Thu nhập cơ bản phổ quát: giấc mơ không tưởng hay cơn ác mộng của chủ nghĩa tự do?

Thu nhập cơ bản phổ quát (UBI), tức là một khoản chi trả vô điều kiện dành cho mọi công dân, trong những năm gần đây đã trở thành một phần của ‘hệ tư tưởng kinh tế mang tầm thời đại’, nó được chào đón nhiệt thành từ cả cánh tả lẫn cánh hữu như thể là thuốc chữa toàn năng cho những vết lở loét được gây ra bởi hệ thống tư bản trong cơn khủng hoảng.


[Source]

John McDonnell, một lãnh đạo cánh tả kỳ cựu của đảng Lao động và cũng là Thủ tướng Bóng tối[1], gần đây đã ra thông báo rằng ông và nhóm của mình đang xem xét ý tưởng đó như là một trọng tâm trong chương trình kinh tế của đảng Lao động. Bên kia Kênh đào, Benoît Hamon, người được ví như là “Corbyn của nước Pháp”, ứng cử viên tổng thống của Đảng Xã hội, đã hứa rằng UBI sẽ được giới thiệu nếu như ông được bầu. Thậm chí, ở Ấn Độ nó còn có một sức hút lớn hơn, chính sách này đã được đề xuất một cách nghiêm túc như là một giải pháp thay thế đơn giản cho mạng lưới phúc lợi phức tạp hiện đang được cung cấp. Nhưng tác động thực sự của UBI sẽ như thế nào? Tại sao trong những năm qua nó lại đột nhiên trở nên nổi bật như thể một đòi hỏi cấp bách? Và, quan trọng nhất là ai đang thực sự đưa ra đề xuất này và vì lợi ích của ai?

Cuộc chạy đua với máy móc

Có một câu chuyện tiếu lâm thế này về Henry Ford II khi ông dẫn Walter Reuther, lãnh đạo kỳ cựu của Liên hiệp công nhân sản xuất ô tô (UAW), dạo quanh một nhà máy ô tô mới được tự động hóa.

“Walter, ngài có cách nào để đòi mấy con robot đó trả hội phí công đoàn cho ngài không?” ông chủ của Ford bông đùa.

Chẳng đợi đến một giây, Reuther đáp lại: “Henry, thế ông làm sao để chúng mua xe của ông đi.” ( The Economist, ngày 4 tháng 11 năm 2011)

Câu chuyện hẳn nhiều phần là hư cấu, tuy nhiên, nó dựa trên một mối quan tâm rất thực tế và nghiêm trọng của các nhà phê bình tư sản ngày nay, những người ít nhiều có tầm nhìn xa: mối đe dọa của “thất nghiệp công nghệ”, còn được biết đến như là: “cuộc chạy đua chống lại máy móc”.

Thay cho niềm hân hoan trước những công nghệ tân tiến và tiềm năng rộng lớn cho sự giải phóng nhân loại nhờ tự động hóa là nỗi lo sợ, xem tốc độ phát triển công nghệ nhanh chóng ngày nay như một lực lượng nguy hiểm và không thể kiểm soát, có thể làm cho số lượng lớn lao động và thậm chí cả tầng lớp trung lưu trở nên lỗi thời vào một ngày không xa. Nếu điều này xảy ra, một câu hỏi được đặt ra, cũng như giai thoại trên kia: ai sẽ là người mua tất cả đống hàng hóa mà lực lượng sản xuất to lớn của nền kinh tế thế giới đang liên tục sản xuất?

Vấn đề tự động hóa và máy móc này đã bắt đầu làm sáng tỏ những mâu thuẫn của hệ thống tư bản, vạch trần thói đạo đức giả siêu hạng của đám chính trị gia, những kẻ đang đòi hỏi phải thắt lưng buộc bụng và phỉ báng những người bình thường trong khi tôn sùng các "doanh nhân" tỷ phú, những người mà chỉ tám trong số họ đã kiểm soát tài sản bằng một nửa dân số thế giới cộng lại.

Ai tinh mắt sẽ thấy một điều đã ngày càng trở nên sáng tỏ: Đội quân robot đã giúp tạo nên một “đạo quân lao động dự bị” như trong mô tả của Marx: một đám đông những kẻ thất nghiệp, những người mà sự hiện diện của họ làm cho lương của những người đang làm việc buộc phải giảm. Thay vì được tái đào tạo để có được những kỹ năng cần thiết nhằm bắt kịp guồng quay ngày một tăng tốc của chủ nghĩa tư bản, những người bị thay thế bởi công nghệ mới bị ném vào bãi rác và buộc phải lao mình vào “nền kinh tế Gig” hiện đang mở rộng nhanh chóng - một thế giới bên lề với những ảo tưởng kinh doanh tự lập, công việc không an toàn và hợp đồng không giờ.

Kết quả là, mặc cho đã có nhiều mảng được tự động hóa và công nghệ tân tiến được triển khai vào sản xuất, sự gia tăng năng suất trên toàn bộ nền kinh tế thực sự đã bị đình trệ; Từ quan điểm của các nhà tư bản ăn bám, việc tuyển dụng những người đang “bồn chồn” khao khát tìm một công việc sẽ rẻ hơn là đầu tư vào máy móc, thứ thực sự sẽ làm giảm nhu cầu về lao động. Do đó mà từ quan điểm của chủ nghĩa tư bản, tự động hóa là “quá thừa” trong bối cảnh “thất nghiệp công nghệ” nhưng đồng thời cũng là “quá thiếu” với sự trì trệ năng suất.

Một hệ thống đổ vỡ

Chính trong bối cảnh này, khi động lực kinh tế đổ vỡ mà chúng ta xem xét sự xuất hiện của nhu cầu về “thu nhập cơ phổ quát”, hay UBI: một khoản chi giống nhau được cung cấp cho tất cả mọi người trong xã hội, bất kể sự giàu có hay nhu cầu.

Về lý thuyết, ý tưởng đằng sau UBI là nó sẽ phá vỡ mối liên hệ giữa công việc và tiền lương: Một mặt cung cấp cho những người lao động bị robot làm cho thừa thãi một lưới an toàn, thứ sẽ giúp cho họ không bị mắc kẹt trong mức lương thấp, công việc bấp bênh, đồng thời cũng cho phép họ chuyển đổi công việc từ các ngành công nghiệp lạc hậu sang các ngành mới với năng suất cao hơn. Và ở mặt khác, cho phép các nhà tư bản đầu tư vào tự động hóa và công nghệ mới mà không phải lo lắng về vấn đề đạo đức khi làm tăng thêm đội ngũ người thất nghiệp trong xã hội (hoặc thực tế là mối quan tâm như đã nói ở trên). Et voilà! Những bánh răng cỗ máy tư bản sẽ thực sự được bôi trơn và hoạt động tốt trở lại: đầu tư tăng lên; năng suất tăng lên; nền kinh tế phát triển, trong khi người lao động có thể thuận lợi chuyển từ công việc này sang công việc khác trong suốt quãng đời còn lại của họ.

Nó sẽ đơn giản vậy sao. Thực tế là đầu tư sản xuất ngày nay đang ở mức thấp nhất mọi thời đại, không phải vì bất kỳ mối lo ngại mang tính nguyên tắc nào đối với số phận của những người lao động bị sa thải, mà là do mức độ to lớn của sản xuất thừa, hay còn gọi là “dư thừa công suất”, còn nếu như các nhà tư sản muốn mô tả nó một cách hoa mỹ thì đó như là một con chim hải âu treo lơ lửng quanh cổ nền kinh tế toàn cầu[2]. Các nhà tư bản đầu tư không phải để cung cấp việc làm hay đáp ứng nhu cầu hoặc phát triển lực lượng sản xuất, mà để thu về lợi nhuận. Nếu hàng hóa không thể bán được vì các gia đình bình thường không có tiền để mua chúng thì ngành công nghiệp sẽ bị hủy diệt. Và nếu các ông chủ có thể kiếm được nhiều lợi nhuận hơn từ mười công nhân bị bóc lột so với từ một chiếc máy mới sáng bóng, thì công nhân sẽ ở nguyên vị trí và năng suất sẽ vẫn ì ạch.

Thật vậy, mối quan hệ giữa công việc và tiền lương đã bị phá vỡ - nhưng không theo nghĩa tích cực nào. Ở tất cả các nước - cả ở các nước tư bản tiên tiến và ở cái gọi là các nền kinh tế “mới nổi” - phần của cải dành cho người lao động đã giảm, mặc cho GDP tăng tiền lương thực tế vẫn trì trệ. Tuần làm việc đã kéo dài hơn nhưng lương nhận về vẫn vậy.

Lợi ích cho ai?

Mặc dù được vun đắp trên nền tảng mà về cơ bản là những tiền đề sai lầm, lời kêu gọi cho UBI vẫn tạo nên tiếng vang trong kỷ nguyên này, kỷ nguyên của sự bất bình đẳng đẫm nước mắt. Hiện tại, các thử nghiệm xã hội và kinh tế liên quan đến UBI đang được tiến hành ở nhiều quốc gia, bao gồm Canada , Phần Lan Hà Lan . Ở Thụy Sĩ, một đề nghị cho một SFr30,000 mỗi năm (tức là khoảng 24.000£ mỗi năm) UBI đã bị từ chối bởi 77% xuống còn 23% trong một cuộc trưng cầu dân ý ngày 5 tháng 6 năm 2016. Trong khi đó, ở Anh, đòi hỏi cho UBI đã được nâng cao bởi lãnh đạo các cấp của cả Đảng Lao động và Đảng Xanh.

Đối với nhiều người cánh tả thì đề xuất cho UBI như thể là một đòi hỏi tiến bộ: một lưới an toàn được gia cố, vượt ra ngoài lớp thạch cao cứng ngắc của tình trạng phúc lợi hiện tại, được tài trợ thông qua việc tăng thuế đối với các doanh nghiệp lớn và người giàu. Được nâng lên theo cách thức như vậy, rõ ràng đó là một đòi hỏi, giống như bất kỳ cuộc cải cách chân chính nào, cần được ủng hộ và đấu tranh.

Tuy nhiên, UBI lại không phải là một biện pháp cánh tả cũng chẳng tiến bộ. Trên thực tế, ý tưởng về một khoản thanh toán phổ quát có được khá nhiều ủng hộ từ những người ủng hộ quyền tự do. Thật vậy, ngay cả những nhà kinh tế tư sản lỗi lạc như Milton Friedman trong quá khứ cũng đã đưa ra những đề xuất tương tự, ý tưởng của ông là về thuế thu nhập âm.

Quan niệm về UBI, đối với những quý bà và quý ông đáng kính này, có sức hấp dẫn lớn như thể là một phiên bản cực kỳ hợp lý cho nhà nước phúc lợi, hay tệ hơn là thay thế cho nó. Có một lần những kẻ sốt sắng với một chính phủ nhỏ này gợi ý rằng: người ta có thể “đơn giản hóa” (Cách viết khác của “cắt xén”) một vạt bao la của hệ thống thuế và phúc lợi, “loại bỏ quan liêu” “giảm sự can thiệp vào thị trường”.

UBI cũng tỏ rõ sức hút với các nhà tự do theo phái Schumpeter, những kẻ vẫn rao giảng về những ưu điểm của bàn tay vô hình và sức biến đổi mạnh mẽ của “sự hủy diệt sáng tạo”: một lưới an toàn thô sơ được cung cấp trong khi những “rào cản” đối với việc tạo việc làm, như mức lương tối thiểu chẳng hạn, bị xoá bỏ; sự hỗn loạn của thị trường tự do được phép phá hủy các ngành công nghiệp và công việc mà không có bất kỳ kế hoạch, không có giáo dục và tái đào tạo nào được cung cấp. Đó là giấc mơ của những người theo chủ nghĩa tự do và cũng là cơn ác mộng của tầng lớp lao động.

Một số kẻ nhiệt thành với thị trường tự do thậm chí còn ủng hộ ý tưởng về một khoản thanh toán UBI tương đối lớn, nhưng (và đây là mấu chốt) chỉ với điều kiện là các dịch vụ công phiền hà, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe và giáo dục, bị cắt bỏ, tức là tư nhân hóa và mở cửa cho kiếm tìm lợi nhuận.

Do đó ta có thể thấy rằng, làm thế nào mà yêu cầu về UBI còn xa mới củng cố thêm những thành quả của các thế hệ đi trước, làm thế nào mà nó lại được nâng lên bởi những người đang tìm cách quay đầu và phá hủy những lợi ích đó. Thay vì củng cố tình trạng phúc lợi theo hướng tiến bộ bằng cách phân phối lại khối của cải khổng lồ của xã hội, UBI có thể trở thành một cái lá sung che đậy cho sự triệt thoái sâu sắc trước một cuộc bán tháo, tư nhân hóa các dịch vụ công, củng cố thị trường tư bản thay vì làm suy yếu nó.

Những người theo chủ nghĩa Marx sẽ đấu tranh cho bất kỳ cuộc cải cách nào nhằm cải thiện thực sự mức sống của người lao động và người nghèo. Nhưng để xác định chắc chắn là liệu chúng ta có thể hỗ trợ cho đòi hỏi này hay không, trước tiên chúng ta phải đặt câu hỏi: đề xuất đó có thực sự là một cải cách, hay, trên thực tế là một phản cải cách?

Ở đây, lời kêu gọi cho UBI nếu đặt trong sự trừu tượng sẽ là vô nghĩa, ma quỷ ở trong chi tiết[3]. Trên hết thảy, cần phải phân tích vấn đề từ quan điểm và tầm nhìn giai cấp, nhu cầu này được nâng cao bởi ai và cho ai.

Ai trả?

Như mọi cải cách kiểu vậy, câu hỏi thích hợp nhất là: ai trả? Tức là tiền sẽ đến từ đâu? Thật vậy, đó là điểm mấu chốt mà những kẻ muốn bác bỏ UBI từ cánh hữu đã nêu bật.

Trong trường hợp cuộc trưng cầu dân ý ở Thụy Sĩ năm ngoái, chính phủ đã bác mức đề xuất 24.000£ mỗi năm với cớ là khó mà chi trả được mức đó (tuy nhiên, phải lưu ý rằng bối cảnh cho đề xuất này là chi phí sinh hoạt ở Thụy Sĩ cao một cách nhức nhối và UBI được đề xuất chỉ bằng phân nửa mức lương trung bình). Ở những nơi như Phần Lan, mức UBI được đề xuất ở mức “hợp lý hơn”, tức là một số tiền khốn khổ chỉ khoảng 5.700£ mỗi năm - một giá trị như vậy có thể chỉ là một chút thay đổi nhỏ đối với những triệu phú nhận được nó (đừng quên sau cùng đó vẫn là một khoản chi trả phổ quát, vô điều kiện), nhưng với những người nghèo nhất, những người hiện phải sống dựa vào trợ cấp thu nhập thì sự thay thế sẽ khiến cuộc sống trở nên tồi tệ hơn.

Để cung cấp được một khoản chi trả UBI tốt hơn so với những gì hiện đang được cung cấp thông qua nhà nước phúc lợi, sẽ đòi hỏi một mức gia tăng đáng kể về thuế, như tờ Economist nhấn mạnh với một số ước tính giả định:

“Việc thiết lập một khoản thu nhập cơ bản sẽ không phải là vấn đề dễ dàng. Để trao cho mọi người lớn và trẻ em thu nhập khoảng 10.000 dollar mỗi năm, một quốc gia giàu có như Mỹ sẽ cần phải nâng tỷ trọng GDP thu được từ thuế lên gần 10 điểm phần trăm và cắt bỏ hầu hết các chương trình chi tiêu xã hội phi y tế. Các chương trình hào phóng hơn sẽ đòi hỏi tăng thuế lớn hơn.”

Trước khi tiếp tục, chúng ta hãy làm rõ một điều: số tiền đủ để cung cấp một khoản thanh toán UBI hợp lý cho tất cả mọi người thực sự có tồn tại, và hơn nữa hợp lý ở đây là mức vượt xa 10.000 dollar. Như đã lưu ý, theo báo cáo gần đây của Oxfam về bất bình đẳng toàn cầu, chỉ 8 tỷ phú thôi đã sở hữu khối tài sản tương đương với một nửa dân số nghèo nhất thế giới. Cùng lúc đó, các doanh nghiệp lớn ở Mỹ đang sở hữu một đống tiền mặt nhàn rỗi lên tới khoảng 1,9 nghìn tỷ dollar.

Tuy nhiên, vấn đề không phải là kinh tế mà là chính trị. Để thực hiện một UBI thực sự tiến bộ sẽ phải tạo nên một thay đổi đầy tham vọng và triệt để nhất đối với hệ thống tái phân phối qua thuế, kể từ khi nhà nước phúc lợi ra đời trong thời kỳ hậu chiến cho đến nay. Chưa hết, ở vào thời điểm mà tất cả những lợi ích trong quá khứ đang bị công kích bởi chính sách thắt lưng buộc bụng, chúng ta được chứng kiến nhiều phe cánh tả có ý tốt kêu gọi cho UBI và đề xuất một thách thức lớn đối với tư bản, với khoản tăng thuế khổng lồ đối với người giàu và các tập đoàn.

Ở khắp mọi nơi chúng ta được chứng kiến các nhà dân chủ xã hội và cải cách đang thoái lui do hệ quả từ cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản. Các chính phủ “cánh tả” được bầu lên, chẳng hạn như Syriza ở Hy Lạp hay “những nhà xã hội chủ nghĩa” của Hollande ở Pháp, chẳng những đã không đạt được các chương trình tiến bộ về thuế và chi tiêu mà còn bị chế độ độc tài của các ngân hàng buộc phải thực hiện cắt giảm và phản cải cách. Nhưng xin chớ có bận tâm đến tất cả những điều đó: gấp đôi hoặc không gì cả!

Utopia

Chính ở đây, đòi hỏi về UBI chỉ là một đề xuất không tưởng mới nhất từ ​​một lớp người ngây thơ trong cánh tả, những người tưởng tượng rằng thắt lưng buộc bụng chỉ là vấn đề ý thức hệ, và rằng chúng ta có thể bằng cách nào đó thuyết phục được những kẻ lắm tiền nhiều của tử tế chút và âm thầm thay vì kiếm tiền mà lo cho lợi ích của xã hội. Về cơ bản, đây là điều mà những người ủng hộ UBI đang dựa vào và hy vọng: lòng nhân từ và bác ái của các nhà tư bản và các chính trị gia đại diện cho họ.

Trong khi thỉnh thoảng những nhà tỷ phú như Bill Gates có thể tự nguyện chia một phần nhỏ tài sản khổng lồ của họ cho các hoạt động từ thiện (mà rốt cục thường chỉ là một chiêu trò PR), thì tầng lớp tư bản nói chung, xét tới cùng, kinh doanh là vì lợi nhuận. Và họ không, cũng chưa bao giờ, thích thú với việc tước đoạt tài sản tư nhân của họ để cứu trợ cho phần còn lại của xã hội; do đó, mới có những quái chiêu trốn thuế đang được sử dụng bởi các doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Như Warren Buffett, nhà tỷ phú đầu tư nổi tiếng, đã bày tỏ rõ ràng khi chỉ ra rằng ông trả thuế còn ít hơn nhân viên lễ tân của mình: “Ừ thì có chiến tranh giai cấp, nhưng đó là giai cấp của tôi, giai cấp những kẻ giàu, đang gây chiến, và chúng tôi đang chiến thắng!”

Một lần nữa, chúng ta nên nhấn mạnh rằng sự giàu có trong xã hội chắc chắn đủ để tài trợ cho một hệ thống UBI thực sự tiến bộ. Nhưng để một cuộc cải cách như vậy sẽ được thực sự thực hiện một cách có ý nghĩa con đường duy nhất là làm cho các nhà tư bản cảm thấy bị đe dọa đến mức sợ bị mất tất cả; tức là một cuộc đấu tranh giai cấp ở mức độ gay go và khốc liệt đến nỗi mà giới tinh hoa cầm quyền buộc phải đưa ra những cải cách từ bên trên để ngăn một cuộc cách mạng từ bên dưới. Và ngay cả khi đó, trong một tình huống như vậy, yêu cầu sẽ không phải là về UBI nữa, mà là cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa!

Nếu yêu cầu về UBI là do Cánh tả đặt ra và đấu tranh, thì nó không thể được thực hiện theo cách tách rời khỏi vấn đề đấu tranh giai cấp. Chúng ta không thể dựa vào lòng vị tha của những kẻ giàu có và lòng nhân ái từ nhà nước tư bản, thứ mà về bản chất, như Engels đã giải thích và Lenin cũng nhấn mạnh, bao gồm “những cơ quan đặc biệt của những người được vũ trang” để bảo vệ tài sản và lợi ích của giai cấp thống trị.

Do đó và đặc biệt là ở thời điểm mà các chính phủ ở khắp mọi nơi đang phủ phục trước “bàn tay vô hình” của thị trường, đó thuần là không tưởng khi đề xuất các nhà tư bản hãy vui vẻ và êm đềm chấp nhận giao ra của cải của họ nhằm tài trợ cho một UBI hợp lý, hay đề xuất nhà nước tư sản hãy sẵn lòng bắt tay vào thực hiện một nhiệm vụ như vậy.

Phân phối và sản xuất

Giới hạn chính của lời kêu gọi cho một UBI tiến bộ, cũng như mọi yêu cầu cải cách khác, là nó không đặt vấn đề trên quan điểm giai cấp, tức là phân tích xem ai thực sự sở hữu và kiểm soát sự giàu có cũng như công nghệ trong xã hội, và quan trọng nhất là làm thế nào để họ có được quyền kiểm soát đó ngay từ đầu.

Nói cách khác, vấn đề với UBI (và các chính sách cải cách nói chung) nảy sinh từ sự tập trung gần như tuyệt đối của nó vào vấn đề phân phối, thay vì sản xuất. Như Marx đã nhận xét trong bài Phê bình Cương lĩnh Gotha (một chương trình cải cách và không tưởng tương tự được đưa ra bởi những người xã hội chủ nghĩa cùng thời với Marx, những tín đồ Lassalle):

“Khác xa với những phân tích nói trên, ồn ào về cái gọi là phân phối và đặt nặng vào nó nói chung là sai lầm.

Bất kỳ sự phân phối nào về bất kỳ phương tiện tiêu dùng nào cũng chỉ là hệ quả của việc phân phối chính ngay những điều kiện sản xuất. Cùng với đó, sự phân phối những điều kiện sản xuất lại là một đặc điểm của chính phương thức sản xuất. Ví dụ, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa dựa trên thực tế là các điều kiện vật chất của sản xuất nằm trong tay những kẻ không phải là công nhân dưới hình thức sở hữu tư bản và đất đai, trong khi quần chúng chỉ là chủ sở hữu của điều kiện sản xuất cá nhân, tức là sức lao động. Nếu các yếu tố sản xuất được phân phối như vậy, thì việc phân phối tư liệu tiêu dùng ngày nay tự nó cũng từ đó mà ra. Nếu điều kiện vật chất của sản xuất thuộc sở hữu tập thể của chính người lao động, thì cũng sẽ dẫn đến việc phân phối tư liệu tiêu dùng khác với hiện tại.

“Chủ nghĩa xã hội tầm thường (và theo sau là một bộ phận những người dân chủ) đã thừa hưởng từ các nhà kinh tế tư sản cái thói xem xét và lý giải sự phân phối như cái gì đó độc lập với phương thức sản xuất và do đó đã trình bày chủ nghĩa xã hội như thể cái gì đó chủ yếu xoay quanh phân phối. Đó là sau khi mối quan hệ thực sự này đã được làm rõ từ lâu, vì sao người ta vẫn cứ tái phạm? ” (nhấn mạnh của chúng tôi)

Những lời này ngày nay thậm chí còn đúng hơn bao giờ hết. Bằng cách tập trung vào vấn đề đánh thuế và tái phân phối, những nhà lãnh đạo hiện đại của phong trào lao động thực sự nhắm tới những người đang nhầm lẫn, tầng lớp trung lưu xa lạ với những cuộc nói chuyện về thuế đánh vào thu nhập và tài sản cá nhân, thay vì tấn công tầng lớp siêu giàu của giai cấp tư sản, những người mà của cải gắn chặt bởi lợi nhuận và tư bản và thường thường là ở ngoài tầm với của thuế vụ nhà nước.

Do đó mà các nhà xã hội chủ nghĩa nên như Marx, nhấn mạnh không phải ở phân phối lại của cải đã được tạo ra trong xã hội (thông qua thuế và phúc lợi, v.v.), mà là kiểm soát tập thể và dân chủ đối với các phương tiện, thứ mà nhờ nó của cải mới được tạo ra - tức là tư liệu sản xuất. Nếu một kế hoạch sản xuất hợp lý như vậy được thực hiện, thì các vấn đề về thuế, thừa kế, tái phân phối, phúc lợi, v.v. sẽ nhanh chóng biến mất.

Đối với những người theo chủ nghĩa Marx, vấn đề về bất bình đẳng, tuy quan trọng nhưng chỉ là thứ yếu. Về gốc rễ, sự lên án của chúng ta đối với chủ nghĩa tư bản chủ yếu không nằm ở những triệu chứng mà một hệ thống già cỗi sinh ra, mà là căn nguyên của căn bệnh: các quy luật của chủ nghĩa tư bản; những rào cản của sở hữu tư nhân, cạnh tranh và sản xuất vì lợi nhuận, những thứ đã cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất, bao gồm công nghiệp và khoa học, công nghệ và kỹ thuật, nghệ thuật và văn hóa. Như nhà cách mạng Nga, Leon Trotsky, đã nhận xét trong kiệt tác của mình, Cuộc cách mạng bị phản bội:

“Thứ tệ hại cơ bản của hệ thống tư bản chủ nghĩa không phải là sự xa hoa của các giai cấp những kẻ sở hữu, dẫu bản thân nó đáng ghê tởm đến mức nào, mà ở thực tế rằng để đảm bảo cho quyền được xa hoa giai cấp tư sản phải duy trì quyền sở hữu tư nhân của nó đối với tư liệu sản xuất, do đó mà dẫn hệ thống kinh tế tới sự hỗn loạn và mục nát. ” (Leon Trotsky, Cách mạng bị phản bội, chương 1)

Ngày nay, chúng ta được chứng kiến “thứ tệ hại cơ bản” của “tình trạng hỗn loạn và mục nát” thể hiện một cách sinh động bởi mâu thuẫn của một bên là những đống tiền mặt khổng lồ trong tay các doanh nghiệp lớn với một bên là mức thấp trong lịch sử của đầu tư và sự trì trệ trong tăng trưởng năng suất; bởi sự phi lý của sự song hành giữa tiềm năng tự động hóa hàng loạt và nỗi lo thất nghiệp do công nghệ; bởi mối bận tâm về việc hàng triệu người bị buộc phải ăn không ngồi rồi thay vì hiện thực hoá sự nghỉ ngơi tuỳ ý cho tất cả.

UBI, với tất cả những nỗ lực của mình để khắc phục những vết rạn nứt, chẳng thể làm gì để ngăn chặn tình trạng hỗn loạn của thị trường và giải quyết cuộc khủng hoảng sản xuất thừa, thứ đã dẫn đến sự bế tắc này của xã hội. Thật vậy, như những người Marxist đã luôn nhấn mạnh, không có cải cách nào có thể tháo nút những mâu thuẫn cơ bản này của chủ nghĩa tư bản. Chỉ có sự chuyển đổi mang tính cách mạng hướng tới một xã hội mới ra mới có thể vượt qua nút thắt Gordian này.

“Tiền công cho việc nhà”

Đáng chú ý, cũng có những nhà nữ quyền ủng hộ UBI với lý do rằng việc chi trả kiểu như vậy sẽ thách thức quan niệm hiện tại về công việc, chứng tỏ được giá trị của lao động hiện không được trả lương mặc dù cần thiết về mặt xã hội, như việc nhà chẳng hạn. Nhưng kết hợp lời kêu gọi “tiền công cho việc nhà” thì không phải là một yêu sách xã hội chủ nghĩa. Những người theo chủ nghĩa Marx không kỳ vọng phụ nữ (hoặc nam giới) được đền bù bằng tiền cho việc làm ở nhà của họ, nghĩa là tạo ra những người làm công ăn lương tại nhà bên cạnh những người làm công ăn lương tại nơi làm việc.

Thay vào đó, những người theo chủ nghĩa Marx muốn loại bỏ hoàn toàn khái niệm về công việc nhà: đưa những công việc hiện đang được cá nhân thực hiện này ra khỏi bàn tay của mỗi cá nhân trong gia đình - ra khỏi bức tường của những ngôi nhà biệt lập - và tổ chức những công việc cần thiết về mặt xã hội này theo cách thức xã hội, như một phần của kế hoạch sản xuất hợp lý. Chỉ bằng cách xã hội hóa vấn đề chăm sóc trẻ em và các công việc nhà, loại bỏ gánh nặng lao động này khỏi vai người phụ nữ thuộc tầng lớp lao động, chúng ta mới có thể mong đợi đạt được bình đẳng giới thực sự trong xã hội.

Như Ph.Ăngghen nhận xét trong Nguồn gốc của gia đình, Sở hữu tư nhân và Nhà nước :

“Việc giải phóng phụ nữ chỉ có thể thực hiện được khi phụ nữ có thể trở thành một phần của nền sản xuất trên quy mô lớn, xã hội hoá và công việc nhà không còn đòi hỏi gì ngoài một lượng thời gian không mấy đáng kể. Và chỉ giờ đây điều đó mới trở nên khả thi thông qua nền công nghiệp quy mô lớn hiện đại, không những cho phép sử dụng lao động nữ trên phạm vi rộng lớn mà còn xem nó như đòi hỏi tích cực, đồng thời với đó là xu hướng chấm dứt lao động cá nhân trong nhà bằng cách ngày một biến nó thành một ngành công nghiệp công cộng.” (Frederick Engels, Nguồn gốc của gia đình, Sở hữu tư nhân và Nhà nước, chương 9)

Do đó, cách duy nhất để thúc đẩy sự thay đổi thực sự, vĩnh viễn trong xã hội không phải là trả công phụ nữ cho việc nhà của họ, mà mang toàn bộ lao động giúp việc gia đình, lao động không công ra khỏi gia đình cá nhân; biến lao động này trở thành nhiệm vụ xã hội, là thứ trách nhiệm của toàn thể xã hội; và cuối cùng là đầu tư vào máy móc và công nghệ mới cho phép chúng ta loại bỏ hoàn toàn công việc này.

Việc phát minh ra các loại máy gia dụng như lò vi sóng, máy rửa bát và máy giặt đã giúp giảm đáng kể thời gian cần thiết cho các công việc nội trợ. Thách thức bây giờ là sử dụng công nghệ này và đặt nó dưới sự kiểm soát công khai và dân chủ; xã hội hóa những nhiệm vụ này như một phần của kế hoạch sản xuất xã hội chủ nghĩa; và do đó để giải phóng cả phụ nữ lao động và nam giới lao động khỏi tai họa của lao động trong nhà.

Tiền lương, thu nhập và UBI

Trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, nơi mà giai cấp công nhân đã xoay sở để tự bảo đảm, thông qua đấu tranh, các dịch vụ do nhà nước tài trợ, chẳng hạn như NHS và nhà nước phúc lợi, “thu nhập” mà một công nhân nhận được sẽ được chia thành hai phần: tiền lương được trả bởi người sử dụng lao động để đổi lấy sức lao động; và một “tiền lương xã hội” từ những trợ cấp và dịch vụ được cung cấp bởi cộng đồng, miễn phí tại điểm sử dụng và được cung cấp trên cơ sở nhu cầu mà không phải trao tay bất kỳ khoản tiền nào.

Dưới chủ nghĩa xã hội, tỷ lệ giữa hai phần này sẽ thay đổi đáng kể theo hướng sau: “Tiền lương xã hội” không thấy được sẽ tăng lên đáng kể, trong khi tiền lương được trả để đổi lấy sức lao động sẽ giảm đi (về mặt tương đối - tổng số tất nhiên sẽ tăng khi sự giàu có của xã hội tăng lên). Thay vì chỉ nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà không cần bất kỳ giao dịch tiền tệ nào, phương tiện đi lại, nhà ở, điện, thực phẩm, quần áo, v.v.: tất cả những thứ này, và thậm chí cả những thứ hiện được coi là "đồ xa xỉ", cũng có thể được cung cấp mà không cần sự trao đổi, như một phần của kế hoạch sản xuất xã hội chủ nghĩa. Khái niệm giá trị sẽ dần trở nên vô nghĩa và hệ thống tiền tệ sẽ tàn lụi.

Tuy nhiên, với UBI, một biến thể thu nhập thứ ba được giới thiệu: cùng với tiền lương được trả và "tiền lương xã hội", giờ đây chúng ta còn có hình thức thanh toán bằng tiền vô điều kiện của UBI. Đối với những người theo chủ nghĩa tự do ủng hộ UBI, việc áp dụng hình thức chi trả phổ quát này không phải để củng cố yếu tố xã hội chủ nghĩa của “tiền lương xã hội”, mà để làm suy yếu nó, (như đã thảo luận trước đó) bằng cách sử dụng UBI như một cái cớ để mở cửa các dịch vụ công cho tư nhân hóa.

Tương tự, sự ra đời của UBI cũng có thể được sử dụng để biện minh cho việc loại bỏ những cải cách quan trọng như tiền lương tối thiểu, đưa người lao động vào thế cực kỳ bất lợi trong cuộc chiến chống lại các ông chủ. Do đó, không những không làm xói mòn sức mạnh của tiền tệ và thị trường mà UBI còn có thể được sử dụng để củng cố và tăng cường các lực lượng này.

Do đó, những người cánh tả, những người nhiệt tình và thiếu suy nghĩ kêu gọi UBI phải cẩn thận với những gì họ muốn. Một lần nữa, thay vì chấp nhận nhu cầu mơ hồ và không rõ ràng của UBI, các nhà lãnh đạo của phong trào lao động nên thúc đẩy lời kêu gọi quốc hữu hóa và kiểm soát của người lao động lên hàng đầu.

Vì một xã hội xã hội chủ nghĩa

Điều trớ trêu nhất liên quan đến UBI là những người Cánh tả kêu gọi nó vẫn công khai thừa nhận tất cả những mâu thuẫn rõ ràng hiện có trong xã hội tư bản, chỉ để sau đó lại đảo ngược vấn đề, đề xuất mọi thứ trừ chính giải pháp cho nó. Họ nhìn thấy sự phi lý của tình trạng thất nghiệp hàng loạt cùng với việc làm quá sức; bất bình đẳng gia tăng mặc cho tiến bộ công nghệ; tự động hóa đang nô lệ hóa chúng ta hơn là giải phóng chúng ta: vậy mà họ lại chấp nhận những điều phi lý này như một thực tế có thể chấp nhận - thừa nhận những thất bại của chủ nghĩa tư bản, nhưng từ chối công nhận chủ nghĩa tư bản là gốc rễ của vấn đề.

Như đối với tất cả các yêu cầu cải cách, những người ủng hộ UBI sẵn sàng đề xuất các biện pháp phi thực tế và không tưởng nhất, miễn sao là chúng không thách thức một quyền mà họ cho là không thể đả động và bất khả xâm phạm: đó là quyền sở hữu tư nhân. Thật vậy, thậm chí còn có ý kiến ​​cho rằng UBI có thể là con đường từ tư bản chủ nghĩa đến chủ nghĩa cộng sản- nghĩa là theo châm ngôn của Marx: “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu.”

Đối với các quý bà và quý ông đáng kính này, cạnh tranh và mưu cầu lợi nhuận có thể là nguyên nhân dẫn đến tai họa bất bình đẳng, thất nghiệp và khủng hoảng kinh tế gây nhức nhối cho xã hội - nhưng đề nghị xóa bỏ sự hỗn loạn của thị trường là hoàn toàn báng bổ. Xét cho cùng, như những người cách mạng chúng ta thường xuyên được nhắc nhở - chúng ta phải thực tế!

Thật vậy, đối với một số người, như Thomas Paine - nhà triết gia cũng là chính trị gia người Mỹ gốc Anh của thời Khai sáng và là một trong những Cha đẻ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ - đã lập luận, một hình thức UBI sẽ là một quyền ăn miếng trả miếng cho tất cả công dân với điều kiện họ chấp nhận sự tồn tại của sở hữu tư nhân. Như Tờ Economist lưu ý:

“Thomas Paine sẽ rất thích một viễn cảnh như vậy. Ông đã biện minh cho thu nhập cơ bản như là một sự hỗ trợ mạnh mẽ cho sự tồn tại của sở hữu tư nhân. Ông tin rằng trước khi sở hữu tư nhân ra đời, tất cả đàn ông đều có thể tự nuôi sống bản thân thông qua săn bắn và kiếm thức ăn. Khi khu nghỉ dưỡng đó bị lấy đi, họ phải được bồi thường bằng một khoản 'thừa kế tự nhiên' là 15 bảng Anh trả cho tất cả nam giới mỗi năm, được tài trợ từ khoản 'tiền thuê mặt bằng' được tính cho chủ sở hữu bất động sản.”

Thay vì kêu gọi UBI, các nhà xã hội chủ nghĩa nên sử dụng câu hỏi này để vạch trần những điều phi lý, quái quỷ và mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản. Nhu cầu của chúng ta không nên dành cho một UBI, nơi quyền kiểm soát kinh tế vẫn nằm trong tay của một tầng lớp giàu có nhỏ bé, và nơi tiền tiếp tục chảy vào túi của các nhà tư bản ký sinh. Yêu cầu của chúng ta phải là quốc hữu hóa các đòn bẩy quan trọng của nền kinh tế và quyền lực cho người lao động.

Thay vì đòi hỏi mức thu nhập cơ bản đối với những người bị tự động hóa làm cho lạc hậu, chúng ta nên kêu gọi chia sẻ công việc cần thiết, giảm thời gian làm việc trong ngày cho tất cả mọi người. Nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở của một hệ thống kinh tế dựa trên nhu cầu chứ không phải lợi nhuận. Hơn nữa, chúng ta nên làm nổi bật tiềm năng cho một xã hội xã hội chủ nghĩa chân chính, nơi con người và máy móc tồn tại hài hòa: một xã hội siêu dư thừa; của “chủ nghĩa cộng sản nơi sự xa xỉ là hoàn toàn tự động”, trong đó phương châm “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”; cuối cùng cũng có thể được thực hiện trong thực tế.

Trong bài phát biểu Bảo vệ tháng 10 , Leon Trotsky, giải thích những thành tựu lịch sử của Cách mạng Nga, mà năm nay là tròn 100 năm, đã chỉ ra con đường phía trước cho nhân loại:

“Khoa học kỹ thuật đã giải phóng con người khỏi sự kìm kẹp của các nguyên tố cũ - đất, nước, lửa và không khí - chỉ để khiến con người lại phải chịu sự kìm kẹp của chính nó. Con người không còn làm nô lệ cho thiên nhiên mà trở thành nô lệ cho máy móc, và tệ hơn nữa là nô lệ cho cung và cầu.

“Cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay chứng minh một cách đặc biệt bi thảm về việc con người, kẻ thì chìm dưới tận đáy biển sâu, kẻ thì bay lên tận mây xanh, kẻ đối thoại trên những làn sóng vô hình từ Antipodes, trong khi cai trị tự nhiên đầy kiêu hãnh và táo bạo họ vẫn phải làm nô lệ cho lực lượng mù quáng của nền kinh tế của chính mình.

“Nhiệm vụ lịch sử của thời đại chúng ta bao gồm việc thay thế cuộc chơi không có kiểm soát của thị trường bằng cách lập kế hoạch hợp lý, trong việc kỷ luật hóa các lực lượng sản xuất, buộc chúng làm việc cùng nhau hài hòa và phục vụ cho nhu cầu của nhân loại.

“Chỉ trên cơ sở xã hội mới này, con người mới có thể duỗi thẳng chân tay mệt mỏi của mình và, mọi người đàn ông cũng như phụ nữ, không chỉ là một số ít được chọn , trở thành công dân có trọn vẹn thẩm quyền trong lĩnh vực tư tưởng…

“Một khi anh ta đã làm xong với các lực lượng hỗn loạn của chính xã hội của mình, con người sẽ bắt tay vào làm việc với chính mình, trước sự bắt bẻ và vặn vẹo của nhà hóa học. Lần đầu tiên nhân loại coi mình như một nguyên liệu thô, hay tốt nhất là một bán thành phẩm vật chất và tâm linh. Chủ nghĩa xã hội sẽ có nghĩa là một bước nhảy vọt từ lĩnh vực bắt buộc sang lĩnh vực tự do theo nghĩa này, rằng con người ngày nay, với tất cả những mâu thuẫn và thiếu hòa hợp của mình, sẽ mở ra con đường cho một chủng tộc mới và hạnh phúc hơn.”


*Chú thích:

[1] Thủ tướng Bóng tối: Một vị trí trong Nội các bóng tối, bao gồm đầy đủ các chức vụ như một nội các thông thường, chỉ khác là không để điều hành chính phủ; nó được thành lập bởi đảng đối lập trong quốc hội Anh. Đây là một điểm đặc biệt của chế độ nghị viện Anh.

[2] Một con chim hải âu treo lơ lửng quanh cổ: Liên quan tới câu chuyện ngụ ngôn của những người đi biển. Một thuỷ thủ vì trót giết hại một con chim hải âu, loài vật báo điềm lành cho người đi biển, nên khi con tàu của anh mắc nạn thuỷ thủ đoàn đã buộc anh phải chịu hình phạt đeo xác con hải âu quanh cổ mình.

[3] Ma quỷ ở trong chi tiết: Một câu thành ngữ ám chỉ rằng vẻ ngoài đơn giản có thể che dấu những chi tiết phức tạp và có khả năng gây ra vấn đề.

[4] Trợ cấp thu nhập (means-tested benefits): Là khoản trợ cấp mà người xin được hưởng chỉ có thể nhận được nếu như thu nhập của người đó thấp hơn một giá trị nhất định. Một đặc trưng của nhà nước phúc lợi.

Join us

If you want more information about joining the IMT, fill in this form. We will get back to you as soon as possible.