Chủ nghĩa Stalin là gì?

Tại sao không thể có chủ nghĩa xã hội ở riêng một nước?


[Source]

Trên hết, chủ nghĩa xã hội tuyệt đối cần phải dựa trên một trình độ cao hơn về năng suất lao động. Giai đoạn thấp nhất của chủ nghĩa xã hội phải là giai đoạn cao nhất của chủ nghĩa tư bản. Nếu như quá nhiều vất đề của thế giới hôm này là do sự phân phối bất bình đẳng về tài nguyên, thì giải pháp duy nhất là sản xuất hơn cả mức đầy đủ và phân phối một cách dân chủ nhằm đem lại mức sống cao hơn cho tất cả mọi người. Trong bất cứ tác phẩm nào của Marx, Engels, Lenin hay Trotsky, bạn không thể tìm được ở chỗ nào mà họ đề xướng ý tưởng chủ nghĩa xã hội ở một quốc gia. Tư tưởng của chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa dân tộc về chủ nghĩa xã hội ở một quốc gia là không liên quan gì đến chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa mà bao giờ cũng có quan điểm quốc tế.

Suốt thế kỷ qua giai cấp công nhân đã có nhiều cơ hội để tiến hành một cuộc cải biến xã hội chủ nghĩa, và họ đã từng thử thực hiện điều đó ở nhiều quốc gia khác nhau. Họ đã thành công tuy chỉ có một có một lần duy nhất, và cũng chỉ tạm thời, ở Cách mạng Nga năm 1917. Cuộc cách mạng ở một đất nước lạc hậu đã thành công khi lật đổ 1000 năm chế độ Nga Hoàng chuyên quyền, và giai cấp công nhân đã bắt đầu vật lộn với việc điều hành toàn thể xã hội. Tuy nhiên Lenin chưa bao giờ có ý định xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một quốc gia. Điều đó là không thể, bởi vì chủ nghĩa xã hội đòi hỏi sự gia tăng trong sản xuất ở quy mô lớn nhằm sản xuất ra nhu cầu cho xã hội. Nó đòi hỏi sự tập hợp tài nguyên ở quy mô quốc tế. Điều hiển nhiên nữa là chủ nghĩa tư bản không thể bị đánh bại ở một quốc gia đơn lẻ. Cách mạng phải lan rộng tới các quốc gia khác, và cuối cùng là tới toàn bộ thế giới.

Hậu quả của tình trạng bị cô lập, lạc hậu, nội chiến và sự tấn công can thiệp của 21 đội quân nước ngoài, Cách mạng Nga đã ở tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Thiếu vắng sự trợ giúp từ những cuộc cách mạng ở những quốc gia có kinh tế phát triển hơn ở Châu Âu, thì không thể có chủ nghĩa xã hội ở Nga. Giá như những cuộc cách mạng ở phần còn lại của Châu Âu thành công, tất cả họ đã có thể đóng góp công nghệ, tài nguyên thiên nhiên và dân số thành một khối nhằm khởi đầu hoạt động sản xuất ra đầy đủ cho tất cả mọi người và lan tỏa cách mạng tới phần còn lại của thế giới. Thế vào đó, cách mạng bị cô lập đã tha hóa thành một chế độ độc tài quan liêu. Cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hộ phải là cuộc đấu tranh ở quy mô quốc tế!

Trở về danh sách câu hỏi

Tại sao nước Nga tha hóa thành chế độ chuyên chế, độc tài Stalin, và làm thế nào để nền kinh tế kế hoạch hóa phát triển được lực lượng sản xuất mà không cần sự “kiểm soát” của thị trường?

Để có thể hiểu quá trình cải biến xã hội theo đường lối xã hội chủ nghĩa, và tại sao nó vẫn chưa thành công, chúng ta phải đưa ra câu trả lời khoa học cho câu hỏi điều gì đã diễn ra ở Liên Xô? Có hẳn một cuốn sách online về câu hỏi này, đó là: Nước Nga: từ Cách mạng đến Phản Cách mạng

Nhưng có thể rút ra khái quát ngắn gọn từ những sự kiện ấy như sau:

Trước tiên, đánh giá lịch sử tổng quan về Cách mạng Nga mà chúng tôi thực hiện là vô cùng tích cực. Lần đầu tiên, đông đảo công nhân và nông dân đã chứng tỏ về mặt thực tiễn là có thể điều hành xã hội mà không có địa chủ, nhà tư bản và chủ ngân hàng. Sự ưu việt của nền kinh tế có kế hoạch so với sự hỗn loạn của sản xuất tư bản đã được chứng minh, không phải ở lĩnh vực tư tưởng mà ở lĩnh vực cụ thể ở sự phát triển của công nghiệp, ở sự nâng cao mức sống, giáo dục và y tế. Trong một thời gian ngắn, nước Nga từ một nước lạc hậu, chủ yếu làm nông nghiệp, và bị đế quốc thống trị, đã trở thành một trong những cường quốc kinh tế và công nghiệp hàng đầu thế giới. Và điều đó chỉ có thể đạt được nhờ nền kinh tế kế hoạch hoá. Nếu như lấy bất cứ một quốc gia tư bản lạc hậu khác thời đó làm ví dụ rồi bạn nhìn vào sự tiến triển của quốc gia ấy hơn 80 năm qua, với rất ít ngoại lệ, bạn sẽ thấy rằng nó vẫn là quốc gia lạc hậu và bị thống trị bởi chủ nghĩa đế quốc. Chẳng hạn như Ấn Độ, Pakistan, Philippines, và hầu hết các nước Mỹ La tinh, v.v..

Nhưng đồng thời chúng tôi phải có khả năng giải thích tại sao những quốc gia theo đường lối Stalin với những nền kinh tế kế hoạch hóa rất có tiềm năng sản xuất đã rơi vào khủng hoảng vào cuối thập kỷ 1980 và cuối cùng thì sụp đổ vào đầu thập kỷ 1990. Chúng tôi cho rằng lời giải thích nằm ở sự thiếu dân chủ trong hoạt động kiểm soát quá trình lập kế hoạch kinh tế. Dưới chủ nghĩa tư bản, thị trường thể hiện, ở một chừng mực nào đó, một sự kiểm soát đối với nền kinh tế. Nếu như bạn sở hữu một nhà máy sản xuất giầy dép, và giầy dép bạn sản xuất ra có chất lượng kém và đắt hơn giầy dép trên thị trường, bạn có thể phá sản. Nếu bạn đầu tư vào lĩnh vực kinh tế đã ở tình trạng dư thừa sản phẩm bạn cũng có thể phá sản.

Do vậy thị trường, dẫu có bản chất hỗn loạn và trải qua nhữn cuộc khủng hoảng chu kỳ có tính tàn phá, thể hiện một sự kiểm soát nhất định đối với lực lượng sản xuất (mặc dù sự kiểm soát ấy đã bị giảm đi bởi sự tập trung của nền kinh tế vào tay một vài tập đoàn đa quốc gia). Dưới nền kinh tế kế hoạch hóa đã không tồn tại sự kiểm soát như vậy. Sự kiểm soát khả dĩ duy nhất là sự tham dự một cách dân chủ của người lao động (bản thân họ vừa là người tiêu dùng vừa là người sản xuất) vào hoạt động lập kế hoạch kinh tế. Ai là người hiểu rõ hơn những người công nhân về nhu cầu của những người hàng xóm của họ? Ai là người hiểu rõ hơn nhà máy phải được tổ chức ra sao? Vấn đề ở Liên Xô là sự kiểm soát dân chủ này không hề tồn tại. Một nhúm quan liêu đứng đầu “Đảng Cộng sản” và bộ máy nhà nước đã áp đặt mọi vấn đề.

Rõ ràng là một nền kinh tế sản xuất ra một triệu thứ hàng hóa khác nhau mỗi năm không thể được kiểm soát mà lại không có dân chủ thực sự cho công nhân. Vậy, tại sao không có dân chủ cho công nhân ở Liên Xô? Những phê phán có tính chất tư sản sẽ nói với chúng ta rằng đó là hậu quả không thể tránh khỏi của cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội. “Chủ nghĩa cộng sản là chế độ phản dân chủ và độc tại.” Chúng tôi đáp lại rằng: đó là những lời dối trá và xuyên tạc.

Nếu như bạn đọc tác phẩm Nhà nước và Cách mạng của Lenin, bạn sẽ thấy Lenin xây dựng một loạt những điều kiện cho hoạt động dân chủ của công nhân, Lenin đã rút ra những điều kiện ấy chủ yếu từ kinh nghiệm của Công xã Paris nằm 1871, đó là chính quyền đầu tiên của giai cấp công nhân trong lịch sử. Bốn điều kiện đó là:

  1. Mọi công chức phải được bầu chọn và có thể bị bãi nhiệm trực tiếp (tức là họ có thể bị thay thế ngay lập tức nếu họ không còn đại diện cho quyền lợi của những người đã lựa chọn họ).

  2. Không một công chức nào nhận lương cao hơn một công nhân có kỹ năng thuần thục. Marx đã nó rằng “tồn tại xã hội quyết định nhận thức”, nói cách khác cách thức bạn sống quyết định cách thức bạn tư duy. Một trong những nguyên nhân chính của chủ nghĩa cải lương ở những nhà lãnh đạo phong trào lao động chính là lương bổng quá cao mà họ nhận được với tư cách là thành viên chính phủ, hoặc thậm chí cả những công chức đứng đầu công đoàn. Do vậy họ cho rằng chủ nghĩa tư bản rốt cuộc cũng “không quá tệ”

  3. Không có quân đội thường trực mà có nhân dân được vũ trang.

  4. Sau một khoảng thời gian mọi người sẽ đều tham gia vào nhiệm vụ vận hành nền kinh tế và nhà nước. Như Lenin nói “khi mọi người đều là quan liêu thì không có ai là quan liêu”.

Phân tích dù có hời hợt về những điều kiện ấy sẽ ngay lập tức đưa chúng ta đến kết luận rằng không có điều kiện nào được áp dụng ở Liên Xô cũ. Nhưng tại sao vậy? Trong những năm đầu tiên của cách mạng, Lenin và những lãnh đạo khác của cách mạng đã đấu tranh để thiết lập chính quyền có thể đã là một chế độ dân chủ nhất từng tồn tại. Các xô-viết (tức ủy ban của công nhân và nông dân) đã điều hành nhà nước và kinh tế và mọi người được phép tham gia các xô-viết ấy. Mọi đảng chính trị được phép tham gia vào quá trình bầu cử xô-viết và tranh luận và đề xướng ý kiến của họ. Một thực tế ít được biết đến là chính phủ Xô-viết đầu tiên thực tế là chính phủ liên hiệp giữa Đảng Bolsheviks và những người Cách mạng Xã hội cánh tả. Chỉ có những đảng không được phép tham gia là những đảng đã từng cầm vũ khí chống chính quyền Xô-viết.

Trong Đảng Cộng sản (đổi tên từ Bolsheviks) tồn tại những thực hành dân chủ rộng rãi nhất. Trong quá trình thảo luận về hiệp ước hòa bình Brest-Litovsk với Đức có ít nhất ba phe phái thuộc Đảng Cộng sản với những ý kiến khác nhau. Một trong số họ, những người Cộng sản Cánh tả, do Bukharin dẫn đầu, thậm chí đã xuất bản tờ nhật báo, Người Cộng sản, một thời gian, để phản đối lập trường của Lenin về vấn đề hiệp ước! Vậy thì, làm thế nào mà một chế độ dân chủ như vậy đã trở thành chế độ độc tài?

Lenin, trong Nhà nước và Cách mạng cũng đề cập đến những vấn đề về tiền đề kinh tế để thiết lập chủ nghĩa xã hội. Chỉ có thể thiết lập được hoạt động lập kế hoạch kinh tế một cách dân chủ nếu như tồn tại một cơ sở vật chất và kinh tế để sản xuất ra đầy đủ của cải cho tất cả mọi người. Ngay khi xuất hiện sự khan hiếm của những hàng hóa thiết yếu, thì điều không thể tránh khỏi là, phải có ai đó kiểm soát một cách chuyên quyền, quá trình phân phối những mặt hàng khan hiếm. Tóm lại, nước nga năm 1917 những điều kiện vật chất cho chủ nghĩa xã hội không tồn tại.

Vậy tại sao những người Bolsheviks đã tổ chức cách mạng ở Nga? Họ chưa bao giờ có quan điểm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga trong thế cô lập. Họ coi Cách mạng Nga như một sự khởi đầu của cách mạng Châu Âu. Họ đã nghĩ rằng công nhân giành quyền lực ở Nga sẽ dẫn đến một làn sóng đấu tranh cách mạng lan rộng khắp Châu Âu. Chính quyền của công nhân ở Châu Âu sẽ đem lại phương tiện vật chất cho sự phát triển nhanh chóng ở nước Nga lạc hậu. Và thực tế là, Cách mạng Nga đã mở ra phương thức mới cho làn sóng cách mạng quy mô lớn ở Châu Âu. Đó là cách mạng Đức giai đoạn 1918-19, Cộng hòa Xô-viết Hungary, tổng bãi công cách mạng ở Tây Ban Nha, phong trào chiếm nhà máy ở Ý, và những phong trào công nhân quy mô lớn ở khắp lục địa. Nhưng đáng tiếc, tất cả những cuộc cách mạng ấy đều thất bại.

Có nhiều lý do gây nên những thất bại ấy, nhưng có thể tóm tắt như sau, phong trào lao động vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của các lãnh đạo cải lương dân chủ xã hội, và những người Cộng sản đã không có thời gian để tổ chức một cách đúng đắn và họ đã phạm phải những sai lầm chết người trong giai đoạn ấy. Do vậy, ở phương diện ấy, Cách mạng Nga bị cô lập ở một đất nước lạc hậu, chủ yếu làm nông nghiệp, đã bị tàn phá bởi Thế chiến I. Nếu như vậy vẫn là chưa đủ, thì ngay lúc đó họ bị cuốn vào một cuộc nội chiến tàn khốc, ở đó thế lực phản cách mạng cùng sự ủng hộ của 21 đội quân can thiệp nước ngoài đã tìm cách lật đổ chế độ cộng hòa xô-viết non trẻ (và chúng đã gần như thành công)

Cuối cùng, Hồng quân đã chiến thắng cuộc nội chiến nhưng phải trả giá quá lớn. Không chỉ có kinh tế bị phá hoại hoàn toàn và dân chúng bị chết đói, mà những cán bộ cộng sản cách mạng ưu tú nhất đã bị giết chết trong những năm tháng gian khó ấy. Một trong những tiền đề cho dân chủ của giai cấp công nhân chính xác là ở sự rút ngắn tuần làm việc, để cho phép tất cả người lao động có đủ thời gian để nâng cao trình độ giáo dục của họ và tham gia và hoạt động chính trị và điều hành xã hội. Ở Nga chúng ta thực ra lại thấy ngày làm việc kéo dài hơn và những điều kiện làm việc tồi tệ về tổng thể. Sự tham gia vào các xô-viết dần dần giảm sút và một lớp công chức bắt đầu xuất hiện dần dần đẩy những người công nhân ra khỏi hoạt động chính trị và làm chán nản sự tham gia của công nhân.

Một trong những người đầu tiên cảnh báo về sự nguy hại của quá trình quan liêu hóa chính là Lenin thể hiện trong những bài viết cuối cùng của ông, những tài liệu ấy đã bị Stalin ngăn chặn trong nhiều năm. Nhưng thậm chí dưới những điều kiện cực kỳ khó khăn như vậy cũng không hề dễ dàng cho chế độ quan liêu Stalin nắm chắc quyền lực. Đó là sự phản đối gay gắt của những đảng viên và lãnh đạo Đảng Cộng sản. Thực tế, để có được thành công chế độ quan liêu đã loại bỏ hầu hết đảng viên. Nếu lấy ví dụ ở Ủy ban Trung ương đảng vào năm 1917, gồm những lãnh đạo cách mạng đã tiến hành Cách mạng Nga, thì đến năm 1940 chỉ còn duy nhất một người còn sống sót ngoài Stalin. Hầu hết các lãnh đạo khác đã bị Stalin bắn chết, bị chết trong nhà tù hoặc trại lao động, một số người mất tích và một số ít chết vì tuổi già. Hàng ngàn những người Cộng sản trung thành và trung thực đã bị giết hại hoặc chết trong những trại tập trung. Một người đã tiến hành phản đối toàn diện nhất chống lại sự trỗi dậy của chế độ quan liêu là Trotsky, ông là người đã cùng Lenin lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười và sau đó đã tổ chức Hồng quân.

Qua nhiều năm hình ảnh Trotsky đã bị xóa nhòa trong phong trào Cộng sản bởi chính những kẻ đã bảo vệ một cách vô điều kiện chế độ quan liêu Stalin. Đó là lý do tại sao cần phải hoan nghênh những văn kiện của Đại hội cuối cùng của Đảng Cộng sản Nam Phi (những người cựu Stalins) đã gợi ý việc tìm đọc những bài viết của ông. Những người cộng sản chỉ có thể học hỏi từ những cuộc tranh luận cởi mở và thẳng thắn về sự xuất hiện của chủ nghĩa Stalin. Tham khảo Lenin and Trotsky: What They Really Stood For.

Trở về danh sách câu hỏi

Thế còn về Mao và Cách mạng Trung Quốc?

Đôi lúc cần thải rút ra thế cân bằng trong những tư tưởng và lập trường của chúng tôi. Chúng đã đi vào thực tiễn hơn 50 năm qua như thế nào? Nếu như có một đóng góp chủ đạo nào ở khuynh hướng của chúng tôi đối với chủ nghĩa Marx, thì đó chính là phân tích của chúng tôi về cách mạng ở thuộc địa và sự phát triển của chủ nghĩa Bonaparte vô sản, khởi đầu với phân tích của chúng tôi về cách mạng Trung Quốc sau năm 1945. Chính ở sự bế tắc của chủ nghĩa tư bản ở những đất nước ấy và sự đòi hỏi cấp thiết của quần chúng cần một lối thoát đã sản sinh ra những hiện tượng của chủ nghĩa Bonaparte vô sản. Hiện tượng đó là do các nhân tố khác nhau. Đầu tiên là, sự bế tắc hoàn toàn của xã hội ở những đất nước lạc hậu và sự bất lực của tư sản ở thuộc địa trong việc tìm ra lối thoát. Hai là, sự bất lực của chủ nghĩa đế quốc trong việc duy trì sự kiểm soát của nó thông qua những phương thức cai trị quan liêu-quân sự trực tiếp. Ba là, sự trậm trễ của cách mạng vô sản ở những đất nước tư bản phát triển và sự yếu kém của những nhân tố chủ quan. Cuối cùng là, sự tồn tại của một chế độ theo chủ nghĩa Bonaparte hùng mạnh ở Liên Xô.

Thắng lợi của Liên Xô trong Thế chiến II, và sự tăng cường sức mạnh của chủ nghĩa Stalin sau chiến tranh cùng với sự mở rộng sang Đông Âu và thắng lợi của Cách mạng Trung Quốc là những nhân tố đã tổng hợp nên điều kiện phát triển cho chủ nghĩa Bonaparte vô sản như một biến thể đặc biệt của cách mạng không ngừng mà chỉ có thể hiểu được bằng khuynh hướng của chúng tôi. Đó là một hiện tượng chưa từng có và không hề mong đợi. Không có chỗ nào trong các tác phẩm Marxist kinh điển nó được xem như là một khả năng có tính lý thuyết rằng chiến tranh nông dân lại có thể dẫn đến sự thiết lập của một nhà nước bị biến dạng của công nhân. Thế nhưng đó lại chính xác là những gì đã diễn ra ở Trung Quốc, và sau đó là ở Cuba và Việt Nam.

Chúng tôi xác định cách mạng Trung Quốc là sự kiện vĩ đại thứ hai trong lịch sử thế giới sau Cách mạng Nga năm 1917. Nó có tác động to lớn tới sự phát triển tiếp theo của cách mạng ở thuộc địa. Nhưng cuộc cách mạng này không diễn ra theo những lộ trình kinh điển của Cách mạng Nga năm 1917 hoặc Cách mạng Trung Quốc 1925-27. Giai cấp công nhân không đóng vai trò quan trọng nào. Mao đi đến quyền lực trên cơ sở của một cuộc chiến tranh nông dân dữ dội, theo đúng truyền thống ở Trung Quốc. Cách duy nhất để Mao có thể chiến thắng cuộc nội chiến 1944-49 là đề xướng một cương lĩnh giải phóng xã hội cho quân đội nông dân của Tưởng Giới Thạch, kẻ đã được đế quốc Mỹ trang bị vũ khí và hậu thuẫn. Nhưng những lãnh đạo theo đường lối Stalin của Hồng quân không có quan điểm dẫn dắt công nhân giành lấy quyền lực như Lenin và Trotsky đã làm năm 1917. Khi quân đội nông dân của Mao tiến đến các thành phố, và công nhân lập tức chiếm đóng nhà máy và chào đón quân đội của Mao với cờ đỏ, Mao đã ra lệnh ngăn chặn những cuộc biểu tình đó và côngnhân đã bị bắn chết.

Mới đầu, Mao không có ý định tước đoạt những nhà tư bản Trung Quốc. Quan điểm của ông ta về Cách mạng Trung Quốc được tóm tắt trong tập sách mỏng gọi là Tân Dân chủ trong đó ông ta viết rằng cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc là chưa đến lúc, và rằng sự phát triển duy nhất có thể diễn ra là một nền kinh tế hỗn hợp, tức là chủ nghĩa tư bản. Đó là lý luận Menshevik về “hai giai đoạn” kinh điển mà chế độ quan liêu Stalin đã đón nhận và đã dẫn đến sự thất bại của cách mạng Trung Quốc giai đoạn 1925-27. Thế nhưng khuynh hướng của chúng tôi hiểu rằng dưới những điều kiện cụ thể đã phát triển Mao đáng lẽ buộc phải tước đoạt chủ nghĩa tư bản.

Không chỉ có vậy chúng tôi cũng dự đoán thực tế là Mao sẽ buộc phải cắt đứt quan hệ với Stalin. Đầu năm 1949 chúng tôi đã viết:

“Thực tế Mao có một cơ sở quần chúng thực sự độc lập với Hồng quân Nga, ở mọi khả năng sẽ lần đầu tiên cung cấp một cơ sở độc lập cho Chủ nghĩa Stalin ở Trung Quốc mà không còn phụ thuộc trực tiếp vào Moscow. Như ở trường hợp Tito, trường hợp Mao cũng vậy, mặc cho vai trò của Hồng quân ở Mãn Châu, chủ nghĩa Stalin Trung Quốc đã phát triển một cơ sở độc lập. Do cảm hứng dân tộc chủ nghĩa của quần chúng Trung Quốc, truyền thống đấu tranh chống sư đô hộ của nước ngoài, những nhu cầu kinh tế của đất nước và trên hết một cơ sở vững chắc ở một bộ máy nhà nước độc lập, mối nguy của một Tito mới thực sự mạnh mẽ ở Trung Quốc là nhân tố khiến Moscow lo lắng.”

Tuy nhiên, sự lệ thuộc của nền kinh tế Trung Quốc vào lợi ích từ chế độ quan liêu Nga, cùng với toan tính đặt những con rối trong tầm kiểm soát, những kẻ đó sẽ lệ thuộc hoàn toàn vào Moscow – nói cách khác đó là sự áp bức dân tộc Trung Quốc – sẽ tạo ra cơ sở cho những xung đột mạnh mẽ và trực tiếp với Kremlin. Với bộ máy nhà nước vững mạnh và độc lập, với khả năng thao túng những nước đế quốc ở Phương Tây (những kẻ vừa tìm cách thương lượng với Trung Quốc vì mục đích thương mại vừa tìm cách chia sẽ Bắc Kinh và Moscow) và với sự ủng hộ của quần chúng Trung Quốc đối với người lãnh tụ đã chiến thắng Quốc Dân Đảng, Mao sẽ nắm trong tay những điểm tựa vững chắc chống lại Moscow.

Nỗ lực của Stalin nhằm ngăn chặn sự tiến triển ấy sẽ có xu hướng làm gia tốc và sâu sắc thêm nỗi oán giận và xung đột (‘Trả lời David James’, in lại trong The Unbroken Thread, tr304)

Những dòng trên được viết ra hơn một thập kỷ trước khi xảy ra xung đột Xô-Trung, khi chế độ quan liêu Trung Quốc và Nga dường như là những đồng minh không thể chia tách.

Chiến thắng của quân đội nông dân ở Trung Quốc là do một số yếu tố sau: Sự bế tắc tột cùng và toàn diện của chủ nghĩa tư bản và địa chủ Trung Quốc, sự bất lực của đế quốc không thể can thiệp do sự mệt mỏi của quân đội đế quốc sau Thế chiến II, và cũng bởi sức hút to lớn của nền kinh tế có kế hoạch ở nước Nga thời Stalin, nền kinh tế ấy đã chứng minh tính ưu việt của nó trong thời kỳ chiến tranh với nước Đức của Hitler.

Thực tế giai cấp nông dân thích nghi với việc hoàn thành một cuộc cách mạng xã hội là một diễn biến hoàn toàn mới mẻ trong lịch sử Trung Quốc. Trung Quốc là đất nước của những cuộc chiến tranh của nông dân, nó diễn ra theo những chu kỳ đều đặn. Tuy nhiên ngay cả khi những cuộc chiến tranh ấy thắng lợi nó chỉ đơn thuần dẫn đến sự hòa nhập của những thành phần lãnh đạo của quân đội nông dân vào tầng lớp đẳng cấp ở thành thị, kết cục là hình thành một triều đại mới. Đó là vòng luẩn quẩn đặc trưng cho lịch sử Trung Quốc hơn 2000 năm qua. Nhưng ở trường hợp này chúng ta thấy sự khác biệt căn bản. Quân đội nông dân dưới sự lãnh đạo của Mao đã có thể đập tan chế độ tư bản và tạo ra một xã hội theo hình ảnh của Moscow của Stalin. Dĩ nhiên, sẽ không có vấn đề gì cho một nhà nước của giai cấp công nhân khỏe mạnh như ở Nga vào Tháng Mười một năm 1917 được thiết lập theo những phương pháp ấy. Do đó, cần phải có sự tham gia và lãnh đạo tích cực của giai cấp công nhân. Nhưng một đội quân nông dân, không có sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, là phương tiện kinh điển cho chủ nghĩa Bonaparte, chứ không phải cho quyền lực của công nhân. Cách mạng Trung Quốc năm 1949 khởi đầu ở chỗ Cách mạng Nga kết thúc. Người ta không còn nói đến các xô-viết hay dân chủ của giai cấp công nhân. Ngay từ đầu nó đã là một nhà nước của giai cấp công nhân bị biến dạng một cách kỳ quái. Xu thế của chúng tôi nhấn mạnh rằng trên quy mô thế giới giai cấp duy nhất có thể mang đến thắng lợi cho chủ nghĩa xã hội là giai cấp vô sản.

Một khi Mao đã giành được quyền lực và tạo ra một bộ máy nhà nước trên nền tảng của một hệ thống cấp bậc trong Hồng quân ông ta không cần thiết phải liên minh với giai cấp tư sản. Theo phong cách Bonaparte điển hình, Mao dung hòa các giai cấp khác nhau. Ông ta dựa vào giai cấp nông dân và ở một chừng mực nhất định dựa vào giai cấp công nhân để tước đoạt các nhà tư bản, nhưng một khi họ đã bị đánh bại ông ta tiến hành loại bỏ bất cứ yếu tố dân chủ của công nhân từng tồn tại. Ông ta có một ví dụ mạnh mẽ về chủ nghĩa Stalin ở Nga, nơi chế độ quan liêu nặng nề đang ký sinh vào nền kinh tế có kế hoạch và hưởng lợi từ nó, do vậy ông ta quyết định theo đuổi mô hình tương tự. Mặc dù đặc trưng méo mó khinh hoàng của nó, Cách mạng Trung Quốc thể thiện một bước nhảy vĩ đại về phía trước cho hàng trăm triệu người, họ đã phải chịu thân kiếp trâu ngựa dưới chủ nghĩa đế quốc.

Trở về danh sách câu hỏi

Trung Quốc ngày nay là cộng sản hay là tư bản?

Chế độ quan liêu Trung Quốc, sau khi chứng kiến sự sụp đổ của chủ nghĩa Stalin ở Nga và Đông Âu, đã tìm cách tiếp sức cho nền kinh tế và duy trì địa vị đặc quyền của họ. Đầu năm 1978, Đặng Tiểu Bình đưa ra một loạt các biện pháp tiếp sức cho nền kinh tế nhằm kích thích kinh tế. Từ thời điểm ấy nền kinh tế đã có một đời sống riêng. Suốt thập kỷ 1980 “các đặc khu thị trường tự do” đã được thiết lập, cho phép các công ty do nước ngoài sở hữu hoạt động bằng lao động của Trung Quốc. Cùng với quá trình này là sự xuống cấp ở điều kiện làm việc của giai cấp công nhân Trung Quốc. Điều đó đã dẫn tới phong trào Quảng trường Thiên An Môn với quy mô lớn đe dọa lật đổ chế độ quan liêu. Trong những năm 1990 giới quan liêu đã gia tốc tiến trình, ngày càng nhiều doanh nghiệp nhà nước được tái cấu trúc theo hướng thành khối tư nhân, nếu như không bị quốc hữu hóa hoàn toàn. Năm 2001 Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Trong khi không thể nói liệu nền kinh tế có kế hoạch, quốc hữu hóa đã chuyển biến về chất sang chủ nghĩa tư bản hay chưa, điều không thể phủ nhận là những gì tồn tại ở Trung Quốc hôm nay là những đặc trưng tồi tệ nhất của sự bóc lột tư bản, cùng với một nhà nước theo chủ nghĩa Bonaparte kỳ quái, đang áp bức giai công công nhân một cách tàn ác.

Nhiệm vụ của giai cấp công nhân Trung Quốc, không chỉ là một cuộc cách mạng chính trị lật đổ chế độ quan liêu – được những người Marxist tán thành như trường hợp ở Liên Xô – mà còn là một cuộc cách mạng xã hội lật đổ chế độ hiện tại và nắm lấy các ngành công nghiệp tư nhân, quốc hữu hóa chúng, và đặt chúng dưới sự kiểm soát dân chủ của giai cấp công nhân.

Chi tiết hơn về tiến trình ấy, hãy đọc tài liệu của chúng tôi Cuộc trường chinh của Trung Quốc tới Chủ nghĩa tư bản.

Trở về danh sách câu hỏi

Tham khảo

Join us

If you want more information about joining the IMT, fill in this form. We will get back to you as soon as possible.