CHỦ NGHĨA MARX VS CHÍNH TRỊ BẢN SẮC (PHẦN III)

Trong bất kỳ bài viết và bài phát biểu nào của các tín đồ trực tiếp của “Giao thoa”, người ta hiếm khi tìm thấy bất kỳ đề cập nào về giai cấp, ít hơn nữa là giai cấp công nhân.


Trong những khoảnh khắc hiếm hoi khi giai cấp được đề cập tới, nó không được thể hiện theo cách của chủ nghĩa Marx, mà như một hình thức của sự phân biệt đối xử ( “chủ nghĩa giai cấp”) - chỉ là một trong những thứ không quan trọng lắm. Giai cấp công nhân không còn là người sản xuất của cải, bị bóc lột trong quá trình sản xuất, mà chỉ là một loại người “bị phân biệt đối xử”: một điều đáng buồn khác của những người cánh tả đã hoàn toàn từ bỏ quan điểm của chủ nghĩa cộng sản và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Thay vì tìm kiếm gốc rễ của sự áp bức trong xã hội có giai cấp và dưới chủ nghĩa tư bản, trong sự thống trị về kinh tế của các chủ ngân hàng và các nhà tư bản, những người “giao thoa” cố gắng tìm kiếm nó trong hành vi xã hội của con người và ngôn ngữ họ sử dụng. Theo quan điểm của họ, sự áp bức của phụ nữ ngày nay không phải là kết quả của chế độ nô lệ tiền lương tư bản, mà là kết quả của việc sử dụng ngôn ngữ phân biệt đối xử hoặc là cấu trúc phân biệt đối xử trong các tổ chức.

Ở các nước cựu thuộc địa, do sự phá sản tư tưởng của chủ nghĩa Stalin, các nhóm hoặc khuynh hướng khác nhau đã tìm kiếm, sau thắng lợi của các cuộc cách mạng ở Trung Quốc và Cuba, một hình thức mới, độc đáo hơn, bên ngoài “Marxist chính thống”, một thứ triết học giải phóng mới. Lý lẽ mà triết học này viện dẫn là chìa khóa để giải phóng ở các quốc gia cựu thuộc địa là sự loại bỏ tư tưởng và ngôn ngữ của thế giới quan phương tây, do đó dẫn tới sự phân rã về tri thức luận và tư tưởng phi thực dân hóa. Đây sẽ là cơ sở để hiểu lịch sử của các quốc gia này theo cách 'độc đáo', và sẽ bắt đầu giải phóng họ. Tư tưởng cải cách và phản động này kêu gọi chúng ta, không phải là chiến đấu chống lại giai cấp tư sản và các hình thức bóc lột tàn bạo của nó, mà để tìm ra, trên ngôn ngữ nhận thức luận, là những cách mới để tiến về phía trước.

Từ quan điểm này, những gì được yêu cầu không phải là một cuộc cách mạng nhằm tái thiết triệt để nền tảng xã hội, mà là sự cải cách và thay đổi tâm lý và hành vi của mọi người. Mục đích không phải là để thay đổi xã hội mà là để phấn đấu cho sự tự hoàn thiện của cá nhân về mặt lý thuyết - bất chấp thực tế là chừng nào chủ nghĩa tư bản còn tiếp tục, thì sự áp bức và bóc lột vẫn còn.

Đảng cách mạng là một công cụ để giai cấp công nhân nắm lấy quyền lực và biến đổi xã hội. Nó không phải là một bản sao thu nhỏ của xã hội mới, mà là chất xúc tác để tạo ra nó. Do đó mà chúng ta chống lại bất kỳ biểu hiện áp bức nào trong hàng ngũ và trong hoạt động chính trị của chúng ta. Tuy nhiên, những người giao thoa lại tưởng tượng rằng họ có thể xây dựng một tổ chức thuần túy được thanh lọc khỏi những hành vi phân biệt đối xử, có khả năng tạo ra một xã hội không còn sự phân biệt đối xử. Họ không hiểu rằng bất kỳ tổ chức nào cũng sẽ chịu áp lực từ xã hội nơi nó được xây dựng. Ví dụ, sự áp bức của phụ nữ dưới chủ nghĩa tư bản khiến chúng ta khó có thể có sự đại diện bình đẳng giữa nam và nữ trong hầu hết các tổ chức miễn là chủ nghĩa tư bản còn tồn tại. Chúng ta phải xóa bỏ mọi rào cản để phụ nữ và các nhóm bị áp bức khác tham gia, nhưng chúng ta không thể xóa bỏ áp lực của xã hội có giai cấp chừng nào mà chính xã hội có giai cấp còn tồn tại. Những người giao thoa cuối cùng tập trung toàn bộ sức lực của họ để xây dựng một nguyên mẫu không tưởng của xã hội tương lai trong giới hạn của cái cũ, thay vì xây dựng tổ chức thực sự có thể chấm dứt xã hội này và hành vi phân biệt đối xử của nó. Quan niệm duy tâm này là sự phủ định hoàn toàn quan điểm duy vật và biện chứng về xã hội, nó cũng được tìm thấy chính mình trong những hình thức “cải cách” mà các bộ phận của phong trào này đưa ra như: “Ngôn ngữ trung lập về giới tính”, “Sự trung lập giới tính trong nuôi dạy trẻ em” v.v. Gốc rễ của sự áp bức được tìm thấy trong những ý tưởng tồi tệ có thể đơn giản được “tránh xa bởi người có giáo dục”, một quan niệm hoàn toàn cải lương và không tưởng.

“Các trường phái nữ quyền có khác biệt”?

Trong vài năm qua, chúng ta đã chứng kiến ​​các phong trào quần chúng chống lại áp bức và phân biệt đối xử ở một số quốc gia. Từ phong trào Người da đen đáng được sống (Black Lives Matter), ban đầu để chống lại việc cảnh sát giết chết thanh niên da đen, đến cuộc trưng cầu dân ý về đồng giới ở Ireland, phong trào bảo vệ quyền phá thai ở Ba Lan và phong trào chống bạo lực đối với phụ nữ ở Argentina, Mexico và các quốc gia khác. Những phong trào này phản ánh một tinh thần tiến bộ mà chúng ta phải kết nối bởi chúng chứa đựng những yếu tố thách thức lại toàn bộ hệ thống.

Tại Tây Ban Nha, cuộc đình công ngày 8 tháng 3 và phong trào chống lại những băng đảng hiếp dâm LaLa Manada (bầy sói) thu hút hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người, đã diễn ra dưới danh nghĩa nữ quyền. Trong mắt quần chúng, từ này mang ý nghĩa là cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng của phụ nữ. Trong khi đó các nhà lãnh đạo của các tổ chức kêu gọi “cuộc đấu tranh cho nữ quyền” ngày 8 tháng 3 năm 2014 lại là những người nữ quyền theo nghĩa là trung thành với thuyết nữ quyền. Họ cho rằng cuộc đấu tranh vì sự giải phóng phụ nữ phải là “đường ngang” ( tức là cắt ngang qua đường giai cấp và chính trị), rằng đàn ông có thể là những “đồng minh” tốt nhất của họ nhưng không nên tham gia vào cuộc đình công mà thay vào đó vai trò hàng đầu của họ là thay thế phụ nữ đình công tại nơi làm việc của họ. Ngoài ra, họ thúc đẩy ý tưởng rằng việc bóc lột phụ nữ dưới chế độ tư bản diễn ra trong quá trình tái sản xuất sức lao động và do đó chúng ta nên đấu tranh để đòi tiền lương cho công việc gia đình. Khi phong trào trở thành một phong trào quần chúng, hầu hết những người tham gia sẽ không quan tâm nhiều tới những ý tưởng này.

Trong hoàn cảnh này, một số đồng chí đã đưa ra ý tưởng rằng chúng ta nên chấp nhận từ “nữ quyền” và mô tả bản thân như vậy. Chúng tôi không cho rằng điều này là chính xác hay cần thiết. Tất nhiên, đó sẽ là một sai lầm chính trị nghiêm trọng khi bắt đầu sự tranh luận của chúng ta trong bài viết hay trong sự can thiệp của chúng ta bằng một cuộc bút chiến về ngữ nghĩa của từ “nữ quyền”. Điều chúng ta cần làm, như bất kỳ sự can thiệp nào vào một phong trào quần chúng, là tranh thủ các khía cạnh tiến bộ và cách mạng nhất của nó và đề xuất, theo hướng tích cực chương trình và chiến lược của chúng ta. Chúng ta phải tranh luận, một cách đồng cảm, chống lại những ý tưởng sai trái và phản tác dụng được đưa ra bởi các nhà lãnh đạo của phong trào, trong khi kết nối với tinh thần cách mạng để truyền cảm hứng cho hàng ngũ của nó. Đây là những gì chúng tôi đã làm cho đến nay ở Mexico, ở Ý (nơi có một phong trào quần chúng vào 8 tháng 3 năm 2017) và cả ở Tây Ban Nha.

Nhiều thanh niên nam cũng như nữ tự gọi mình là nữ quyền mà không thực sự là vậy theo quan điểm của chủ nghĩa Marx. Họ đang bắt đầu nhận ra sự bất bình đẳng trong xã hội và do đó tự gọi mình là nữ quyền theo nghĩa chống lại sự áp bức với phụ nữ và mong muốn về một xã hội bình đẳng. Đó có thể là điểm khởi đầu để hướng tới những tư tưởng Marxist cách mạng.

Các nhà nữ quyền thường đổ lỗi cho “chế độ gia trưởng” đối với hầu hết các vấn đề trong xã hội. Đúng là sự nô lệ với phụ nữ là hình thức nô lệ lâu đời nhất, xuất hiện cùng với sự thống trị của giai cấp và đã tồn tại hàng ngàn năm. Chỉ có một sự tái thiết lại nền tảng của xã hội mới có thể chấm dứt chế độ nô lệ ghê tởm này một lần và cho mãi mãi. Nhưng một sự thay đổi nền tảng như vậy chỉ có thể đạt được đưa thông qua cuộc vận động cách mạng của giai cấp công nhân được thống nhất. Điều đó bao hàm sự thống nhất trong hành động của cả đàn ông và phụ nữ thuộc giai cấp công nhân, cùng đấu tranh cho sự giải phóng chính mình trên cơ sở giai cấp. Các nhà nữ quyền có xu hướng coi chế độ phụ hệ là một cấu trúc tách biệt với xã hội giai cấp, dẫn đến kết luận tất yếu rằng cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ tách biệt với việc giải phóng giai cấp công nhân. Đây là một ý tưởng phản động và gây chia rẽ, nó cũng có mặt, mặc dù loãng hơn, trong nhiều người tự gọi mình là nữ quyền Marxist và nữ quyền xã hội chủ nghĩa.

Sự giải phóng hoàn toàn phụ nữ chỉ có thể đạt được bằng một cuộc cách mạng xã hội, sẽ xóa bỏ nền tảng bóc lột mà sự áp bức với phụ nữ dựa vào. Điều đó có đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ bỏ qua cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ của phụ nữ ngay dưới chế độ tư bản? Dĩ nhiên là không! Chúng ta sẽ chiến đấu chống lại những biểu hiện nhỏ nhất của sự phân biệt đối xử và sự áp bức với phụ nữ. Đó là điều kiện tiên quyết để thực sự đoàn kết toàn thể công nhân.

Có lúc người ta lập luận rằng nữ quyền cũng có những trường phái tư tưởng khác nhau, và điều này là hiển nhiên. Cũng như có vô số nhóm vô chính phủ khác nhau, và một số gần với chủ nghĩa Marx hơn những nhóm khác. Nhưng điều đó không thay đổi thực tế rằng có một ranh giới phân chia rõ ràng giữa chủ nghĩa Marx chân chính và chủ nghĩa vô chính phủ.

Mặc dù có nhiều nhóm vô chính phủ khác nhau, nhưng tất cả chúng đều có cùng một định kiến, ở mức độ này hay mức độ khác. Để thu hút được những người vô chính phủ tiến gần tới chủ nghĩa cộng sản thì không phải là giả vờ rằng những khác biệt này không tồn tại, hoặc nói với những người vô chính phủ: “Bạn thấy đấy! Tất cả chúng ta đang thực sự chiến đấu vì cùng một điều!” Hoàn toàn ngược lại; cách để xua tan những nhầm lẫn của một người vô chính phủ trung thực là giải thích sự khác biệt giữa những ý tưởng lẫn lộn và không khoa học của chủ nghĩa vô chính phủ và những ý tưởng khoa học, rõ ràng của chủ nghĩa Marx cách mạng.

Trong cách mạng Nga, một số người tự mô tả mình là “cộng sản vô chính phủ” như là kết quả từ kinh nghiệm của Cách mạng, khi các phần tử vô sản tốt nhất trong số những người vô chính phủ đã tiến tới gần hơn với chủ nghĩa Bôn-sê-vích và sát cánh cùng những người Bolshevik trong cả cuộc cách mạng và Nội chiến. Nhiều người trong số họ đã tham gia Đảng Cộng sản. Xu hướng của “cộng sản - vô chính phủ” đại diện cho một kiểu nhà tạm hoặc một giai đoạn chuyển tiếp trong sự vận động hướng tới chủ nghĩa cộng sản. Tương tự, có thể có trường hợp một số nhóm nữ quyền tiến bộ hơn so với số còn lại. Nhưng để giải phóng hoàn toàn phụ nữ những người Marxist phải chiến đấu bằng mọi phương cách của chính chúng ta.

Người ta có thể hỏi rằng chủ nghĩa nữ quyền là gì? Đây là một câu hỏi mà khó có câu trả lời chính xác dù xác định trên cơ sở nào. Nó là một thuật ngữ được sử dụng bởi cả những người bảo thủ và những người tự do, những người cấp tiến và cả cánh tả. Nó được sử dụng để ủng hộ cuộc xâm lược Afghanistan với lý do là bảo vệ quyền của phụ nữ, cùng lúc đó những người muốn đấu tranh cho sự bình đẳng và giải phóng loài người cũng sử dụng nó. Trên thực tế, ngay ở Tây Ban Nha, đảng cầm quyền cánh hữu cũng đã sử dụng ruy băng nữ quyền màu tím vào ngày 8 tháng 3 để cho thấy họ “cũng là nữ quyền”! Từ điển Oxford định nghĩa nó như sau: “Sự ủng hộ tích cực quyền của phụ nữ trên cơ sở là sự bình đẳng giữa hai giới”. Định nghĩa đó cho thấy vấn đề trọng tâm của thuật ngữ: Hoàn toàn không nói gì tới góc độ giai cấp. Có lẽ chủ nghĩa nữ quyền có thể được định nghĩa tốt nhất bởi những gì không phải là nó: Nó không đưa ra bất kỳ câu trả lời nào cho việc áp bức từ đâu mà sinh ra và do đó làm thế nào nó có thể được chống lại và loại bỏ nó. Tất cả các nhóm nữ quyền khác nhau có câu trả lời của riêng họ, nếu họ thực sự có. Chủ nghĩa nữ quyền gợi ý rằng bằng cách nào đó có thể loại bỏ sự áp bức của phụ nữ trước khi loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của sự áp bức này: chủ nghĩa tư bản và xã hội giai cấp nói chung. Thay vì làm rõ, nó làm mờ nhạt đi các dòng giai cấp. Tất cả các nhóm nữ quyền khác nhau chỉ nhìn vào các triệu chứng và không phải là nguyên nhân gốc rễ. Là những người theo chủ nghĩa Marx, chúng ta phải làm sao. Chúng ta cần một ranh giới rõ ràng để phân định với nữ quyền. Không phải là chúng tôi không đấu tranh cho quyền của phụ nữ trên cơ sở của bình đẳng giới, điều mà tất nhiên chúng tôi vẫn làm, mà bởi vì ngay cả những phần nữ quyền “tốt nhất” cũng chỉ tạo ra sự nhầm lẫn và cảm giác thống nhất sai lầm giữa các dòng giai cấp. Do đó, thật vô nghĩa khi tuyên bố mình là nữ quyền Marxist. Trên thực tế, nó lập tức phản tác dụng và không giúp cho những chiến binh trẻ trung thực, những người tự gọi mình là nữ quyền, tìm ra câu trả lời cho mình. Ngược lại, chúng ta phải giải thích một cách cởi mở rằng tại sao chúng ta không phải là nữ quyền, như một phương tiện để giúp những người này trên đường đến với chủ nghĩa Marx và để không tạo ra một cầu nối cho tư tưởng tiểu tư sản, phi giai cấp và chủ nghĩa duy tâm triết học đi vào hàng ngũ của những người Marxist.

Mặc dù chúng ta không thể tuyên bố mình là nữ quyền, chúng ta không được tạo ấn tượng rằng chúng ta thờ ơ trước tâm trạng phẫn nộ sâu sắc mà đa số phụ nữ thuộc tầng lớp lao động đang cảm nhận, những áp bức bất công mà họ phải chịu đựng vừa với tư cách là công nhân và vừa là phụ nữ dưới chế độ tư bản. Chúng ta cũng không nên gieo niềm tin vào ý tưởng sai lầm rằng những người Marxist đặt cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ phụ thuộc vào xã hội xã hội chủ nghĩa ở một tương lai xa xôi. Dưới biểu ngữ của nữ quyền, bất chấp mọi mâu thuẫn và hạn chế của nó, một thế hệ mới của những phụ nữ đang lao mình vào cuộc đấu tranh chống lại hiện trạng. Hoàn cảnh cụ thể này cho chúng ta thấy một tiềm năng cách mạng, chúng ta cần thiết phải liên kết sự áp bức lâu đời của phụ nữ với các điều kiện cụ thể của thời đại suy đồi của tư bản ngày nay.

Tương tự như vậy, khi làm việc như một nhà cách mạng trong các công đoàn, chúng ta vừa phải tham gia vào các cuộc đấu tranh ngày qua ngày của các công nhân, vừa đồng thời yêu cầu các công đoàn đấu tranh cho các chính sách xã hội chủ nghĩa. Theo cùng một cách chúng ta phải tham gia vào những phong trào quần chúng của phụ nữ, cố gắng tạo cho nó một tính chiến đấu nhất và liên kết các yêu cầu trước mắt với nhu cầu thay đổi nền tảng xã hội. Nghĩa vụ của chúng ta là bắc cầu nối những khát vọng dân chủ của phụ nữ và cuộc đấu tranh vì bình đẳng của họ với ý tưởng về một cuộc đấu tranh chung của toàn thể công nhân chống lại một hệ thống áp bức, nhấn mạnh sự cần thiết phải kết liễu chủ nghĩa tư bản, chế độ đã luôn tìm cách chia rẽ giai cấp bị áp bức để duy trì sự thống trị của nó.

Bằng cách nói bạn là một người “nữ quyền Marxist” bạn cuối cùng ngụ ý rằng chủ nghĩa Marx không bao hàm cuộc đấu tranh cho sự bình đẳng. Đúng là chủ nghĩa Stalin đã không làm vậy. Nhưng cũng giống như chúng ta đã chiến đấu chống lại chủ nghĩa Stalin để đòi lại di sản của chủ nghĩa Marx, chúng ta phải làm như vậy trong lĩnh vực này. Chúng tôi cho rằng chủ nghĩa Stalin không phải là chủ nghĩa Marx, và chế độ quan liêu của Stalin không phải là Chủ nghĩa xã hội, và theo cách tương tự, chúng ta phải nói rõ ràng rằng quan điểm của Stalin về phụ nữ, đồng tính luyến ái v.v. không có gì trùng hợp với chủ nghĩa Marx.

Theo định nghĩa, phạm trù “Phụ nữ” bao gồm phụ nữ thuộc mọi tầng lớp - những tầng lớp trong đó có lợi ích không thể hòa giải. Vì Nữ quyền làm mờ đi sự phân biệt giai cấp và mâu thuẫn quyết định trong đó, nó không thể hòa hợp được với chủ nghĩa Marx, khởi đầu từ phân tích giai cấp. Nếu chúng ta muốn thu hút các nhà nữ quyền hướng tới chủ nghĩa Marx, chúng ta chỉ có thể làm điều này một cách vững chắc trên cơ sở các nguyên tắc của chúng ta. Chúng ta phải nhấn mạnh nhiều lần rằng sự giải phóng hoàn toàn của phụ nữ chỉ có thể đạt được thông qua sự đoàn kết giai cấp và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Có những người tự gọi mình là nữ quyền vì họ bảo vệ quyền của phụ nữ. Các nhà Marxist cũng bảo vệ quyền của phụ nữ, mặc dù chúng ta không phải là nữ quyền. Trong mọi trường hợp, chúng ta cần giải thích một cách nhất quán rằng chúng ta không phản đối cuộc đấu tranh của họ, hoàn toàn ngược lại, chúng ta ủng hộ quyền của phụ nữ, nhưng điều đó chỉ có thể đạt được thông qua cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản, không phải bằng cách chia rẽ. Đồng thời, chúng ta phải đi đầu trong mọi cuộc đấu tranh chống phân biệt đối xử và bất bình đẳng, đấu tranh cho ngay cả nhu cầu nhỏ nhất có xu hướng thúc đẩy sự bình đẳng và phản đối bất kỳ hình thức áp bức hoặc phân biệt đối xử nào, ví dụ như:

- Mọi việc làm được trả mức lương ngang nhau cho những công việc có giá trị như nhau.

- Chấm dứt thắt lưng buộc bụng ( với phụ nữ bị thiệt thòi hơn bởi sự cắt giảm tiền lương và gia tăng gánh nặng việc nhà, chăm sóc con cái và người già do cắt giảm các dịch vụ xã hội)

- Quyền phá thai

- Chăm sóc sức khỏe miễn phí, chất lượng cho tất cả mọi người, bao gồm quyền tiếp cận không hạn chế, miễn phí với kế hoạch hóa gia đình, phá thai và chống bạo lực gia đình

- Nghỉ phép đầy đủ cho người cha và người mẹ

- Chương trình xây dựng nhà ở xã hội

- Một mạng lưới rộng khắp các nhà trẻ miễn phí và chất lượng cao, bao phủ giờ làm việc thực tế

- Chăm sóc người già miễn phí và chất lượng cao, cả cho người có nơi cư trú và vô gia cư

- Cung cấp dịch vụ ăn uống và giặt là miễn phí

- Căng tin tại nơi làm việc và trong trường học miễn phí, chất lượng cao

- Phản đối và chống lại bạo lực đối với phụ nữ

Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết cho một cuộc đấu tranh thành công tại nơi làm việc là sự thống nhất giữa nam và nữ công nhân với tư cách là công nhân . Sự phân tích xã hội trên cơ sở giai cấp chứ không phải về giới tính là ranh giới cơ bản để phân định chủ nghĩa Marx và sự phân chia cơ bản nhất trong xã hội là giữa nhà tư bản và công nhân, kẻ bóc lột và người bị bóc lột. Đúng là có những kiểu áp bức khác nữa, nhưng xét cho tới cùng không điều nào trong số này có thể được giải quyết trên cơ sở của chủ nghĩa tư bản.

Như mọi vấn đề khác (tiền lương, lương hưu, nhà ở, sức khỏe và điều kiện làm việc), cuộc đấu tranh hàng ngày để tiến lên dưới chủ nghĩa tư bản là cách duy nhất để huy động và tổ chức giai cấp công nhân chuẩn bị cho sự lật đổ chủ nghĩa tư bản, trong đó nữ công nhân tất yếu sẽ đóng một vai trò tối quan trọng.

Tất nhiên chúng tôi hoan nghênh thực tế là có những nhà nữ quyền đã bắt đầu hiểu ra những hạn chế của nữ quyền. Nhưng xu hướng tích cực này chỉ có thể có ý nghĩa khi nó là một giai đoạn chuyển tiếp mà cuối cùng sẽ dẫn tới việc áp dụng quan điểm giai cấp và cách mạng nhất quán. Sự giải phóng hoàn toàn của phụ nữ sẽ đạt được thông qua chiến thắng của cách mạng xã hội chủ nghĩa, hoặc nó sẽ là không thể.

Thuật ngữ cấp tiến

Thay vì một cuộc đấu tranh thực sự cho bình đẳng, chúng ta được đề nghị một chỉ tiêu nhân tạo. Thay vì đấu tranh giải phóng thông qua cách mạng xã hội, chúng ta được đề nghị về “chính trị đúng đắn”. Điều đó dẫn đến sự ngụy biện vô tận đối với ngôn từ và ngữ nghĩa: sự không được sử dụng từ này hoặc từ kia, sự cần thiết phải thay đổi ngôn ngữ dựa trên giới tính, v.v...

Theo tinh thần thực sự của chủ nghĩa hậu hiện đại,“Siêu tự sự” là từ ngữ thay thế cho những việc làm, thời gian vô tận đã bị lãng phí ở một số quốc gia nào đó nơi những người tự mô tả mình là “cánh tả” và thậm chí cả Marxist, những kẻ chơi trò tung hứng bằng cách vặn vẹo ngôn ngữ: trung tính hóa các hình thức chia giống cái và đực trong ngôn ngữ, mà sự kết thúc là các kiểu đột biến từ như “compañer@s” trong tiếng Tây Ban Nha, “compagn*” trong tiếng Ý, v.v. Kiểu chơi chữ này không làm gì để thúc đẩy cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ, người da đen hay bất kỳ ai khác. Đó là thứ công bằng giả tạo ( Tokenism) trong dạng thô thiển và lố bịch nhất.

Trong tư tưởng Đức, Marx và Engels đã giáng đòn quyết định vào cái ý tưởng rằng bằng cách thay đổi ý thức của các cá nhân, bạn có thể thay đổi các điều kiện vật chất và để có một cuộc cách mạng, trước tiên bạn cần phải “giáo dục” người dân:

“Cả sự tạo ra trên quy mô đại chúng của ý thức cộng sản và sự thành công của chính nó, sự thay đổi con người trên quy mô đại chúng, là một sự thay đổi chỉ có thể diễn ra trong một phong trào thực tế, một cuộc cách mạng ; do đó, cuộc cách mạng này là cần thiết, không chỉ bởi giai cấp thống trị không thể bị lật đổ bằng bất kỳ cách nào khác, mà còn bởi vì giai cấp lật đổ nó chỉ có thể thông qua một cuộc cách mạng thành công mới giải thoát chính mình khỏi mọi nhơ bẩn của quá khứ và thiết lập nên một xã hội mới.”

Nỗi ám ảnh của chủ nghĩa hậu hiện đại với ngôn từ khiến toàn bộ vấn đề bị đảo lộn. Thay đổi ngôn ngữ sẽ không mảy may thay đổi thực trạng áp bức, cách tiếp cận như vậy hoàn toàn duy tâm. Ngôn ngữ thay đổi và phát triển, phản ánh những thay đổi trong thế giới thực chứ không phải là điều ngược lại.

Tranh cãi về ngôn từ là một xu hướng điển hình của các hội thảo đại học, nơi mọi người có thừa thời gian để dành cho những cuộc tranh luận bất tận mà không có gì là cụ thể, giống như một con chó đuổi theo cái đuôi của chính nó. Nhà thơ người Đức, Goethe đã từng viết: “Cái khởi đầu là hành động”. Để giải phóng phụ nữ điều cần thiết là hành động để chống lại áp bức và phân biệt đối xử. Điều kiện tiên quyết để vận động quần chúng thành công chính là sự đoàn kết giữa phụ nữ và đàn ông thuộc giai cấp công nhân để chống lại các ông chủ, những kẻ duy trì sự cai trị dựa trên sự nô lệ phổ biến với toàn thể công nhân.

Có vẻ như tầng lớp tiểu tư sản “cấp tiến” luôn cần phải có một cái gì đó mới để gây ồn ào, như cái gọi là lý thuyết Queer. Đây không phải là nơi để phân tích chi tiết lý thuyết này, điều này có thể được thực hiện trong các tài liệu và bài viết riêng biệt. Chỉ cần nói rằng đây là một khái niệm phản động triệt để bắt nguồn từ chủ nghĩa duy tâm triết học ở dạng thô thiển nhất của nó. Nó gieo những chia rẽ làm suy yếu cuộc đấu tranh chống áp bức và chắc chắn đóng vai trò phản động, bất kể ý định của những người tán thành những quan niệm này.

Chủ nghĩa Marxist dựa trên triết học duy vật - phương pháp thực sự khoa học duy nhất để phân tích tự nhiên, xã hội và hành vi của con người. Cho dù người ta có thích hay không, tình dục trong thế giới động vật (bao gồm cả con người) là một phương pháp để sinh sản bình thường. Sinh sản vô tính cũng tồn tại trong thế giới động vật, ví dụ ở giun đất và một số loài cá. Nhưng nó biến mất cùng với với sự tiến hóa và hoàn toàn vắng bóng giữa các loài động vật có vú. Tình dục không phải là thứ mà ý thức của con người tự xác định hoặc phát minh ra. Đó là một sản phẩm của sự tiến hóa. Ý tưởng rằng tình dục có thể được xác định một cách nhân tạo bởi ý muốn của con người là tùy tiện và sai lầm cả về mặt triết học và khoa học.

Sự phân chia giới tính cơ bản là giữa nam và nữ. Điều này được xác định tự nhiên bởi quá trình sinh sản, đến lượt mình điều này lại mang trong mình mầm mống của sự phân công lao động, mà ở một giai đoạn nhất định trở thành nền tảng cho sự phân chia giai cấp trong xã hội. Sự khuất phục của phụ nữ trước đàn ông, thể hiện trong quan hệ gia đình gia trưởng, trùng khớp với sự khởi đầu của xã hội giai cấp, và cuối cùng sẽ chỉ bị xóa bỏ sau khi chính xã hội đó bị xóa bỏ.

Các nhà Marxist đấu tranh cho sự giải phóng thực sự của phụ nữ và tất cả các bộ phận bị áp bức khác trong xã hội nhưng với chúng tôi thì sự giải phóng không thể đạt được chỉ bằng cách tưởng tượng rằng không có thứ gọi là giới tính. Người ta có thể tưởng tượng mình là bất cứ điều gì mình muốn. Nhưng cuối cùng, bạn vẫn phải chấp nhận hiện thực vật chất trên những khúc quanh tinh thần của chủ nghĩa duy tâm triết học.

Trong vô số các biến thể kỳ lạ và tuyệt vời của lý thuyết Queer (chúng ta không nên thực sự coi đây là một lý thuyết), dường như có một chủ đề chung: đầu tiên, nó trình bày giới tính (và thậm chí cả tình dục) như một cấu trúc xã hội thuần túy, phủ nhận tất cả các khía cạnh sinh học và vật chất. Bước tiếp theo là tạo ra trong trí tưởng tượng một loạt các giới tính gần như vô tận, từ đó mọi người có thể tự do lựa chọn.

Chúng tôi không phủ nhận thực tế rằng ngoài nam và nữ còn có các hình thức trung gian, đã được biết đến từ rất lâu. Như ở Mỹ thời tiền Columbus, những người như vậy được coi là một nhóm xã hội đặc biệt và được đối xử tôn trọng. Khoa học hiện đại cho phép mọi người thay đổi giới tính của họ và điều này nên có sẵn cho bất cứ ai cần nó. Khỏi cần phải nói rằng chúng tôi hoàn toàn phản đối bất kỳ hình thức kỳ thị và không khoan dung nào đối với người chuyển giới. Chúng tôi cũng không phản đối bất cứ ai muốn tự xác định bản thân. Tuy nhiên, chúng tôi từ chối ý tưởng trình bày nó như là một phương tiện thay đổi xã hội, tức là giải phóng hoàn toàn là một câu hỏi về sự lựa chọn lối sống cá nhân.( Rất thuận tiện cho giai cấp thống trị)

Chúng ta nhận thấy những tác động tiêu cực của điều này trong sự chia rẽ đáng sợ và mối thù cay đắng giữa một số nhà nữ quyền cấp tiến và một số nhà hoạt động cho quyền của người chuyển giới. Những phát triển như vậy không thể nói là để phục vụ cuộc đấu tranh chống lại áp bức dưới bất kỳ ý nghĩa hay hình thức nào. Chúng hoàn toàn phản động và cần phải được chống lại.

“Bản sắc” trong phong trào lao động

Những người Marxist đấu tranh cho sự giải phóng phụ nữ và sẽ bảo vệ mọi biện pháp tiến bộ, dẫu chưa hoàn chỉnh nhưng có xu hướng cải thiện vị thế của phụ nữ ngay cả trong giới hạn của hệ thống tư bản hiện tại. Nhưng chúng ta sẽ tiến hành cuộc chiến đấu này bằng các phương pháp của chính mình, nghĩa là các phương pháp đấu tranh của giai cấp vô sản.

Chúng tôi chỉ ra rằng xét cho tới cùng thì sự giải phóng thực sự và đầy đủ với phụ nữ chỉ có thể được thiết lập trên cơ sở sự thay đổi tới tận gốc rễ của xã hội, nghĩa là, bằng một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Điều kiện tiên quyết cho điều này là giai cấp công nhân phải đoàn kết và có ý thức về các nhiệm vụ cách mạng của mình.

Những người Marxist lên án và đấu tranh chống lại bất kỳ loại hình áp bức hoặc phân biệt đối xử nào. Nhưng trong khi lên án và đấu tranh với áp bức và phân biệt đối xử, chúng ta không bao giờ được quên rằng mục đích chính của chúng ta là đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, và điều đó có nghĩa là bảo vệ sự thống nhất của giai cấp công nhân là trên hết. Chúng tôi đại diện cho sự thống nhất hoàn toàn của giai cấp công nhân, đứng trên mọi sự phân biệt về giới tính, dân tộc, tiếng nói hay tôn giáo. Bất cứ điều gì phục vụ để duy trì sự thống nhất của công nhân và nâng cao ý thức giai cấp của họ là sự tiến bộ. Bất cứ điều gì có xu hướng chia rẽ công nhân, dù vì điều gì, là phản động và phải được chống lại. Đây là một điểm mà chúng ta phải nhấn mạnh vào. Sự áp bức với phụ nữ - đặc biệt là với phụ nữ thuộc giai cấp công nhân - cũng như các tai họa khác của chủ nghĩa tư bản, như phá hủy môi trường hay áp bức dân tộc, là một phần không thể thiếu của chủ nghĩa tư bản. Bạn không thể có chủ nghĩa tư bản nếu không có chế độ nô lệ trong gia đình hoặc gánh nặng gấp đôi cho những người phụ nữ thuộc tầng lớp lao động; bạn không thể có chủ nghĩa tư bản nếu không có sự tàn phá hành tinh vì khao khát lợi nhuận của các công ty đa quốc gia khổng lồ; và bạn không thể có chủ nghĩa tư bản nếu không có sự nô dịch các quốc gia nhỏ bé bởi các thế lực đế quốc ham muốn cướp bóc tài nguyên và đảm bảo quyền bá chủ của mình chống lại các thế lực khác. Do đó, cách thực sự duy nhất để chấm dứt tất cả các tai họa này là thông qua sự chuyển đổi xã hội xã hội chủ nghĩa, được lãnh đạo bởi giai cấp công nhân.

Giới quan liêu của phong trào lao động đã học cách chơi trò chơi giữa các nhóm khác nhau của công nhân, cung cấp lợi ích không công bằng giữa các bộ phận khác nhau của giai cấp công nhân. Các nhà lãnh đạo công đoàn, tìm cho mình một cuộc sống thoải mái và thỏa hiệp với các ông chủ, bán rẻ một số nhóm công nhân để đổi lấy sự nhượng bộ cho kẻ khác. Ở nhiều nước, “sự phân biệt đối xử tích cực” là hệ thống được giai cấp tư sản sử dụng để nhồi nhét vào vị trí lãnh đạo của phong trào lao động những thành phần cơ hội, những kẻ lợi dụng giới tính và sắc tộc của mình để thúc đẩy bản thân thăng tiến, hỗ trợ và kết bè với giới quan liêu cánh hữu để gạt những người cánh tả sang một bên.

Giới quan liêu rất muốn thiết lập “chỗ ngồi dành riêng” cho phụ nữ, người da đen, v.v., vì lợi ích riêng của chính họ. Bộ máy công đoàn đặc biệt sử dụng công cụ này để pha loãng thành phần của các cơ quan dân cử. Họ dựa vào các nhóm quan chức chuyên nghiệp, những người được cho là đại diện cho “các nhóm đặc biệt”, những người tiến lên nấc thang danh vọng nhờ sự bảo trợ như vậy. Và những người này cũng rất vui khi được hỗ trợ cho lãnh đạo miễn sao họ được trao quyền tự chủ để thúc đẩy các vấn đề của riêng họ. Thay vì trao “sự đại diện” cho “những nhóm đặc biệt”, những gì đạt được lại là một lãnh đạo đại diện ít hơn bởi họ không được bầu trên cơ sở lập trường chính trị thực tế của họ, mà chỉ đơn giản là để đáp ứng những chỉ tiêu.

Sự nhấn mạnh về giới tính hay sắc tộc là vấn đề chính có xu hướng chia rẽ mọi người, không phải trên cơ sở giai cấp mà là những cân nhắc khác. Hậu quả của việc này là vô cùng tiêu cực đối với giai cấp công nhân. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà lãnh đạo công đoàn cánh hữu và các nhà cải cách, đặc biệt là cải cách cánh tả, ở khắp mọi nơi sử dụng “chính trị đúng đắn” và “chính trị bản sắc” để làm chệch hướng cuộc đấu tranh giai cấp và những vấn đề mà giai cấp công nhân thực sự phải đối mặt. Họ tập trung vào các vấn đề về ngôn từ hơn là chống lại sự áp bức trên cơ sở đấu tranh giai cấp.

Những ý tưởng độc hại này là vũ khí trong tay của các phần phản động nhất của bộ máy công đoàn, vai trò thực sự của nó là cảnh sát của giai cấp công nhân nhằm kiềm chế phạm vi và hiệu quả của cuộc đấu tranh giai cấp. Kho vũ khí truyền thống của các phương pháp cảnh sát quan liêu, mối đe dọa của các biện pháp kỷ luật, loại bỏ những cán bộ có tinh thần đấu tranh, trục xuất, v.v. giờ đây lại được bổ sung thêm một phương pháp mới: Sự đe dọa và săn lùng phù thủy bởi những kẻ cuồng tín với “chính trị bản sắc”.

Tại một đại hội công đoàn ở Anh, những kẻ ủng hộ Chính trị Bản sắc đã đưa ra một nghị quyết tuyên bố rằng công đoàn phải thừa nhận sự đúng đắn vô điều kiện bất kỳ lời buộc tội quấy rối nào từ một người phụ nữ đối với một người đàn ông, không có bằng chứng nào hơn được lời nói của người phụ nữ. Một đại biểu nam đã thách thức điều này như sau: “Tôi là một cán bộ công đoàn. Hãy tưởng tượng rằng tôi có một người phụ nữ phải giám sát nhưng cô ấy muốn thoát khỏi tôi. Cô ấy sẽ chỉ cần làm một điều đơn giản: Buộc tội tôi về tội quấy rối và tôi sẽ bị sa thải ngay lập tức và công đoàn không thể bảo vệ tôi”. Trong lần đó, cuộc vận động đã bị đánh bại, nhưng sự nguy hiểm của các chính sách như vậy vẫn là điều hiển nhiên.

Lý do khiến họ không bị thách thức nghiêm trọng không phải là vì họ đã thắng trong cuộc tranh luận mà vì mọi người sợ bị bắt nạt bởi những kẻ ủng hộ Chính trị Bản sắc. Bất cứ ai dám phản đối những mưu đồ của họ ngay lập tức bị gắn mác là một kẻ phân biệt chủng tộc, một kẻ ghét phụ nữ hay bất kỳ tên gọi đầy màu sắc nào mà họ có thể nghĩ ra. Điều này đã dẫn đến những hành vi côn đồ và các chiến dịch xấu xa nhằm vu khống chống lại các đoàn viên công đoàn cánh tả, những người bị săn lùng bởi các cáo buộc vô căn cứ. Bất kỳ sự phàn nàn nào ngay lập tức bị nhấn chìm bởi tiếng la hét và chửi rủa của những kẻ ủng hộ Chính trị Bản sắc, những người không ngần ngại tung những lời lăng mạ và sỉ nhục nhất vào đối thủ của họ.

Nguyên tắc của chỉ tiêu trong thực tế là loại gian lận trắng trợn nhất. Nhiều người thuộc cánh hữu đã được bầu chỉ với lý do anh ta hoặc cô ta đại diện cho một nhóm thiểu số nào đó. Nhưng mọi người đều giữ im lặng về việc này vì sợ bị tố cáo là người ủng hộ sự phân biệt đối xử. Như Ở Anh, Tony Blair rất háo hức sử dụng danh sách ngắn ngủi của tất cả những phụ nữ để tuyển chọn những nghị sĩ tham vọng và kiềm chế cánh tả. Trớ trêu thay, đó cũng là xu hướng thời thượng của cánh tả, những người đã thúc đẩy những ý tưởng này như một phần tích cực trong chương trình chống phân biệt đối xử của họ. Do vậy mà họ thành quân cờ cho cánh hữu. Cánh hữu của Đảng Lao động đã sử dụng vấn đề quốc gia, dân tộc để làm suy yếu Jeremy Corbyn, bằng cách đề xuất hai ghế phụ của NEC, một từ xứ Wales và một từ Scotland để đại diện cho họ. Một sự trùng hợp kỳ lạ là cả đảng Lao động Scotland và xứ Wales đều nằm trong sự kiểm soát của cánh hữu.

Các nhà cải cách cánh tả, luôn muốn chứng tỏ và thể hiện bản thân là người nữ quyền nhất, một mực khăng khăng về điều này. Họ nhấn mạnh vào chỉ tiêu và sự đối xử đặc biệt cho phụ nữ và những người khác. Vì thế Podemos, Momentum và một vài tổ chức khác đi xa hơn trong những vấn đề này hơn là phong trào lao động truyền thống, điều đó phản ánh ảnh hưởng tiểu tư sản đối với các tổ chức này. Một trong những hậu quả phản động của chỉ tiêu là chúng làm sâu sắc thêm sự phân chia và cạnh tranh trong giai cấp công nhân. Chủ nghĩa tư bản đang trong cơn khủng hoảng cấp tính với sự cắt giảm và thắt lưng buộc bụng được thực hiện bởi tất cả các chính phủ, toàn bộ những ý tưởng phản động có thể len lỏi vào một số phần lạc hậu nhất của giai cấp công nhân, những người có thể rút ra kết luận phản động rằng các vấn đề của chúng ta không phải xuất phát từ chủ nghĩa tư bản mà là từ sự hiện diện của các sắc tộc thiểu số và người nhập cư, từ việc phụ nữ đòi quyền lợi, v.v ... Đó là những tuyên truyền cơ bản của các phong trào cánh hữu và phản động nhất: Chúng ta không có đủ việc làm hoặc các trung tâm chăm sóc trẻ ban ngày
( crèche) , chúng ta bị hạn chế tiếp cận đại học hoặc lợi ích xã hội, v.v., là do chỉ tiêu được cấp cho các sắc dân thiểu số, theo giới tính, v.v ... Tất cả những điều này giúp truyền bá mầm mống độc hại của sự phân biệt chủng tộc và chia rẽ trong giai cấp công nhân. Bên cạnh đó, những người được bầu trên cơ sở tỷ lệ sẽ luôn bị coi là hạng hai và những gì họ nói có thể dễ dàng bị bác bỏ bằng cách nói rằng họ không có sự ủy thác thực sự mà chỉ được bầu bởi vì họ là phụ nữ / người da đen / người đồng tính hoặc bất cứ chỉ tiêu gì mà nhờ đó họ đã được bầu.

Ở Brazil, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn. Hầu như toàn bộ Cánh tả đã ủng hộ đề xuất tồi tệ là phân chia toàn bộ dân số trên dòng “sắc tộc” để cung cấp chỉ tiêu trong các trường đại học, v.v. - điều mà các đồng chí Brazil của chúng tôi đã có lập trường chống lại. Họ đã lập luận rằng những gì chúng ta nên đấu tranh là giáo dục, y tế, nhà ở, v.v.. cho tất cả - một mục tiêu có thể đạt được nhờ sự giàu có đã tồn tại trong xã hội - chứ không phải là xem các nguồn lực như là khan hiếm và do đó phải đấu tranh để phân bổ chúng theo tỷ lệ.

Chúng tôi hoàn toàn trái ngược với cái gọi là phân biệt đối xử tích cực, chỉ tiêu, đại diện và tất cả những thứ còn lại. Cách để đảm bảo sự tham gia tối đa của phụ nữ và dân tộc thiểu số vào phong trào lao động là chứng minh bằng hành động chứ không phải bằng lời nói rằng chúng ta đang đấu tranh chống lại tất cả các hình thức áp bức và phân biệt đối xử, vì việc làm cho tất cả, tiền lương cho công việc có giá trị như nhau, v.v. Chỉ trên cơ sở một chương trình đấu tranh, chúng ta mới thành công trong việc thu hút những tầng lớp bị áp bức nhất trong xã hội. Nhưng điều đó có nghĩa là sự lãnh đạo phải nằm trong tay những người đấu tranh giỏi nhất, cho dù họ là đàn ông hay phụ nữ, đen hay trắng, thẳng hay đồng tính.

Thứ công bằng giả tạo này đã được đưa vào phong trào lao động trước tiên thông qua các hiệp hội công nhân cổ trắng, dựa trên các ngành nghề thuộc tầng lớp trung lưu. Họ gần gũi nhất với giới trí thức và sinh viên trung lưu. Như là kết quả của việc phi công nghiệp hóa và sáp nhập các công đoàn, những tầng lớp này đã gạt bỏ các công nhân ra ngoài. Những tầng lớp trung lưu hơn, những người có tiếng nói (hoặc ít nhất là hét to hơn) có thể lây nhiễm vào phong trào với các ý tưởng “thời thượng” của họ, những mà họ thiết lập như một tiêu chuẩn. Điều này đã ảnh hưởng tới các công đoàn ở nhiều quốc gia với một mức độ khác nhau. Do đó mà chúng ta đã có chỗ ngồi riêng cho phụ nữ, LGBT, người da đen, người khuyết tật v.v.. Họ có các hội nghị, ủy ban riêng, v.v., mỗi cái lại có nhóm quan liêu nhỏ của riêng mình. Họ nhấn mạnh sự tự quyết của mình trong những vấn đề này. Và miễn sao họ không làm cả con thuyền ( của toàn thể bộ máy quan liêu) chòng chành họ được phép mặc sức trong “thái ấp” của riêng họ. Các nhà cải cách và giáo phái cánh tả chấp nhận hiện trạng này bởi chính các ý tưởng và chính sách của họ cũng mang đặc tính tiểu tư sản.

Phản ứng chống lại nữ quyền tự do

Phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu đang kêu gọi các cơ hội nghề nghiệp mới như trở thành nữ giám đốc ngân hàng, CEO, giám mục - hoặc thậm chí là Tổng thống Hoa Kỳ. Đây là một biến thể mới trong bài hát cũ của các nhà cải cách: “Tôi rất thích cải thiện các điều kiện của giai cấp công nhân - từng người một, bắt đầu với chính tôi!”

Đúng ra bằng cách có sự tham gia của phụ nữ trong phòng họp của ban giám đốc ngân hàng cũng sẽ chẳng giúp cho sự nghiệp của nữ công nhân sáng sủa hơn. Các sếp nữ có tử tế với nhân viên của họ hơn là sếp nam không? Các ghi chép có vẻ như không ủng hộ giả thuyết này. Và những thành công của Margaret Thatcher, Angela Merkel hay Theresa May đã giúp cho sự nghiệp của những người “chị em” của họ trong các nhà máy như thế nào đến nay vẫn còn là một bí ẩn chẳng thể sáng tỏ.

Dần dần, ngày càng nhiều phụ nữ có ý thức về chính trị đã hiểu được những khía cạnh tiêu cực của nữ quyền. Họ thấy rằng thay vì chống lại chủ nghĩa tư bản, một hệ thống áp bức và bóc lột, thì “dấn thân vào nữ quyền” khiến cho phụ nữ nghĩ về phong trào chỉ trong chừng mực nó dẫn tới lợi ích cá nhân cho một tầng lớp phụ nữ nhất định.

Trong cuốn sách “Tại sao tôi không phải là một nhà nữ quyền” của Jessa Crispin, cô đã miêu tả nữ quyền như là một cách đánh bóng bản thân phổ biến bởi các CEO và các công ty sắc đẹp, “một cuộc chiến tranh để cho phép phụ nữ tham gia bình đẳng vào sự áp bức những người bất lực và nghèo khó.” Một câu nói không tệ, mặc dù cần lưu ý rằng, bất chấp tiêu đề của cuốn sách, Jessa Crispin vẫn tự mô tả mình là ... một nhà nữ quyền.

Bình luận của tờ Tên New Yorker : Tại sao tôi không phải là nữ quyền đến vào thời điểm một số phụ nữ tự do ở Mỹ đã sẵn sàng cho một sự thay đổi lớn lao - đột nhiên, có sự chệch hướng về một hệ thống không tôn vinh 'dấu ấn thành công trong chủ nghĩa tư bản gia trưởng...với tiền bạc và quyền lực, 'như Crispin nói. Dường như, có một sự tha thiết ngày càng tăng từ nữ quyền lo lắng nhiều hơn đến đời sống của phụ nữ có thu nhập thấp hơn là với các nữ CEO.

“Quan điểm đối lập - rằng nữ quyền không những tương thích rộng rãi với chủ nghĩa tư bản mà thực sự còn là kẻ phục dịch cho nó - chắc chắn có được sự chia sẻ bởi những kẻ nổi bật. Đây là thông điệp đã được truyền tải bởi phần lớn các kiểu nữ quyền tự phong trong mười năm qua: chủ nghĩa nữ quyền là thứ mà bạn gọi nó khi một người phụ nữ có đủ tiền để làm bất cứ điều gì mình muốn. Crispin rất tàn nhẫn trong việc mổ xẻ nhãn hiệu nữ quyền này. Nó có nghĩa đơn giản là mua một cách thoát khỏi sự áp bức và sau đó vẫn duy trì nó, như cô lập luận; nó bao trùm mô hình gia trưởng hạnh phúc, điều phụ thuộc vào việc 'có ai đó tuân theo ý muốn của bạn'. Crispin tin rằng phụ nữ, bị khai thác trong nhiều thế kỷ, đã phát triển tiềm thức để khai thác người khác, Crispin tin tưởng. 'Một khi chúng ta là một phần của hệ thống và được hưởng lợi từ nó ở cùng cấp độ với nam giới, chúng ta sẽ không quan tâm, như một nhóm, rằng ai đó sẽ bị tổn thương’.”

Cuộc khủng hoảng của nữ quyền được phản ánh trong một bước ngoặt nhanh chóng của nền chính trị ở Hoa Kỳ hướng về chủ nghĩa xã hội và chống chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là từ cuộc bầu cử của Donald Trump. Bản chất phản động của chính trị bản sắc đã được bộc lộ rõ ​​ràng trong cuộc bầu cử năm 2016 ở Hoa Kỳ, khi Hillary Clinton, đại diện hoàn hảo nhất của Phố Wall và tầng lớp tỷ phú, kêu gọi phụ nữ bỏ phiếu cho mình chỉ “bởi vì tôi là một phụ nữ!” Còn cựu ngoại trưởng Madeleine Albright, một kẻ phản động và hiếu chiến, đã giới thiệu Hillary Clinton tại một sự kiện ở New Hampshire, trước đám đông cử tri nói chung: “Có một nơi đặc biệt trong địa ngục dành cho những người phụ nữ không giúp đỡ lẫn nhau!” Đáp lại, hàng triệu phụ nữ Mỹ đã từ chối thứ “chính trị giới tính”, quay lưng lại với Clinton và Albright để ủng hộ Sanders. Đây là một đòn trời giáng cho những kẻ trung thành với “Chính trị bản sắc”.

Điều này cho thấy phụ nữ Hoa Kỳ khi bỏ phiếu cho một ứng cử viên tổng thống họ coi các chính sách và ý tưởng của người đó quan trọng hơn nhiều so với giới tính của họ. Họ đã hoàn toàn đúng, mặc dù thật không may là người thay thế duy nhất trước họ lại là Donald Trump, trùm phản động, một cách nghịch lý là ứng cử viên “chống thành lập”. Nếu Bernie Sanders tranh cử, nhiều người sẽ bỏ phiếu cho ông, nhưng đó là một vấn đề khác.

Di sản mà chúng ta bảo vệ

Thật lạ lùng khi những người Marxist bị cáo buộc là bỏ bê hoặc bỏ qua các vấn đề của phụ nữ. Quyền bầu cử phổ thông đã được những người Marxist ghi vào chương trình của mình ngay từ đầu. Trước cả phong trào phụ nữ đòi quyền bầu cử ở Anh đầu thế kỷ 20. Eleanor Marx ( Con gái út của Marx) đã chiến đấu trong phong trào công đoàn Anh cho mức lương công bằng với phụ nữ. Ngay từ năm 1848, Marx và Engels đã đưa ra yêu cầu bãi bỏ gia đình tư sản, mặc dù họ nhận ra rằng điều này không thể được thực hiện chỉ qua một đêm.

Ngay khi Đảng Bôn-sê-vích lên nắm quyền ở Nga vào năm 1917, nó đã thực hiện một chương trình giải phóng phụ nữ sâu rộng nhất trong lịch sử, bãi bỏ hình sự hóa người đồng tính luyến ái, tiến bộ hơn nhiều so với bất kỳ điều gì trong thế giới tư bản cùng thời kỳ. Những người Bolshevik đã chứng minh trong thực tế rằng sự lật đổ của chủ nghĩa tư bản có thể đảm bảo cho phụ nữ và những người đồng tính nhiều hơn nhiều bất kỳ sự ngụy biện trừu tượng nào về áp bức nói chung.

Như Trotsky đã chỉ ra:

“Cuộc cách mạng đã thực hiện một nỗ lực anh hùng để tiêu diệt cái gọi là 'tổ ấm gia đình' - đó là cái tổ chức lỗi thời, ngột ngạt và trì trệ, nơi mà người phụ nữ của tầng lớp lao động phải làm việc khổ sai từ thuở thơ ấu cho đến khi chết. Vị trí của gia đình như một xí nghiệp nhỏ sẽ bị thay thế, theo kế hoạch, bởi một hệ thống hoàn thiện về chăm sóc xã hội và nhà ở: nhà hộ sinh, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường học, nhà ăn xã hội, phòng giặt ủi xã hội, trạm y tế, bệnh viện, nhà điều dưỡng, tổ chức thể thao, rạp chiếu phim, v.v ... Sự hòa nhập hoàn toàn của các chức năng nội trợ gia đình vào các tổ chức của xã hội xã hội chủ nghĩa, rồi cả một thế hệ sẽ đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau sẽ mang lại cho phụ nữ, và nhờ đó cả tình cảm vợ chồng, một sự giải thoát thực sự khỏi cái ách ngàn năm.
“(...) Cơn bão không thể đánh bại gia đình cũ - không phải vì nó thiếu ý chí cũng không phải vì gia đình quá vững chắc trong lòng người. Ngược lại, sau một thời gian ngắn nghi hoặc đối với chính phủ và các tổ chức giáo dục, nhà trẻ và các tổ chức những phụ nữ lao động, và sau họ là những người nông dân cấp tiến, đã đánh giá cao những lợi ích to lớn của việc chăm sóc tập thể trẻ em cũng như xã hội hóa nền kinh tế gia đình. Thật không may xã hội tỏ ra quá nghèo và thiếu văn mình. Các nguồn lực thực tế của nhà nước không tương xứng với các kế hoạch và ý định của Đảng Cộng sản. Bạn không thể “xóa bỏ” gia đình, bạn phải thay thế nó. Sự giải phóng thực tế của phụ nữ là không thể thực hiện được trên cơ sở ‘sự đói nghèo được xã hội hóa’. Kinh nghiệm chứng minh tức thời cho cái sự thật cay đắng đó đã được Marx nêu ra tám mươi năm trước.” ( Cuộc cách mạng bị phản bội, Chương 7)

Một lần nữa về tầm quan trọng của lý thuyết

IMT bảo vệ lý thuyết gì? Đầu tiên và trên hết, chúng ta đang đứng trên cơ sở những ý tưởng của Marx, Engels, Lenin và Trotsky, đã vượt qua sự thử thách của thời gian và vẫn còn nguyên giá trị cho tới tận thế kỷ XXI này. Chúng tôi đại diện cho những ý tưởng của Quốc tế thứ nhất, các văn kiện của bốn đại hội đầu tiên của Quốc tế Cộng sản (trước khi bắt đầu xu hướng thoái hóa Stalinít) và Chương trình chuyển tiếp của Trotsky. Những ý tưởng đã được phát triển và bổ sung qua các tác phẩm của Ted Grant trong những thập kỷ sau cái chết của Trotsky, cũng là một phần di sản tư tưởng căn bản của chúng ta.

Chắc chắn một số đồng chí đã tham gia tổ chức trong giai đoạn gần đây sẽ không có được một ý tưởng đầy đủ về chủ nghĩa Marx. Điều này rõ ràng sẽ mất thời gian và bản thân nó không phải đáng ngại. Tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta nhượng bộ dù chỉ nhỏ nhất đối với những tư tưởng sai trái, ngoại lai, tiểu tư sản và lệch lạc khỏi chủ nghĩa Marx chân chính trong hàng ngũ của chúng ta. Nếu một sinh viên muốn tham gia tổ chức của chúng ta, chúng ta sẽ nói với họ: Chúng tôi rất hoan nghênh bạn tham gia, nhưng chỉ khi bạn sẵn sàng chấp nhận tầm nhìn và quan điểm của giai cấp công nhân và cống hiến cho sự nghiên cứu về chủ nghĩa Marx. Hãy để lại định kiến ​​của bạn bên ngoài ngưỡng cửa.

Marx đã viết trong một lá thư gửi Engels (17-18 tháng 9 năm 1879): “Nếu những người thuộc tầng lớp này tham gia phong trào vô sản, điều kiện đầu tiên là họ không nên mang theo mình bất kỳ tàn dư nào của tư sản, tiểu tư sản, v.v. ., thành kiến từ chúng có thể ngăn trở sự toàn tâm toàn ý cho viễn cảnh vô sản.”

Phong trào Trotskyist đã có nhiều kinh nghiệm về điều này trong quá khứ. Ví dụ như SWP ở Mỹ đã hoàn toàn thoái hóa vì họ đã bỏ qua lời khuyên tuyệt vời của Trotsky trong những năm 1930. Họ trở nên lúng túng trong môi trường sinh viên, từ bỏ quan điểm giai cấp và chấp nhận tất cả các ý tưởng tiểu tư sản thời thượng, nữ quyền, Chủ nghĩa dân tộc đen, v.v., để cuối cùng kết thúc trong sự thảm hại.

Chúng ta phải giáo dục trong toàn bộ tổ chức về những vấn đề này để đảm bảo rằng không có sự phát triển nào như vậy xảy ra trong IMT. Chúng ta không thể chấp nhận được ngay cả sự nhượng bộ nhỏ nhất, thậm chí là dấu tích nhỏ nhất trong hàng ngũ của chúng ta. Để cho phép những ý tưởng tiểu tư sản như vậy len lỏi vào tổ chức cuối cùng sẽ dẫn đến sự hủy diệt tổ chức như là một lực lượng Marxist cách mạng chân chính có khả năng thu hút giai cấp công nhân cho sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Lenin, cũng như Engels, Marx và Trotsky, không bao giờ vặn vẹo ngôn ngữ khi phải tấn công các ý tưởng xa lạ, đặc biệt là những người cấp tiến tiểu tư sản. Chúng ta nên đăng lại những gì Lenin, Rosa Luxemburg và Clara Zetkin đã viết về câu hỏi nữ quyền. Họ rất rõ ràng về mặt này. Chúng ta phải tuyên bố công khai sự phản đối của chúng ta đối với giao thoa và tất cả các biến thể khác của “chính trị bản sắc”, một xu hướng rõ ràng phản cách mạng. Về vấn đề này không có chỗ cho sự mơ hồ: chúng ta nên thể hiện bản thân một cách rõ ràng và dứt khoát nhất.

Chúng ta muốn tuyển mộ sinh viên, nhưng họ phải là những sinh viên đã chuẩn bị phá vỡ triệt để những ý tưởng tiểu tư sản và đặt mình vững chắc trên quan điểm của giai cấp công nhân. Các đồng chí sinh viên phải hướng về giai cấp công nhân, đến các nhà máy và nhà ở của công nhân, đến với các công đoàn trong phong trào lao động. Mỗi đồng chí sinh viên nên đặt mục tiêu giành được ít nhất một công nhân trẻ cho tổ chức. Tháng 11 năm 1932, Trotsky đã viết:

Sinh viên cách mạng chỉ có thể đóng góp nếu như trước tiên, anh ta trải qua một quá trình tự giáo dục cách mạng nghiêm túc và nhất quán, và thứ nữa, nếu anh ta tham gia phong trào cách mạng công nhân ngay khi anh ta vẫn còn là một sinh viên. Đồng thời, để tôi nói rõ ràng rằng khi tôi nói về tự học lý thuyết, ý tôi là nghiên cứu về chủ nghĩa Marx không chính thống. (Trotsky, về sinh viên và trí thức , tháng 11 năm 1932)

Cách để vô sản hóa các đồng chí sinh viên của chúng ta trước hết là cung cấp cho họ một nền tảng lý thuyết Marxist vững chắc. Nhiều sinh viên mang trong mình những ý tưởng nhầm lẫn mà họ đã thấm nhuần trong môi trường học thuật thối nát. Nhiệm vụ của chúng ta là sửa chữa những ý tưởng sai lầm này càng sớm càng tốt. Điều này sẽ không được thực hiện bằng một cách tiếp cận nhẹ nhàng và dịu dàng. Kinh nghiệm cho thấy rằng những sinh viên nghiêm túc, không cảm thấy xúc phạm khi bị nói thẳng thắn và sẽ tôn trọng bạn vì điều đó. Những người không thể chấp nhận lập luận thẳng thắn không bực mình bởi “giai điệu” của chúng tôi mà chỉ đơn giản vì họ thấy không thể từ bỏ những ý tưởng và định kiến ​​tiểu tư sản của mình. Thành thật mà nói, chúng tôi không cần loại người đó.

Chúng tôi đã thành công trong việc duy trì một tổ chức vững chắc và thống nhất về ý thức hệ. Đây là kết quả của nhiều thập kỷ đào tạo tư tưởng nghiêm khắc về chủ nghĩa Marx cho các cán bộ cơ sở của chúng ta. Nhưng không nên chủ quan, chỉ một sai lầm nhỏ trong phương pháp, những khẩu hiệu và công thức sai lầm đều có thể phát triển thành những vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều. Như Lenin từng nói: “một vết xước duy nhất cũng có thể gây ra hoại tử”. Chúng ta phải sử dụng tranh luận để nâng cao trình độ chính trị và sự hiểu biết trong việc xây dựng tổ chức Quốc tế.

Nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế ở các nước tư bản tiên tiến đã dẫn đến sự suy thoái chưa từng thấy trong các tổ chức đoàn thể của giai cấp công nhân. Điều này cô lập dòng chảy cách mạng, khiến cho nó thành một thiểu số nhỏ ở khắp nơi, khó khăn không kém mấy với việc phải học bơi ngược dòi. Tuy nhiên, điều này làm rõ các ý tưởng, phương pháp và truyền thống đích thực của chúng ta, không thể đạt được điều này mà không có một cuộc đấu tranh. Nó đã được thể hiện trong một loạt các chia tách không những không làm suy yếu IMT, ngược lại, quá trình chọn lọc này đã giúp chúng ta củng cố rất nhiều. Điều kiện tiên quyết để thành công trong tương lai là phá vỡ triệt để các khuynh hướng cơ hội và xét lại. Như Lenin đã giải thích, trước khi chúng ta có thể đoàn kết, và để chúng ta có thể đoàn kết, trước hết chúng ta phải vẽ những ranh giới chắc chắn và dứt khoát.

Một mình trong hàng ngũ cánh tả chỉ có IMT có thái độ nghiêm túc với lý thuyết Marxist. Đào tạo lý thuyết cho cán bộ là một trong những nhiệm vụ cơ bản và cấp bách nhất của chúng ta. Đây là nền tảng mà trên đó chúng ta sẽ xây dựng một khuynh hướng Marxist mạnh mẽ bắt rễ từ giai cấp công nhân.
Nước Ý, ngày 27 tháng 7 năm 2018

Join us

If you want more information about joining the IMT, fill in this form. We will get back to you as soon as possible.