-pếch [kopek — B. T.] — chúng biến thành những ký hiệu đơn thuần của những phần nhỏ của đồng rúp bạc, và một số địa phương còn dùng những miếng da thuộc nhỏ đó cho mãi đến năm 1700, khi mà Peter Đại đế ra lệnh dùng tiền đồng lẻ do nhà nước phát hành để thay thế chúng5). Nhưng tác giả thời cổ đại chỉ mới nhận thấy những hiện tượng của sự lưu thông bằng tiền kim khí, nhưng cũng đã coi tiền vàng là tượng trưng hoặc ký hiệu giá trị.

Đó là trường hợp Plato6) và Aristotle7). Ở những nước mà tín dụng hoàn toàn không được phát triển, chẳng hạn như ở Trung Quốc, tiền giấy được cưỡng bức lưu hành rất sớm8). Những người về sau này ủng hộ tiền giấy cũng đã chỉ ra một cách rõ ràng trong bản thân quá trình lưu thông nẩy sinh ra sự chuyển biến tiền kim khí thành ký hiệu của giá trị. Đó là trường hợp Benjamin Franklin9) và giám mục Berkeley10).

Muốn được lưu thông thành tiền tệ thì phải dùng bao nhiêu ram giấy cắt nhỏ ra thành những tờ giấy bạc? Đặt câu hỏi như vậy, thật là vô lý. Những ký hiệu không có giá trị trở thành những ký hiệu giá trị chỉ vì chúng đại biểu cho vàng ở trong quá trình lưu thông, và chúng đại biểu cho vàng chỉ vì bản thân vàng đi vào lưu thông dưới dạng là tiền đúc, số lượng đó do giá trị của bản thân nó quyết định, nếu giá trị trao đổi của hàng hoá và tốc độ chuyển hoá hình thái của hàng hoá là những lượng xác định. Những giấy bạc mang tên đồng 5 p.xt. chỉ có thể lưu thông với một số lượng ít hơn năm lần số giấy bạc mang tên là đồng 1 p.xt. và nếu tất cả các khoản thanh toán đều tiến hành bằng giấy bạc một si-linh, thì tất cả lưu hành số giấy bạc một đồng si-linh 20 lần nhiều hơn số giấy bạc một đồng pao xtéc-linh. Nếu tiền vàng được đại biểu bằng các loại giấy bạc có tên gọi khác nhau, như giấy bạc 5 đồng p.xt, giấy bạc 1 đồng p.xt. và giấy bạc 10 đồng si-linh chẳng hạn, thì số lượng các loại ký hiệu giá trị khác nhau đó không những sẽ được quyết định bởi số lượng vàng cần thiết cho toàn bộ lưu thông, mà còn được quyết định bởi số lượng vàng cần thiết cho lĩnh vực lưu thông của mỗi loại giấy bạc riêng biệt nữa. Nếu 14 triệu đồng pao xtéc-linh bằng vàng (con số đó được đạo luật Ngân hàng Anh quy định, nhưng không phải đối với tiền đúc mà là đối với tiền tín dụng) là mức lưu thông thấp nhất trong một nước, thì có thể đưa vào lưu thông 14 triệu giấy bạc, mỗi tờ giấy bạc đó là ký hiệu giá trị của một đồng pao xtéc-linh. Nếu giá trị của vàng tăng hay giảm do thời gian lao động cần thiết cho việc sản xuất vàng tăng hay giảm, trong khi giá trị trao đổi của một khối lượng hàng hoá như thế không thay đổi, thì số lượng giấy bạc một đồng pao xtéc-linh lưu thông sẽ tăng hay giảm tỷ lệ nghịch với sự biến động của giá trị của vàng. Nếu người ta lấy bạc thay cho vàng làm thước đo giá trị và giả dụ rằng tỷ lệ giữa giá trị của bạc và vàng là 1: 15, đồng thời lại giả dụ rằng mỗi tờ giấy bạc giờ đây đại biểu cho cùng một số lượng bạc như là số lượng vàng mà trước đây nó đã đại biểu, thì giờ đây người ta sẽ phải đưa vào lưu thông không phải là 14 triệu giấy bạc một đồng pao xtéc-linh như trước nữa, mà là 210 triệu giấy bạc một đồng pao xtéc-linh. Như vậy, số lượng giấy bạc là do số lượng tiền vàng mà nó đại biểu trong lưu thông quyết định và vì tiền giấy là ký hiệu giá trị chỉ trong chừng mực chúng thay cho tiền vàng, cho nên giá trị của chúng chỉ do số lượng của chúng quyết định. Như vậy, trong khi số lượng vàng trong lưu thông do giá cả hàng hoá quyết định, thì trái lại giá trị của giấy bạc trong lưu thông, chỉ do số lượng của chính nó quyết định mà thôi.

Hình như sự can thiệp của nhà nước, tức là kẻ phát hành tiền giấy được lưu hành cưỡng bức — và ở đây chúng ta chỉ bàn đến thứ tiền giấy đó thôi — thủ tiêu quy luật kinh tế. Nhà nước, trong khi ấn định giá cả tiền tệ, hình như chỉ làm cái việc là đặt cho một trọng lượng vàng nhất định một cái tên gọi là trong khi đúc tiền, chỉ làm cái việc là đóng lên vàng con dấu của mình, thì bây giờ, do sức mạnh thần diệu của con dấu ấy, nhà nước đã biến giấy thành vàng. Vì giấy bạc được lưu hành cưỡng bức, nên không ai có thể ngăn cản nhà nước tuỳ ý muốn đưa vào lưu thông bao nhiêu giấy bạc thì đưa và muốn in lên trên những tờ giấy ấy cái tên tiền tệ nào thì in, như 1 pao xtéc-linh, 5 pao xtéc-linh, 20 pao xtéc-linh. Một khi giấy bạc đã được đưa vào lưu thông thì không thể nào quẳng được chúng ra ngoài lưu thông, vì có những mốc biên giới của quốc gia giữ chúng lại, và vì ở ngoài lưu thông thì giấy bạc mất hết giá trị, cả giá trị sử dụng lẫn giá trị trao đổi. Bị tách khỏi sự tồn tại chức năng của chúng, thì chúng biến thành những mảnh giấy vô giá trị. Song cái quyền lực đó của nhà nước chỉ thuần túy có tính chất bề ngoài. Nhà nước có thể ném vào lưu thông một số lượng bất kỳ giấy bạc nào đó và muốn gọi chúng là tiền gì thì gọi, nhưng sự kiểm soát của nhà nước cũng chấm dứt với động tác máy móc đó. Một khi đã bị lưu thông lôi cuốn đi, thì ký hiệu giá trị, hay tiền giấy, liền bị chi phối bởi những quy luật nội tại của nó.

Nếu tổng số vàng cần thiết cho lưu thông hàng hoá là 14 triệu pao xtéc-linh mà nhà nước ném vào lưu thông 210 triệu giấy bạc, mỗi tờ giấy bạc mang tên gọi là 1 pao xtéc-linh, thì 210 triệu giấy bạc đó sẽ trở thành những đại biểu cho một tổng số vàng là 14 triệu pao xtéc-linh. Như thế chẳng khác nào nhà nước đã biến những tờ giấy bạc 1 pao xtéc-linh thành những đại biểu cho một kim loại khác có giá trị 15 lần ít hơn, hay đại biểu cho số lượng vàng mà trọng lượng 15 lần nhỏ hơn trước. Thế là không có gì thay đổi cả, ngoài cái tên gọi của bản vị giá cả; dĩ nhiên tên gọi này cũng có tính chất quy ước thôi, dù cho tên gọi này bị thay đổi một cách trực tiếp do sự biến đổi của hàm lượng kim loại của đồng tiền, hay gián tiếp do số lượng giấy bạc đã tăng lên theo mức độ phù hợp với một bản vị mới, thấp hơn. Vì cái tên gọi "pao xtéc-linh" giờ đây chỉ một số lượng vàng 15 lần ít hơn, nên giá cả của tất cả các hàng hóa đều sẽ cao lên gấp 15 lần và 210 triệu giấy bạc 1 pao bây giờ thực tế cũng cần thiết như 14 triệu trước kia. Số lượng vàng mà mỗi ký hiệu giá trị cá biệt đại biểu sẽ giảm đi theo cùng tỷ lệ tăng lên của tổng số ký hiệu giá trị. Như vậy giá cả tăng lên chỉ là sự phản ứng của quá trình lưu thông, quá trình lưu thông này buộc các ký hiệu giá trị phải bằng số lượng vàng mà chúng thay thế trong lưu thông.

Trong lịch sử làm giả mạo tiền tệ của các chính phủ Anh và Pháp, đã nhiều lần chúng ta thấy rằng giá cả tăng lên không theo mức độ giảm chất lượng của tiền đúc bằng bạc. Sở dĩ có tình trạng như thế chỉ vì tỷ lệ số lượng tiền đúc đã tăng lên một cách không tương xứng với tỷ lệ số lượng tiền đúc đã bị giả mạo, nghĩa là vì số lượng tiền đúc được phát hành với một hàm lượng kim loại thấp hơn đã không đủ để giá trị trao đổi của các hàng hoá từ nay về sau có thể tính theo kim thuộc ấy với tư cách là thước đo giá trị và có thể thực hiện bằng những tiền đúc phù hợp với đơn vị đo lường thấp hơn đó. Điều ấy đã giải quyết cái khó khăn mà cuộc tranh luận trước đây giữa Locke và Lowndes không giải quyết được. Tỷ lệ mà theo đó ký hiệu giá trị — vô luận là tiền giấy hoặc tiền vàng và tiền bạc giả mạo — thay thế cho trọng lượng vàng và bạc tính theo giá cả tiền tệ, tỷ lệ đó do số lượng ký hiệu giá trị được đưa vào lưu thông quyết định, chứ không phải do vật liệu của bản thân ký hiệu giá trị đó quyết định. Điều khiến người ta khó hiểu tỷ lệ đó là ở chỗ: tiền tệ, với hai chức năng của nó là thước đo giá trị và là phương tiện lưu thông, bị chi phối bởi những quy luật không những trái ngược nhau mà có lẽ còn mâu thuẫn với cái tính chất đối lập của hai chức năng đó. Đối với chức năng của tiền tệ là thước đo giá trị, trong đó tiền tệ chỉ được dùng làm tiền kế toán, còn vàng chỉ là vàng trong ý niệm, thì vật liệu tự nhiên làm ra tiền tệ có một ý nghĩa quyết định. Giá trị trao đổi, nếu được thể hiện ra bằng bạc hoặc dưới hình thái giá bạc, thì dĩ nhiên là hoàn toàn khác với giá trị trao đổi được tính bằng vàng hoặc biểu hiện dưới hình thái giá vàng. Trái lại, với chức năng của tiền tệ là phương tiện lưu thông, trong đó tiền không phải chỉ tồn tại trong tưởng tượng, mà còn phải tồn tại như là một vật có thực bên cạnh các hàng hoá khác, thì vật liệu làm ra tiền tệ trở thành cái không có quan hệ gì cả, mà tất cả đều do số lượng tiền tệ quyết định. Đối với đơn vị đo lường thì cái có ý nghĩa quyết định là: đơn vị đó là một pao vàng, bạc hoặc đồng; trái lại, chỉ có số lượng tiền đúc, không kể vật liệu làm ra đơn vị ấy là gì, mới làm cho chúng thể hiện thích đáng mỗi một đơn vị đo lường đó. Nhưng điều không phù hợp với lý trí thông thường của người ta là đối với tiền chỉ tồn tại trong tưởng tượng, thì tất cả đều do thực thể của vật liệu làm ra tiền tệ quyết định, còn đối với tiền đúc tồn tại một cách cụ thể thì tất cả đều do tỷ lệ số lượng trong ý niệm quyết định.

Như vậy, việc giá cả của hàng hoá cao lên hay hạ xuống tùy thuộc khối lượng giấy bạc tăng lên hay giảm xuống (hiện tượng này xảy ra ở nơi nào giấy bạc là phương tiện lưu thông duy nhất) chẳng qua chỉ là việc quá trình lưu thông vận dụng một cách cưỡng bức cái quy luật đã bị sức mạnh ở ngoài vi phạm một cách máy móc, quy luật theo đó số lượng vàng trong lưu thông do những giá cả hàng hoá quyết định, còn số lượng ký hiệu giá trị nằm trong lưu thông thì do số lượng tiền vàng mà chúng thay thế trong lưu thông quyết định. Vì vậy, mặt khác, bất cứ một khối lượng giấy bạc nào cũng đều được quá trình lưu thông thu hút hết và dường như được tiêu hoá hết, bởi vì ký hiệu giá trị, dù nó đại biểu cho một hàm lượng vàng nào khi gia nhập lưu thông, rút cục vẫn quy thành ký hiệu của số lượng vàng có thể lưu thông thay cho ký hiệu giá trị đó.

Trong sự lưu thông của các ký hiệu giá trị, tất cả các quy luật của nền lưu thông tiền tệ thực tế đều bị đảo ngược và bị xáo lộn. Nếu như vàng lưu thông vì nó có giá trị, thì tiền giấy có giá trị vì nó lưu thông. Một khi đã biết giá trị trao đổi của hàng hoá, nếu như số lượng vàng trong lưu thông do giá trị của bản thân vàng quyết định, thì giá trị của tiền giấy lại do số lượng của tiền giấy trong lưu thông quyết định. Nếu như số lượng vàng trong lưu thông tăng lên hay giảm xuống cùng với sự tăng lên hay giảm xuống của giá cả hàng hoá, thì giá cả của hàng hoá có lẽ tăng lên hay hạ xuống theo sự biến đổi của số lượng tiền giấy trong lưu thông. Nếu như lưu thông hàng hoá chỉ có thể thu hút được một số lượng tiền vàng nhất định và do đó, tình trạng số tiền lưu thông cứ hết thu hẹp lại rồi lại tăng lên, là một quy luật tất yếu, thì tiền giấy có lẽ có thể đi vào trong lưu thông với bất cứ số lượng nào. Nếu như nhà nước phát hành tiền đúc mà lại bớt đi dù chỉ có 1/100 hạt vàng so với hàm lượng kim loại danh nghĩa của nó, như thế là nhà nước làm cho đồng tiền vàng và đồng tiền bạc bị hụt bớt giá trị đi và do đó làm rối loạn hoạt động chức năng phương tiện lưu thông của những đồng tiền ấy, thì trái lại nhà nước vẫn làm một công việc hoàn toàn đúng khi phát hành thứ giấy bạc không có giá trị và không dính dáng gì đến kim loại ngoài cái tên tiền tệ của chúng. Nếu như đồng tiền vàng rõ ràng là chỉ đại biểu cho giá trị của hàng hoá trong chừng mực bản thân giá trị này được đánh giá bằng vàng hay được biểu hiện ra bằng giá cả thì hình như ký hiệu giá trị đại biểu trực tiếp cho giá trị của hàng hóa. Cho nên rất dễ hiểu là tại sao những nhà quan sát chỉ độc căn cứ vào lưu thông của tiền giấy được lưu thành cưỡng bức để nghiên cứu các hiện tượng của lưu thông tiền tệ, không thể hiểu đúng tất cả các quy luật nội tại của lưu thông tiền tệ. Thật vậy, trong lưu thông của các ký hiệu giá trị, các quy luật đó không những bị đảo ngược, mà còn không thấy được, vì tiền giấy, nếu được phát hành với số lượng thích đáng, sẽ thực hiện những vận động không phải là những vận động riêng của nó với tư cách là ký hiệu giá trị, trong khi đó sự vận động riêng của tiền giấy, đáng lẽ phải trực tiếp phát sinh từ sự chuyển hoá hình thái của hàng hoá, thì lại phát sinh từ chỗ vi phạm cái tỷ lệ thích đáng giữa tiền giấy và vàng.


*Chú thích:

- Chú thích thuộc chính văn

1) Dodd, "Curiosities of Industry, etc", London, 1854 [p. 16] [Dodd, "Những đặc điểm của công nghiệp, v. v.", London, 1854, tr. 16].

2) "The Currency Question Reviewed, etc., By a Banker", Edinburgh, 1854, p. 69 ["Vấn đề lưu thông tiền tệ, v. v., xét dưới con mắt của một chủ ngân hàng", Edinburgh, 1845, tr. 69]. "Nếu một đồng Taler [/Thaler (được ghi theo bản tiếng Đức, trong bản tiếng Việt tại tập 13 Toàn tập ghi là ê-qui (đồng écu của Pháp, bản tiếng Anh đơn giản ghi là coin) B. T.] hơi mòn một chút mà lại bị coi là không còn giá trị bằng một đồng Taler mới nguyên, thì lưu thông sẽ luôn luôn bị gián đoạn, và sẽ không còn có việc thanh toán nào là không sinh ra lôi thôi khiếu nại" (G. Garnier, Sách đã dẫn [G. Garnier, "Histoire de la monnaie depais les temps de la plus haute antiquité, etc" (G. Garnier, "Lịch sử tiền tệ thời thượng cổ, v. v.") B. T.], t. I, tr. 24).

3) W. Jacob, "An historical inquiry into the production and consumption of the Precious Metals", London, 1831, Vol, II, ch. XXVI, p. 322. [W. Jacob, "Nghiên cứu lịch sử việc sản xuất và tiêu dùng các kim loại quý", London, 1831, T. II, ch. XXVI, tr. 322].

4) David Buchana, "Observations on the Subjects Treated of in Doctor Smith's Inquiry on the Wealth of Nations, etc.", Edinburgh, 1814, p. 3. [David Buchana, "Những nhận xét về những đối tượng được nghiên cứu trong cuốn "Nghiên cứu về của cải của các dân tộc, v. v." của bác sĩ Smith", Edinburgh, 1814, tr. 3].

5) Henry Storch, "Cours d'économie politique etc, avec des notes par J. B. Say", Paris, 1823, t. IV, P. 70 [Henry Storch, "Giáo trình về kinh tế chính trị v. v., có chú giải của J. B. Say", Paris, 1823, tập IV, tr. 79]. Storch đã cho xuất bản tác phẩm của mình ở St. Petersburg, bằng tiếng Pháp. J. B. Say cho tái bản ngay tác phẩm đó ở Paris có bổ sung thêm những lời gọi là "chú giải" của mình, nhưng thực ra những chú giải này không chứa đựng gì khác ngoài những câu sáo ngữ. Storch không lấy gì làm hài lòng đối với điều bổ sung của "ông hoàng của khoa học" vào tác phẩm của mình (xem "Considérations sur la nature du revenu national", Paris, 1824 ["Suy nghĩ về bản chất của thu nhập quốc dân", Paris, 1824) của ông]).

6) Plato, De Republica, L.II: "νόμισμα σύμβολο τῆζ ανταλλαγής" ["the coin is a token of exchange" B. T.], Opere omnia, etc, ed. G. Stallbaumius, London, 1850, p. 304 [Plato, "Nước cộng hòa" ["Cộng hòa" B. T.], quyển II: "Tiền tệ là một ký hiệu để trao đổi", Tuyển tập, v. v., Nhà xuất bản G. Stallbaumius, London, 1850, tr. 304]. Plato chỉ nghiên cứu khái niệm tiền tệ trong hai tính quy định của nó là thước đo giá trị và ký hiệu giá trị, nhưng ngoài ký hiệu giá trị được dùng để lưu thông trong nước, ông còn đòi một ký hiệu giá trị khác dùng để giao dịch với Hy Lạp và với các nước khác. (Xem cả quyển V bộ "Pháp Luật" của ông).

7) Aristotle, "Đạo đức học Nicomachea" ["Ethica Nicomachea" B. T.], q. 5, ch. 8: "Tiền tệ trở thành phương tiện trao đổi phổ biến là do quy ước. Cho nên nó được gọi là νόμισμα [bảng tiếng Đức và tiếng Việt dùng từ này tương tự như tại chú thích số 6) , tương ứng với từ the coin trong và theo bản tiếng Anh; tuy nhiên, bản tiếng Anh tại chú thích số 6) ở ngay trên dùng the coin, nhưng tại chú thích số 7) này dùng là 'money' (để trong dấu nháy đơn) B. T.] vì nó không phải do tự nhiên mà là do pháp luật (νόμῳ [νόμος B. T.]) mà có, và chúng ta có quyền thay chúng và làm cho nó trở thành vô dụng". Aristotle hiểu tiền tệ rộng và sâu hơn Plato rất nhiều. Trong đoạn văn sau đây, Aristotle đã trình bày rất đúng rằng do sự trao đổi vật lấy vật giữa các công xã mà nẩy ra sự tất yếu phải làm cho một hàng hóa đặc thù nào đó, tức là một thực thể đã có sẵn một giá trị nội tại, có tính chất tiền tệ: "khi những sự phục vụ lẫn nhau bằng cách nhập khẩu những thứ mình thiếu và xuất khẩu những thứ mình thừa ngày càng mở rộng ra trên những khoảng cách rất xa nhau, thì tất nhiên người ta phải dùng đến tiền tệ... Người ta đồng ý với nhau là trong việc trao đổi với nhau chỉ nên đưa ra và thu về một vật vốn có một giá trị nội tại và tiện sử dụng... như sắt và bạc hoặc một vật nào khác tương tự chẳng hạn. Aristotle: "Chính trị" ["De Republica" B. T.], q. I, ch. 9. Michel Chevalier, vì không đọc Aristotle, hoặc vì không hiểu Aristotle, nên đã dẫn ra đoạn văn đó để chứng minh rằng theo Aristotle, phương tiện lưu thông tất nhiên phải được cấu thành bằng một thực thể vốn có một giá trị nội tại. Trái lại, Aristotle đã nói rõ rằng, tiền tệ với tư cách là phương tiện lưu thông giản đơn, dường như tồn tại chỉ do quy ước hoặc do pháp luật quy định, như cái tên gọi νόμισμα của nó đã chỉ rõ; điều đó cũng còn được sự kiện này chứng minh: trên thực tế sở dĩ tiền tệ có giá trị sử dụng của nó với tư cách là tiền tệ, đó chỉ là do chức năng của nó, chứ không phải do nó có sẵn một giá trị sử dụng nội tại. "Tiền tệ hầu như là một vật không đáng kể hoàn toàn do quy ước, còn do bản chất tự nhiên của nó thì không có giá trị gì cả, vì ngoài lưu thông ra thì nó không có chút giá trị nào cả và không dùng được làm gì cả". (Sách đã dẫn [tr.15]).

8) Sir John Mandeville, "Voyages and Travels", London ed., 1705, p. 105 [Sir John Mandeville, "Du lịch bằng đường bộ và đường thuỷ", xuất bản ở London, 1705, tr. 105]: "Vị hoàng đế (Trung Quốc) ấy có thể tha hồ muốn chi tiêu bao nhiêu cũng được mà không cần tính toán, vì ông ta không chi tiêu và không làm một thứ tiền nào khác ngoài thứ tiền làm bằng da hoặc giấy có đóng dấu. Khi thứ tiền đó trải qua một thời gian lưu thông khá lâu bị rách nát đi, người ta mang đến ngân khố của nhà vua để đổi lấy tiền mới. Thứ tiền đó được lưu hành trong toàn quốc và khắp các tỉnh... họ không đúc tiền bằng vàng hoặc bằng bạc", cho nên, theo Mandeville, "ông ta tha hồ tiêu pha và tiêu pha một cách vô hạn độ".

9) Benjamin Franklin, "Remarks and facts relative to the American paper money", 1764, p. 348, 1. c. [Benjamin Franklin, "Bình luận và sự thật về tiền giấy ở Mỹ", 1764, tr. 348, sách đã dẫn [Franklin B, The Works of etc., ed. by J. Sparks, vol. II, Boston, 1836 B. T.]: "Hiện nay, ngay đối với đồng tiền bằng bạc ở Anh, một phần giá trị của nó là do vai trò phương tiện thanh toán hợp pháp của nó, đó là phần giá trị tiêu biểu cho sự chênh lệch giữa trọng lượng thực tế của đồng tiền đó và tên gọi của nó. Do bị mòn đi, nên phần lớn các đồng một si-linh và đồng sáu pen-ni hiện nay đang lưu hành đã mất 5%, 10% và 20% trọng lượng của chúng, một số đồng pen-ni còn mất đến 50%. Sự chênh lệch đó giữa hàm lượng kim loại thực tế và hàm lượng kim loại danh nghĩa không được bù lại bằng một giá trị nội tại nào cả, thậm chí không được bù lại bằng tiền giấy, không được bù lại bằng cái gì cả. Đồng tiền bằng bạc trị giá 3 pen-ni lưu thông như 6 pen-ni chỉ vì nó là phương tiện thanh toán hợp pháp, và tất cả mọi người đều biết rằng có thể bán nó đi một cách dễ dàng theo một giá trị cũng như thế".

10) Berkeley, Sách đã dẫn [Berkeley, "The Querist", London, 1750 (Berkeley, "Người chất vấn", London, 1750) B. T.]: "Nếu người ta cứ giữ cái tên gọi của đồng tiền sau khi chất kim thuộc của nó đã bị tiêu ma hết rồi, thì thương nghiệp chẳng vẫn tiếp tục được duy trì hay sao?".

  • Chú thích không thuộc chính văn

[1] Peter Schlemihl — nhân vật trong truyện ngắn của nhà thơ lãng mạn Đức Adelbert von Chamisso, "Câu chuyện kỳ lạ về Peter Schlemihl" ["Peter Schlemihl's Miraculous Story" B. T.], người đã đổi cái bóng của mình lấy chiếc ví mầu nhiệm

Join us

If you want more information about joining the IMT, fill in this form. We will get back to you as soon as possible.