Nhà nước và hiến pháp

Năm ngoái, những cuộc khủng hoảng hiến pháp đã nảy sinh ở Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Ba Lan, và Brazil. Những cuộc khủng hoảng ấy thể hiện vấn đề lớn của giai cấp thống trị bởi vì nhà nước và luật hiến pháp bao quanh nó, đã bị huyền bí hóa một cách có chủ tâm. Nền dân chủ đại nghị và Pháp trị (Rule of Law)1 được xem là những tư tưởng bất biến đã được đan dệt vào kết cấu của vũ trụ. Do vậy những khủng hoảng nảy sinh trên cấu trúc của bản thân nhà nước tư sản, đe dọa xua tan ánh hào quang của nó khỏi sự huyền bí và quyền năng.


[Source]

Đối với những người Marxist, nhà nước là không có gì là huyền bí: đó là vũ khí của giai cấp thống trị được sử dụng trong cuộc đấu tranh giai cấp. Luật hiến pháp xuất hiện để điều tiết và hạn chế quyền lực của nhà nước – điều đó có nghĩa là những người Marxist sẽ ủng hộ nó chăng? Đó sẽ là một sự hiểu lầm. Luật hiến pháp là cuộc chinh phục của cách mạng tư sản chống lại trật tự phong kiến cũ, và nó bắt nguồn trực tiếp, cả ở nội dung và hình thức, từ một hệ thống dựa trên sản xuất hàng hóa. Chúng ta không có ảo tưởng rằng sự bảo vệ của hiến pháp sẽ giúp giai cấp công nhân thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản. Điều đó có nghĩa là, cũng như nhà nước dưới chế độ chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn khác biệt, luật hiến pháp, và pháp luật nói chung cũng sẽ rất khác biệt.

Chúng ta phải gỡ bỏ sự huyền bí của những thành phần đó của nhà nước những cái mà đang bị lối diễn đạt kiểu pháp lý và thiên kiến tự do làm cho khó hiểu. Nếu chúng ta phải có một hiểu biết cách mạng chân chính về xã hội, thì chúng ta phải chiếu rọi ánh sáng sắc nhọn của phân tích Marxist vào những góc u tối và huyền bí của nhà nước tư sản, bắt đầu từ luật hiến pháp.

Hiến pháp là gì?

Nói chung hiến pháp là một tập hợp các luật định mà theo đó một bộ phận dân chúng chịu sự chi phối. Hiến pháp quy định quan hệ giữa các công dân và nhà nước dân tộc, cũng như quan hệ giữa nhiều thành phần khác trong bộ máy nhà nước.

Những luật lệ quy định nhà nước và xã hội phải vận hành thế nào đã tồn tại ngay từ lúc có cấu trúc nhà nước – khoảng 5000 năm trước. Nhưng ngày nay, khi giới hàn lâm, luật gia và chính trị gia nói về hiến pháp hoặc quyền hiến định họ có xu hướng ám chỉ những tư tưởng và khái niệm tự do được định nghĩa một cách đại thể, như không thiên vị, bình đẳng và công bằng, mà họ cho là được bảo vệ bằng những cơ chế pháp lý. Những nguyên tắc bao quát chứa đựng những tư tưởng hiến pháp tự do thường được xem là Pháp trị.

Khi Tòa án tối cao Anh phán quyết chống lại chính phủ về vấn đề Brexit, quyết định rằng quốc hội chứ không phải chính phủ có quyền quyết định về vấn đề nước Anh rời EU, những thẩm phán được xem như những người bảo vệ quyền hiến định của nước Anh chống lại sự lạm quyền của chính phủ. Khi thẩm phán ra phán quyết chống lại quyết định cấm người Hồi Giáo đi lại của tổng thống Trump, họ được xem như những người giữ vững quyền hiến định và chống lại sự độc tài. Đó là những gì mà ngày nay chúng ta được biết về chủ nghĩa hợp hiến và Pháp trị – một sự kiểm soát đối với quyền hành pháp, và có vai trò như người bảo vệ quyền của cá nhân.

Hiến pháp giống như một bộ khung pháp lý duy trì nhà nước, giới hạn và định hướng hoạt động của nó. Để hiểu rõ thực sự khái niệm hiến pháp chúng ta cần phải có hiểu biết rõ ràng về bản thân nhà nước – nó là gì, nó nảy sinh thế nào và tại sao nó lại cần bộ khung pháp lý bao quanh nó.

Đối với những câu hỏi liên quan đến nhà nước, điểm xuất phát cho những người Marxist là tác phẩm Nguồn ngốc của Gia đình, của Sở hữu tư nhân và của Nhà nước của Engels. Engels giải thích rằng, ở phương diện lịch sử, nhà nước nảy sinh tại điểm khi xã hội đã phát triển lực lượng sản xuất đến mức độ khiến nó vướng vào những đối kháng giai cấp không thể giải quyết.

“Nhưng muốn cho những mặt đối lập đó, những giai cấp có quyền lợi ích kinh tế mâu thuẫn nhau đó, không đi đến chỗ tiêu diệt lẫn nhau và tiêu diệt luôn cả xã hội trong một cuộc đấu tranh vô ích, thì cần phải có một lực lượng cần thiết, một lực lượng tựa hồ như đứng trên xã hội, có nhiệm vụ làm dịu bớt sự xung đột và giữ cho sự xung đột đó nằm trong vòng ‘trật tự’; và lực lượng đó, nảy sinh ra từ xã hội, nhưng lại đứng lên trên xã hội và ngày càng xa rời xã hội, chính là nhà nước.”

Cụ thể là, những cơ chế nhà nước sử dụng để duy trì “trật tự” là “những đội vũ trang” mà Lenin viết trong Nhà nước và Cách mạng, một cách diễn đạt lại ý của Engels. Những thứ đó là tòa án, nhà tù, cảnh sát và quân đội. Nói cách khác, mặc dù vẻ bề ngoài như vậy, quyền lực nhà nước không đứng trung lập bên trên xã hội, mà nó là vũ khí trong tay của giai cấp có khả năng duy trì những đội vũ trang. Nó là công cụ của giai cấp sở hữu chống lại gia cấp không sở hữu.

Trong cuốn sách của mình, Engels viết về sự nảy sinh của nhà nước Athen. Ông cho rằng chừng nào sản xuất của người Athen còn ở mức độ thấp, hiến pháp “thị tộc” dựa trên các gắn kết gia đình và quản trị thị tộc là đủ. Nhưng ngay khi lực lượng sản xuất đã phát triển tới mức sản xuất ra được thặng dư, giai cấp được phân biệt dựa trên quan hệ sở hữu phương tiện sản xuất, chứ không dựa trên cơ sở “thị tộc” hay bộ tộc.

Những người thuộc về giai cấp thống trị và sở hữu tài sản tiến hành tập trung sự giàu có và quyền lực trong tay. Họ sử dụng sự giàu có này để áp đặt nợ nần, phá sản và nô dịch lên các giai cấp bên dưới và sử dụng vũ khí mới của nhà nước để bảo vệ tất cả điều đó bằng luật pháp. Sự trỗi dậy ban đầu của quyền lực nhà nước ở Athen không gì khác hơn là sự củng cố sự thống trị giai cấp không giấu giếm của kẻ giàu lên kẻ nghèo.

Điều này cũng đúng với nước Anh phong kiến thời kỳ đầu. Sau cuộc xâm lược của William kẻ Chinh phục vào năm 1066, cấu trúc nhà nước được chính thức hoá và cấu hành bởi một hệ thống mà vua chính thức sở hữu đất đai, một số đất đai đó được chia cho quý tộc, đến lượt nó lại cho phép nông nô làm việc trên những mảnh đất (đổi lại là một cuộc đời nô dịch). Cách thức này được bảo vệ một cách không che đậy bởi những đội vũ trang mà địa chủ phong kiến có thể trả tiền để duy trì. Giống như ở Athen, nhà nước và những đội vũ trang của nó là vũ khí công khai của giai cấp sở hữu chống giai cấp không sở hữu.

Nhưng bộ máy thống trị giai cấp tàn bạo này không phải cái mà ngày nay chúng ta thấy ở nhà nước. Giai cấp thống trị và cá nhân các nhà tư bản không có xu hướng tự mình vận hành quân đội riêng để áp đặt ý chí của họ. Nhà nước ngày nay không đơn thuần là một tập hợp những kẻ giàu có nhất cùng quân đội của riêng họ. Giống như những người khác, mỗi nhà tư bản phục tùng Pháp trị và quyền lực của nhà nước.

Sự khác biệt giữa cấu trúc nhà nước ngày nay, so với nước Anh Thế kỷ 11 và Athen cổ đại, là giờ đây tồn tại một bộ luật hiến pháp rõ ràng và hoàn chỉnh. Nhà nước ngày nay có những giới hạn áp đặt lên quyền lực của nó, thông qua sự tách biệt thành những khối khác nhau của nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp), thông qua những hiệp ước về quyền con người và vô số các cơ chế chính trị và pháp lý khác. Về mặt lý thuyết, những quyền đó là có thể áp dụng bởi bất kỳ hoạt động cá nhân nào thông qua tòa án.

Kết quả là ngày nay các luật gia và chính trị gia xem luật và hiến pháp là sự đảm bảo cho một nhà nước độc lập và trung lập, được cho là tương phản với nước Anh phong kiến hoặc Athen cổ đại. Nhưng đó chỉ là sự ảo tưởng. Nhà nước hôm nay vẫn là vũ khí quyền năng trong cuộc đấu tranh giai cấp. Che đậy bằng những bộ tóc giả và áo choàng cùng với những chiêu bài như ‘hiến pháp’ không làm thay đổi thực tế đó. Đó là lý do tại sao một việc quan trọng đối với những người Marxist là phải hiểu quyền hiến định thực sự là gì – từ đó chúng ta có thể nâng cái mạng che pháp lý và phơi bày cơ sở giai cấp của nhà nước tư sản.

Tư sản và cách mạng hiến pháp

Nhà nước Athen cổ đại mô tả ở trên, rõ ràng là một vũ khí mà giai cấp sở hữu áp bức giai cấp không sở hữu, đã không tồn tại lâu. Engels giải thích rằng sau giai đoạn đầu tiên của sự thống trị giai cấp không giấu giếm bằng nhà nước, Solon đã thiết lập một hiến pháp mới vào năm 594 TCN. Hiến pháp này bỏ qua những món nợ không thể trả nổi đã chồng chất lên những giai cấp bên dưới; cho phép họ có được sự bảo vệ nhất định khỏi giai cấp thống trị; và ngăn chặn việc đem bán những giai cấp bên dưới làm nô lệ, và vân vân. Nói cách khác, dàn xếp hiến pháp của Solon dường như đã kìm hãm quyền lực của giai cấp thống trị và đặt nó vào kỷ cương của nhà nước. Engels mô tả thay đổi này là một cuộc “cách mạng chính trị”.

Tất nhiên hiến pháp của Solon chỉ bảo vệ những công dân Athen tự do, chứ không phải nô lệ, những người đã bị tước đoạt quyền và sự bảo vệ, họ là toàn bộ nền tảng kinh tế Athen. Mặc dù vậy nó vẫn là một bước tiến có ý nghĩa sang một hình thức nhà nước gần gũi hơn với những gì mà chúng ta có thể nhận ra hôm nay.

Nhà nước Anh cũng đã trải qua quá trình biến đổi tương tự vào thế kỷ 11. Đại Hiến chương (Magna Carta) (1215), Kiến nghị về các Quyền (1628), Cách mạng Anh và Nội chiến Anh (1642), cuộc Cách mạng Vinh quang (Cách mạng 1688) và Luật về các Quyền (1689) tất cả là những bước tiến trong quá trình ấy. Quá trình gắn bó mật thiết ngay từ lúc khai sinh với sự lớn mạnh và thắng lợi cuối cùng của giai cấp tư sản trước quý tộc phong kiến trong trận chiến giành quyền lực chính trị.

Đây là những gì Marx và Engels mô tả trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản:

“Mỗi bước phát triển của giai cấp tư sản đều có một bước tiến bộ chính trị tương ứng. Là đẳng cấp bị chế độ chuyên chế phong kiến áp bức; là đoàn thể vũ trang tự quản trong công xã; ở nơi này, là cộng hoà thành thị độc lập; ở nơi kia, là đẳng cấp thứ ba phải đóng thuế trong chế độ quân chủ; rồi suốt trong thời kỳ công trường thủ công, là lực lượng đối lập với tầng lớp quý tộc trong chế độ quân chủ theo đẳng cấp hay trong chế độ quân chủ chuyên chế; là cơ sở chủ yếu của những nước quân chủ lớn nói chung, giai cấp tư sản, từ khi Đại Công nghiệp và thị trường thế giới được thiết lập, đã độc chiếm hẳn được quyền thống trị chính trị trong nước đại nghị hiện đại. Chính quyền nhà nước hiện đại chỉ là một uỷ ban quản lý những công việc chung của toàn thể giai cấp tư sản.”

Cách mạng tư sản mang theo nó những tư tưởng như quyền lực chính trị bình đẳng cho tất cả (miễn là người đó có sở hữu tài sản và là đàn ông), thay vì dựa trên quyền thừa kế. Chế độ quân chủ không còn quyền hành động mà không được sự chấp thuận của quốc hội, cái được lập ra bởi các đại diện được bầu chọn. Hơn nữa, việc hành pháp phải bị giới hạn bởi tư pháp, thông qua phương tiện là tòa án. Dân chủ, bình đẳng trước pháp luật, và tự do làm việc cho bất cứ ai mà người ta muốn trở thành trung tâm của trật tự tư sản mới, mặc dù ban đầu ở hình thức hạn chế. Đó là cở sở pháp chế mà ngày nay chúng ta tham chiếu đến như một phần của hiến pháp Anh.

Giữa thời kỳ trước Đại Hiến chương với quyền lực phong kiến không bị trói buộc của vua John I và thời kỳ Pháp trị hiện đại có một sự chuyển tiếp tương tự như cuộc cách mạng chính trị của Solon ở Athens. Cả hai quá trình đều liên quan tới một sự chuyển tiếp từ vũ khí thống trị giai cấp không hề giấu giếm đến hình thức nhà nước hiến pháp.

Hiến pháp, do vậy, là một cuộc chinh phục chủ đạo của những cuộc cách mạng tư sản. Chúng xuất hiện như sản phẩm của đấu tranh giai cấp, buộc trật tự thiết lập cũ phải nhượng bộ. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tránh khỏi sự thỏa hiệp và dàn xếp giữa các phe cánh của giai cấp thống trị, và giữa trật tự thống trị cũ với trật tự thống trị mới. Hiến pháp hiện đại là sản phẩm của cách mạng, phản cách mạng, thỏa hiệp và bất đồng.

Engels giải thích rằng cuộc “cách mạng chính trị” của Solon không làm thay đổi căn bản bản chất giai cấp của xã hội Athens. Nó vẫn là một xã hội nô lệ, một xã hội chỉ khác ở cấu trúc nhà nước. Những cuộc cách mạng tư sản đã đem lại cho cho xã hội một thay đổi căn bản hơn cuộc “cách mạng chính trị” đơn thuần, bởi vì chúng đưa xã hội từ hình thức sản xuất phong kiến tới hình thức sản xuất tư bản, mặc dù vậy chúng không thay đổi một sự thật là xã hội vẫn dựa trên cơ sở bóc lột và áp bức giai cấp – sự thống trị của thiểu số lên đa số.

Marx đưa ra quan điểm này trong cuốn sách Ngày 18 Tháng Sương mù của Louis Bonaparte. Ông nói “tất cả các cuộc cách mạng [trước đây] đã hoàn bị bộ máy [nhà nước] đó chứ không đập tan nó”. Nói cách khác, cuộc cách mạng chính trị của Solon năm 594 TCN và những cuộc cách mạng tư sản ở Anh, ở Pháp và ở những nơi khác, cải biến nhà nước và tổ chức vũ trang của nó, nhưng không mang lại thay đổi một cách căn bản nào hết. Nhà nước dưới chế độ tư bản vẫn là vũ khí thống trị giai cấp trực tiếp giống như dưới chế độ phong kiến, tuy nó được trau chuốt, “hoàn bị”, và thích hợp hơn với nhiệm vụ của nó, tức là bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản chứ không phải của địa chủ phong kiến.

Nếu chúng ta soi xét kỹ lưỡng chúng ta có thể thấy rằng nhà nước ngày nay là công cụ được trau chuốt và hoàn bị nhất của giai cấp thống trị. Nó được cột chặt vào lợi ích của tư bản bằng hàng ngàn sợi dây. Những cánh cửa quay bỉ ổi giữa doanh nghiệp và chính phủ đảm bảo cho bộ trưởng và các công chức dễ dàng lách qua những người kiểm soát của chính phủ và những công ty mà họ có bổn phận phải giám sát. Những kẻ vận động hành lang cho doanh nghiệp lớn đe dọahối lộ để buộc chính phủ phải hành động vì lợi ích của tư sản. Tòa án, nhà tù, cảnh sát và quân đội được sử dụng để bảo vệ quyền sở hữu tư nhân của người giàu, trong khi quyền của người nghèo về nhà cửa và thực phẩm thì bị bỏ qua.

Chung qui là, vai trò của hiến pháp hiện đại chỉ đơn giản làm đẹp với “kiểm tra và cân đối” vẫn cùng một bộ máy nhà nước đã được sử dụng làm vũ khí trong cuộc đấu tranh giai cấp kể từ lúc nó khởi phát.

Tất cả điều đó đặt ra một số câu hỏi. Trước hết tại sao luật hiến pháp lại phát sinh? Phải chăng Solon ở Athens và Oliver Cromwell, lãnh đạo của Cách mạng Anh, chỉ tình cờ có những tư tưởng tương tự nhau về hiến pháp cho dù họ xa cách nhau 2000 năm? Và tại sao giai cấp thống trị lại cho phép nhà nước một cách chính thức và hợp pháp tách bản thân nó khỏi những kẻ mà vì lợi ích của chúng vận hành bằng phương thức “kiểm tra và cân đối”, thay vì tiếp tục dùng hình thức áp bức không cần giấu giếm của một giai cấp ngày lên một giai cấp khác?

Câu trả lời là luật hiến pháp không đơn thuần là một ý tưởng thông minh bất chợt xuất hiện từ giấc mơ. Hình thức cũng như nội dung của nó là không thể tách rời khỏi trao đổi hàng hóa và sự phát triển của hình thức sản xuất tư bản.

Từ hàng hóa đến hiến pháp

Sự sản xuất ra các sản phẩm cho thị trường, Marx gọi là sản xuất hàng hóa, là hình thức sản xuất thống trị và là nền tảng kinh tế dưới chế độ tư bản.

Để hiểu sản xuất hàng hóa và trao đổi Marx xem xét những vấn đề liên quan tới giá trị và lao động trong nhiều tập sách nhỏ, sách và diễn văn về kinh tế tư bản. Nhưng có một phần cơ bản về trao đổi hàng hóa có liên quan đến luật pháp cũng được Marx khảo sát, tuy có ngắn gọn hơn. Hàng hóa, một khi đã được sản xuất ra, chỉ có thể hiện thực hóa giá trị chứa đựng bên trong nó nếu như nó được trao đổi ở thị trường. Nhưng một hàng hóa nào đó không thể tự nó trao đổi – nó cần con người có ý thức để thực hiện hành vi trao đổi, hoặc nói cách khác nó đòi hỏi phải có một người chủ sở hữu hợp pháp. Điều đó có nghĩa là khái niệm quyền lợi hợp pháp của sở hữu cá nhân là một thành phần gắn liền với sản xuất hàng hóa.

Marx giải thích điểm này trong Quyển I của bộ Tư Bản:

“Các hàng hóa không thể tự mình đi tới thị trường và trao đổi với nhau được. Vậy chúng ta phải quay sang những người giữ hàng hóa, những kẻ sở hữu hàng hóa. Hàng hóa là những đồ vật, cho nên đứng trước con người, chúng không có cách gì chống cự lại được. Nếu như hàng hóa không muốn đi thì người ta có thể dùng tới sức mạnh, tức là nắm lấy nó” (Tư bản, Quyển I, Chương 2)

Điều đó có nghĩa, chẳng hạn, khi hai cá nhân gặp nhau ở chợ, với vai trò là người mua và người bán, họ là những chủ sở hữu hợp pháp, tức là mối quan hệ này là hợp pháp.

Nhưng bản chất của mối quan hệ hợp pháp này là gì? Một hệ thống trao đổi hàng hóa đòi hỏi rằng thị trường bản thân nó quyết định giá trị trao đổi của hàng hóa đang được đem ra trao đổi. Đây là điều mà người mua và người bán không thể đóng vai trò cá nhân – đây là điều phải được giải quyết bởi trình độ kỹ thuật chung của nền kinh tế và bởi những vấn đề khác do xã hội quyết định. Điều đó có nghĩa là người mua và người bán, khi ở trên thị trường, phải bị tước bỏ tất cả những gì có tính chất cá nhân mà có thể làm gián đoạn quá trình xác định giá trị trao đổi của hàng hóa của họ. Trong quá trình trao đổi người mua và người bán phải là những chiếc bình rỗng mà qua đó những hàng hóa do họ sở hữu có thể tự khẳng định bản thân chúng ở thị trường.

Tóm lại, người mua và người bán phải được thừa nhận là hoàn toàn bình đẳng với nhau, cho dù trên thực tế họ không như vậy. Tính bình đẳng này là bản chất của quan hệ pháp lý giữa những cá nhân trong hệ thống trao đổi hàng hóa.

Không hề ngạc nhiên khi bình đẳng pháp lý là một trong những lời hô hào của nhà nước hiến pháp. Nó là một phần trong khẩu hiệu nổi tiếng của Cách mạng Pháp “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, khẩu hiệu xác lập uy thế chính trị của giai cấp tư sản. Trong cuốn sách xuất bản năm 2010, Rule of Law, cựu thượng nghị sĩ mảng luật Tom Bingham nói rằng “bình đẳng trước pháp luật là hòn đá tảng của xã hội chúng ta”. Đây cũng là tư tưởng mà Thomas Rainsborough đề xướng trong cuộc Tranh luận Putney ở thời kỳ Cách mạng Anh năm 1647 khi ông ta tuyên bố “Thực sự, tôi nghĩ rằng, người nghèo nhất nước Anh phải được sống bình đẳng như người giàu nhất”. Nguồn gốc của tư tưởng pháp luật này, cái dường như không là vấn đề gì đối với chúng ta hôm nay, lại gắn chặt với sự khai sinh ra hệ thống tư bản. Bình đẳng trước pháp luật là cơ sở thiết yếu cho sự vận hành trơn tru của trao đổi hàng hóa và của toàn bộ hệ thống tư bản.

Nhiều nội dung trong luật hiện đại, bao gồm cả những khái niệm về sở hữu cá nhân, có thể được truy ngược trở về những tư tưởng và nguyên tắc được thể thiện trong luật La Mã và Luật Athens cổ đại. Đó là vì sự trao đổi hàng hóa đã phát triển tới mức độ khá cao thậm chí ở những xã hội dựa trên nền kinh tế nô lệ. Nhưng cũng chính vì cơ sở kinh tế này, sự trao đổi hàng hóa và do đó hệ thống pháp lý dựa trên trao đổi hàng hóa đã không thể trở nên rộng mở ở Roma cổ đại – chẳng hạn quyền lợi hợp pháp không bao giờ áp dụng cho những người nô lệ. Sự mở rộng của trao đổi hàng hóa đặc trưng cho chủ nghĩa tư bản đã cho phép sự phát sinh của khái niệm quyền bình đẳng pháp luật tới đỉnh cao nhất.

Để cho những cá nhân gặp gỡ nhau ở thị trường mở với tư cách là những người sở hữu hợp pháp với những quyền bình đẳng, phải có những đảm bảo nhất định cần thiết cho sự an toàn và an ninh của các cá nhân và hàng hóa của họ. Không có những đảm bảo về quyền được an toàn cho cá nhân và cho sở hưu tư nhân, sự trao đổi không thể diễn ra và sản xuất hàng hóa sẽ dừng lại.

Điều này không là vấn đề gì to tát ở những ngày đầu của Athen cổ đại và giai đoạn đầu của thời kỳ phong kiến bởi vì trao đổi hàng hóa là tương đối hiếm và rất cục bộ. Nhưng khi lực lượng sản xuất phát triển và sản phấm thặng dư đã được sản xuất ra một cách thường xuyên, sản xuất hàng hóa trở thành một hiện tượng phổ biến hơn. Khi những hạt giống của nền kinh tế trao đổi đâm rễ, vũ lực (hoặc đe dọa vũ lực) phải được sử dụng bởi những người giàu có và quyền lực để đảm bảo quyền của những người tham gia trao đổi mà nếu thiếu họ sản xuất hàng hóa không thể tiếp diễn. Chẳng hạn, khi trao đổi hàng hóa phát triển, những địa chủ phong kiến phải đảm bảo an toàn cho quá trình trao đổi diễn ra ở những khu chợ thuộc mảnh đất của họ.

Ví dụ, tại những hội chợ thương mại quốc tế bắt đầu diễn ra ở Tây Âu từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 15, những người cai trị ở địa phương đảm bảo cho những thương nhân sự an toàn khi qua lại hội chợ. Dưới đây là tuyên bố vào năm 1349 của người trị vì vùng Champagne, một khu vực ở nước Pháp hiện nay, liên quan tới hội chợ:

“Tất cả những đoàn thương nhân và những thương nhân đơn lẻ … sẽ an toàn khi đến, khi ở lại, và khi rời đi, họ, hàng hóa của họ, người dẫn đường của họ nằm trong quy tắc ứng xử đảm bảo an toàn của Hội chợ mà theo đó Chúng tôi giữ và tiếp nhận họ từ giờ trở đi, cùng với hàng hóa và sản phẩm của họ, sẽ không bị tịch thu, bắt giữ hay ngăn cản bởi những người không phải là những bảo vệ của hội chợ…”

Thế nhưng, ở một xã hội mà trao đổi hàng hóa đóng vai trò ngày càng quan trọng và ngày càng trở nên phổ biến, sử dụng vũ lực để đảm bảo an toàn cho những giao dịch trao đổi là vai trò không thể thực hiện bởi bất cứ bên tham gia giao dịch nào.

Đó là vì nếu như một nhà tư bản nào đó vừa là người trao đổi vừa là người đảm bảo cho sự an toàn của đối tác tham gia trao đổi của anh ta, thì việc đe dọa sử dụng vũ lực bởi nhà tư bản này sẽ làm biến dạng mối quan hệ giữa hai bên tham gia giao dịch – sự bình đẳng giữa họ bị đảo lộn. Nếu cả hai nhà tư bản đều sử dụng vũ lực để đảm bảo cho giao dịch, có lẽ họ đã làm vậy ở thời kỳ tiền tư bản, thì trao đổi không còn dựa trên giá trị trao đổi của hàng hóa nữa, mà dựa trên sức mạnh tương đối giữa các nhà tư bản khác nhau. Rõ ràng là, nếu muốn trao đổi hàng hóa hoạt động đúng nghĩa thì bạo lực, ít nhất là trên lý thuyết, không thể có mặt trong phương trình.

Kết quả là, quyền lực nhằm đảm bảo an toàn cho những nhà tư bản tham gia vào quá trình trao đổi hàng hóa phải là quyền lực công cộng, độc lập với bất cứ nhà tư bản cụ thể nào, nhưng vẫn vì lợi ích giai cấp tư bản nói chung. Đó là vai trò của nhà nước tư sản và chức năng của nó là nhằm bảo vệ hệ thống trao đổi hàng hóa. Một tập hợp những luật lệ cần thiết để đảm bảo sự độc lập của nhà nước đó với bất kỳ một cá nhân nhà tư bản nào hoặc một nhóm các nhà tư bản và đảm bảo sự trung thành của nhà nước với hệ thống tư bản về tổng thể – những luật lệ này là luật hiến pháp.

Chủ nghĩa hợp hiến này được Lenin đề cập trong Nhà nước và Cách mạng. Ông đề cập về nhà nước hiến pháp và “cộng hòa dân chủ”. Ông nói:

“Quyền lực vô hạn của sự ‘giàu có’ trong chế độ cộng hòa dân chủ sở dĩ trở thành chắc chắn hơn, là vì nó không lệ thuộc vào một số thiếu sót của cơ cấu chính trị, vào cái vỏ chính trị xấu của chủ nghĩa tư bản. Chế độ cộng hòa dân chủ là hình thức chính trị tốt nhất có thể có được của chủ nghĩa tư bản; … tư bản xây dựng quyền lực của mình một cách vững vàng và chắc chắn đến nỗi không một sự thay đổi nhân viên, hay cơ quan, hay chính đảng nào trong nước cộng hòa dân chủ tư sản, lại có thể làm lung lay được quyền lực ấy.”(Lenin 1974, tr23)

Điều mà Lenin giải thích ở đây là chế độ cộng hòa dân chủ, hoặc một nhà nước hiến pháp, gắn chặt chủ nghĩa tư bản vào nền móng của nhà nước – vào mọi luật lệ mà nó vận hành. Đó là vì, như giải thích ở trên, nó dựa trên cơ sở trao đổi hàng hóa và quyền bình đẳng về pháp lý giữa các cá nhân. Một khi nó đã được thiết lập, các chính đảng, con người và các thể chế có thể xuất hiện hoặc biến mất nhưng chúng sẽ bị ràng buộc bởi luật hiến pháp của nền “cộng hòa dân chủ”, nghĩa là luật pháp của hệ thống tư bản. Đó chính là lý do tại sao Lenin nói nhà nước là “vỏ bọc chính trị tốt nhất có thể có được của chế độ tư bản”.

Giống như mọi thứ khác, nó có hạn chế nhất định, bởi vì có những lúc dưới chế độ tư bản giai cấp thống trị phải nhờ vào những biện pháp vi hiến để giữ quyền lực cho bản thân nó, chẳng hạn những chế độ phát-xít ở thế kỷ 20, và những chính phủ kỹ trị được thiết lập ở Ý và Hy Lạp sau cuộc suy thoái của tư bản năm 2008.

Hơn nữa, vào thời kỳ khủng hoảng, khi lợi ích của tư sản dân tộc không còn được đảm bảo thông qua ‘Pháp trị’, chiến tranh nổ ra hòng thiết lập một trật tự mới, như Thế chiến I Thế chiến II. Trong giai đoạn trỗi dậy của chủ nghĩa đế cuộc cái gọi là ‘Pháp trị’ không áp dụng cho những người dân thuộc địa, của cải của họ bị tước đoạt trên cơ sở trao đổi không bình đẳng, điều đó dẫn tới sự cần thiết phải sử dụng “tổ chức vũ trang” phục vụ nhà nước đế quốc.

Ở Anh, giai cấp thống trị giữ lại nền quân chủ như một sự bảo vệ hiến pháp phi dân chủ để đối phó với tình huống cách mạng có thể phát sinh.

Thế nhưng, chính phủ kỹ trị, phát-xít và tàn dư phong kiến là ngoại lệ, trong khi đó quy luật phổ quát của nền dân chủ tư sản và của chủ nghĩa hợp hiến vẫn hiện hữu.

Vấn đề là luật hiến pháp và nhà nước hiến pháp là những hiện tượng riêng biệt cho hình thức sản xuất tư bản, mặc dù đặc trưng của nó có thể thấy ở cả những hình thức sản xuất cũ hơn (Athen cổ đại, chẳng hạn) khi mà trao đổi hàng hóa đã phát triển tới một mức độ nhất định. Khái niệm sở hữu tư nhân như một quyền hợp pháp là một phần trong nền tảng của xã hội tư bản. Trên nền tảng này bộ khung pháp lý được xây dựng nên để nhào nặn bộ máy nhà nước quý tộc và phong kiến cũ thành bộ máy nhà nước tư sản mới. Chức năng của nhà nước như một công cụ của giai cấp sở hữu nhằm áp bức giai cấp không sở hữu là vẫn không thay đổi, nhưng hình thức chính xác của nó được trau chuốt và hoàn bị cho phù hợp với nhu cầu của giai cấp tư sản.

Xã hội chủ nghĩa và hiến pháp

Tất cả những điều trên có ý nghĩa thế nào đối với vấn đề đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội? Trong khi có thể là sự thật khi ở đâu đó, chúng ta có thể khai thác lỗ hổng trong hệ thống hiến pháp tư sản để dành chiến thắng cho công nhân, những người Marxist phải nhớ rằng nhà nước tư sản đã được thiết kế kiên cố để chống lại lợi ích của giai cấp công nhân. Dựa trên những hiểu biết về Công xã Pari năm 1871, Marx và Engels đã giải thích rằng nhiệm vụ của cách mạng xã hội chủ nghĩa là đập tan hoàn toàn bộ máy nhà nước tư sản, không để lại một vết tích nào của những thể chế nhà nước cũ. Điều này làm cho cách mạng xã hội khác biệt với mọi cuộc cách mạng trước đó, những cuộc cách mạng mà chỉ đơn giản trau chuốt bộ máy nhà nước đã tồn tại.

Vấn đề nảy sinh là nhà nước dưới chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ giống như thế nào? Có hiến pháp không? Luật hiến pháp sẽ như thế nào? Luật pháp nói chung sẽ ra sao?

Cách mạng Nga năm 1917 thiết lập nhà nước của giai cấp vô sản đầu tiên trên thế giới. Giống như mọi nhà nước, nhà nước Xô-viết là một công cụ áp bức giai cấp. Nhưng không giống như tất cả các nhà nước trước đó, nhà nước Xô-viết là vũ khí của quần chúng bị áp bức để trấn áp bộ phận bé nhỏ của quý tộc và tư bản những kẻ muốn áp bức họ, chứ không phải thế khác.

Năm 1918 hiến pháp của Cộng hòa Xã hội Liên bang Xô-viết Nga được thông qua. Sau này nó trở thành kiểu mẫu cho hiến pháp của Liên Xô. Đó là văn bản mô tả một cách công khai cơ sở giai cấp của nhà nước, không hề dựa vào ngôn từ pháp lý không thể hiểu nổi hay vào những trang trí pháp lý hoa mỹ. Nó giải thích rằng quyền lực của đất nước là dựa vào công nhân và nông dân Nga, thể hiện thông qua những Xô-viết (ủy ban công nhân), và rằng giai cấp thống trị cũ và những kẻ đã ủng hộ Bạch Vệ trong cuộc Nội chiến Nga bị từ chối tiếp cận tới quyền lực chính trị.

Nó cho chúng ta một ý tưởng về nhà nước và luật hiến pháp dưới chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ ra sao, ít nhất ban đầu là như vậy. Nhà nước vô sản sẽ không phải là phiên bản cải cách của nhà nước tư bản. Giai cấp công nhân sẽ không đơn thuần bám vào cấu trúc đại nghị và luật tư sản và sử dụng chúng vì những mục đích riêng của nó. Thay vào đó, giai cấp công nhân sẽ phát triển và sử dụng phương pháp riêng của mình mà thông qua đó khẳng định quyền lực chính trị và kiểm soát xã hội, ví dụ như thông qua những xô-viết: tức là những ủy ban của những đại biểu công nhân được lựa chọn.

Luật hiến pháp chi phối nhà nước như vậy sẽ không dựa trên cơ sở công bằng giả tạo, và sẽ không hư cấu ra cái bình đẳng trước pháp luật trừu tượng. Khi những người nắm quyền lực nhà nước là tuyệt đại đa số của xã hội, họ không cần phải có những sự lừa dối như vậy để khiến nhân dân không biết gì về vai trò thực sự của nhà nước. Những luật gia tư sản thích câu ‘công lý là mù lòa’. Nhưng dưới hiến pháp xã hội chủ nghĩa công lý sẽ mở to mắt, và sẽ tìm cách bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân. Hiến pháp như vậy sẽ mô tả một cách dễ hiểu và công khai về quan hệ giữa các giai cấp đang tồn tại.

Tất cả luật pháp, kể cả luật hiến pháp, là sự phản chiếu của những lực lượng giai cấp có thực đang vận động trong xã hội. Sự khác biệt giữa luật tư sản và hiến pháp đầu tiên của Liên Xô là cái trước cố gắng che dấu thực tế này, trong khi đó cái sau công khai thừa nhận nó. Cuối cùng Liên Xô tha hoá thành chế độ độc tài quan liêu, không phải vì những khiếm khuyết trong hiến pháp đầu tiên của nó, mà bởi vì sự cân bằng giữa lực lượng giai cấp bên trong nước Nga và lực lượng giai cấp quốc tế. Sự cô lập của cách mạng trong những điều kiện cực kỳ lạc hậu, có nghĩa là sự kiệt sức của những bộ phận tiên tiến nhất của giai cấp công nhân, và kéo nhà nước theo hướng méo mó, quan liêu mà không thể ngăn cản nổi.

Có thể đo được mức độ mà Liên Xô tha hoá dưới thời Stalin bằng cách nhìn vào hiến pháp năm 1936, hiến pháp mà Trotsky đã phê phán trong cuốn sách Cuộc Cách mạng bị phản bội. Hiến pháp này đã loại bỏ các Xô-viết khỏi cơ quan của chính phủ và thay vào đó củng cố vị trí độc đoán của bộ máy tập trung quan liêu. Thay vì mô tả một cách dễ hiểu về những quan hệ đang tồn tại giữa nhân dân và những thể chế ở Liên Xô, hiến pháp này chấp thuận những phương pháp của những luật gia tư sản bằng cách che đậy bản thân nó trong những ngôn từ khoa trương để mang lại một ấn tượng triệt để, dân chủ và tự do, trong khi thực tế nó thực ra là sự củng cố của cuộc phản cách mạng của bọn quan liêu.

Chủ nghĩa xã hội sẽ như thế nào?

Nhà nước, trong chừng mực mà nó tồn tại dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, sẽ cần những luật hiến pháp mà theo đó nó có thể vận hành trong xã hội xã hội chủ nghĩa. Nhưng hình thức mà những luật này định hình, và đặc biệt ở chỗ cách thức mà nó được thực thi, sẽ khác biệt một cách căn bản với luật hiến pháp mà chúng ta có hôm nay.

Những cá nhân thi hành quyền hiến định của họ chống nhà nước thông qua các tòa án là dấu hiệu tiêu biểu của một hệ thống mà nhà nước tách biệt và đứng trên xã hội – phán quyết xã hội thay vì là một phần cấu thành nên xã hội. Một nhà nước xã hội chủ nghĩa, trái lại, sẽ là hệ thống quản trị mà tuyệt đại đa số nhân dân trực tiếp hằng ngày tham gia vào, thông qua các ủy ban công nhân ở địa phương, ở công xưởng và ở làng xã. Luật hiến pháp chi phối những cấu trúc nhà nước này sẽ không phải là những bộ luật trừu tượng, áp đặt trừ bên trên, mà mà những hướng dẫn sống động được định hình và vận dụng bởi quần chúng nhân dân để giúp họ thực hiện những chức năng quản trị của nhà nước.

Sau cùng, cơ sở kinh tế của nhà nước xã hội chủ nghĩa chứ đựng những hạt giống cho sự tiêu vong của chính nó. Sự khác biệt giữa ai là người sở hữu phương tiện sản xuất và ai là người làm việc với những phương tiện sản xuất sẽ biến mất thông qua sự kiểm soát và quản lý kinh tế của công nhân, những khác biệt giai cấp trong xã hội về tổng thể cũng sẽ biến mất. Khi không có phân biệt giai cấp, không cần có sự tồn tại của nhà nước – những tổ chức vũ trang – để kiểm soát nhân dân: tất cả những gì cần là những tổ chức quản trị mọi thứ. Bản thân nhà nước và tất cả bộ khung pháp lý của nó sẽ tan biến vào cấu trúc sống động của một xã hội mà không còn phân chia giai cấp. Tất cả quyền sẽ được tôn trọng thông qua sức ép xã hội, quy tắc văn hóa và những cơ chế khác cấu thành xã hội, chứ không thông qua những tổ chức vũ trang thống trị xã hội.

Dưới hệ thống như vậy chúng ta không cần nâng cái mạng che pháp lý để phơi bày luật hiến pháp là cái màn khói của một bộ máy nhà nước áp bức, như chúng ta thấy hôm nay. Thay vào đó chúng ta có thể sống như những con người tự do và như những tổ chức tự quản, có ý thức đầy đủ về xã hội vận hành như thế nào và có thể góp phần làm chủ cuộc đời của chính chúng ta.

Tham khảo

Lenin, V. I. 1974. Nhà nước và cách mạng. Mát-xcơ-va: NXB Tiến bộ.

Join us

If you want more information about joining the IMT, fill in this form. We will get back to you as soon as possible.